Thời cuộc

Những điều chưa kể trong vụ rơi máy bay ở thung lũng tử thần

'Khi đó tôi thấy Pasje gần lối đi. Anh nằm trên ghế, bật ngược ra phía sau. Nụ cười vẫn trên môi, nụ cười mỉm thật dịu dàng. Anh đã chết', Annette kể.

Câu chuyện máy bay rơi ở thung lũng tử thần Ô Kha, thuộc địa phận xã Trung Sơn, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa năm 1992 đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Nạn nhân duy nhất của vụ tai nạn đã sống sót thần kỳ và xuất bản cuốn sách từng chấn động dư luận, kể về thời khắc giành giật sự sống của mình.

Trước năm 1975, nhiều máy bay đã bị rơi ở thung lũng này. Theo người dân Khánh Sơn, đã có nhiều máy bay Mỹ đã rơi ở núi Ô Kha trong chiến tranh Việt Nam. Với tất cả những người đi rừng khi đó, Ô Kha vô cùng hoang sơ và hiểm trở bởi những đỉnh núi luôn phủ mây mù.

Theo những nhân chứng thời đó, sáng sớm ngày 14/11/1992, những vị khách đã yên vị trong chiếc YAK40 mang số hiệu VN474đến thành phố biển Nha Trang. Máy bay có 31 người bao gồm phi hành đoàn và hành khách. Ở hàng ghế số 3 là đôi tình nhân người Hà Lan, cô Annette Herfkens và chồng sắp cưới. Họ đã có mối tình kéo dài 15 năm, dự đi đi Nha Trang trước khi trở về Hà Lan làm đám cưới. 

Khi chỉ còn 5 phút nữa là đến sân bay Cam Ranh, máy bay hạ độ cao ở khu vực Ô Kha, Khánh Sơn. Thời tiết xấu, sương mù dày đặc khiến phi công bị vướng tầm nhìn, va cánh vào núi. Sau cú va chạm đầu tiên gãy cánh, thân máy bay như tên lửa tiếp tục lao nhanh về phía trước 1.000m. 

an1.jpg

Annette cô độc sống suốt 192 tiếng trong rừng sau tai nạn thảm khốc. Ảnh cắt từ video dựng lại

Ngay sau khi máy bay YAK40 mất tích, mọi phương tiện cứu hộ như máy bay, dân quân của Việt Nam đã được huy động tối đa từ TP HCM, Hà Nội tập trung ra Nha Trang tìm kiếm cứu hộ.

2 giờ sau khi YAK40 mất tích, trực thăng cứu hộ chở Đại tá Lê Hải, Nguyên trợ lý cục hàng không Việt Nam, trưởng đoàn cứu hộ tai nạn hàng không Ô Kha, cùng bộ phận hàng không dân dụng thị sát quanh thung lũng Ô Kha. Đó là vào ngày 10 âm lịch, thời tiết khu vực này rất xấu, mây mù và mưa phùn bao phủ thung lũng.

Trong những cánh rừng Ô Kha hiểm trở đã bớt hẳn những tiếng rên đau, lặng cả hơi thở, sự chết chóc bắt đầu lan tỏa, nơi những xác người bắt đầu phân rã. Annette là người duy nhất còn sống sót trên chuyến bay định mệnh.

Với đôi chân không thể nhúc nhích,  cô đã dùng hết sức lực còn lại của cả thân mình để trườn ra khỏi nơi đau thương chết chóc đó. Với cô sự sống đang ở phía trước. Cô kể lại: “Tôi di chuyển bằng cùi chỏ, đau thấu xương, chân bị gãy. Tôi phải trườn cả thân mình bằng cánh tay”.

Một lần duy nhất cô quay đầu lại là khi cô thấy người yêu mình. “Khi đó tôi thấy Pasje gần lối đi. Anh nằm trên ghế, bật ngược ra phía sau. Nụ cười vẫn trên môi, nụ cười mỉm thật dịu dàng. Anh đã chết”, Annette viết trong hồi ký.

an2.jpg

Đội cứu hộ tiếp cận Annette sau chuỗi ngày tìm kiếm vô vọng. Ảnh cắt từ video dựng lại

Rồi cô cứ thế, không một lần nào ngoái lại phía sau nữa. Annette tìm sự sống trong mạnh mẽ và đơn độc giữa rừng già Khánh Sơn. “Thình lình cơn mưa đổ xuống. Mưa nặng như đánh vào người, như đấm vào vết thương, mưa rát cả mặt khi tôi há miệng hứng nước mưa. Tôi gần như khóa miệng lại nhưng là trong sung sướng để uống ừng ực từng giọt nước”, cô kể.

Ngày thứ 6 là ngày hiếm hoi Ô Kha cuối thu hửng nắng, sương tan dần, khu rừng bừng tỉnh trong ánh nắng lấp lánh. Annette chìm vào vẻ đẹp của thiên nhiên bao la, cô không còn nhớ đến tai nạn kinh hoàng, những chết chóc. Cô quên cả nỗi đau thể xác để ngắm nhìn sự sống tuyệt đẹp và nó giúp cô đấu tranh mạnh mẽ giành lấy sự sống.

Ngày thứ 7, niềm hy vọng nhen nhóm trở lại với đoàn cứu hộ khi họ tìm được xác máy bay. Annette vẫn cô độc một mình và nhiều ngày qua không có mưa, nguồn sinh tồn duy nhất đã không còn nữa. Trong chập chờn tỉnh mê, cô nhìn thấy một người đàn ông mặc đồ màu da cam đi về phía mình. Người đàn ông trong lúc Annette chập chờn tỉnh mê đó là ông Cao Văn Hạnh, khi đó là trưởng công an xã Sơn Trung. Ông vội vã về báo cáo với lực lượng cứu hộ và nhanh chóng quay trở lại.

Đại tá Lê Hải chia sẻ: “Cô ấy rất nghị lực. Một con người chấp nhận với những khó khăn xảy ra không hốt hoảng, nếu hốt hoảng chỉ có chết. Không có nghị lực thì bị thương đau đớn như thế sẽ không chịu nổi. Đoàn cấp cứu cũng rất kiên trì, đã qua 5 tới 7 ngày không tìm thấy vẫn quyết tâm đi tìm cho được. Thường thường, mờ sáng 2-3h là chúng tôi đã dậy nấu cơm ăn rồi lên đường. Cho nên phải nói công lao của hàng nghìn con người là không thể chối cãi”.

Ngày 22/11/1992, khi nhận được tin từ trung tâm cứu hộ là đã tiếp cận được máy bay YAK40, 30/31 người tử vong, trực thăng Mi-8 tiếp tục cử lên đường từ Nha Trang chở theo cứu hộ, bác sĩ, nhu yếu phẩm, thuốc men lên Khánh Sơn tiếp ứng. Bất ngờ chiếc Mi-8 tiếp tục mất liên lạc ở thung lũng Ô Kha nơi chiếc YAK40 gặp nạn. Một địa điểm, tai nạn chồng tai nạn và mất mát tột cùng đau đớn.

Sau 22 năm sống sót kỳ diệu trong tai nạn hàng không thảm khốc ở Ô Kha, bà Annette và con gái đã trở lại Việt Nam nhân việc ra mắt cuốn sách phiên bản tiếng Việt, kể về chuyến đi định mệnh của bà năm ấy đã được dịch sang nhiều thứ tiếng trước đó.

an3.jpg

Annette cùng con gái tìm về thung lũng Ô Kha sau 22 năm.

Và thật xúc động, bà đã gặp được vợ của những người cứu hộ trên chiếc trực thăng Mi-8. Họ, những người phụ nữ cùng một nỗi đau, mất chồng cùng sự mạnh mẽ phải sống thật đẹp đã đến Ô Kha, hiện trường vụ tai nạn 22 năm trước. Annette tìm đến thăm đầu tiên những ân nhân đã cứu mạng mình và ôm lấy nhau vỡ òa trong hạnh phúc

Câu chuyện thung lũng Ô Kha nằm trong series Khoảnh khắc sinh tử trên HTV7 lúc 11h30 trưa chủ nhật hàng tuần.

Xem video dựng lại câu chuyện máy bay rơi ở thung lũng Ô Kha

Tùng Dương

NgoiSao.net

Những điều chưa kể trong vụ rơi máy bay ở thung lũng tử thần - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,303,742       1,470