Thời cuộc

Người phụ nữ dũng cảm chống lại hủ tục 'nối dây'

Chồng chết, chị Con lẽ ra phải lấy em chồng nhưng chị kiên quyết từ chối. Dẫu bị dân làng dị nghị, họ hàng nhà chồng gây khó dễ, chị cũng không thay đổi.

"Nối dây" là một tập tục lâu đời của một số dân tộc thiểu số ở miền Trung và Tây Nguyên. Tục này quy định khi vợ chết, người chồng có quyền và nghĩa vụ phải lấy chị em vợ. Khi chồng chết, người vợ có quyền và nghĩa vụ phải lấy anh em chồng. Và chính từ hủ tục này đã nảy sinh ra rất nhiều bi kịch gia đình.

Theo tục này, khi người vợ qua đời, người chồng muốn tái hôn buộc phải lấy một người con gái trong gia đình vợ (có thể là em gái vợ còn rất nhỏ tuổi hoặc người chị vợ già hơn mình rất nhiều) miễn là người đó chưa có chồng. Những người đó gọi là người “nối dây”. Ngược lại, nếu người chồng mất mà gia đình chồng không muốn mất của cũng phải đưa người (anh trai hay em trai chưa có vợ của người chồng) sang nhà người vợ đã mất để thực hiện tục nối dây.

Trong thời đại ngày nay, tục nối dây bị coi là một hủ tục, đang dần xóa bỏ. Bởi vì do bị ràng buộc “nối dây” nên sẽ có những cặp vợ chồng "cọc cạch" chồng rất già mà vợ rất trẻ (thậm chí trẻ con) hoặc ngược lại. 

Thực tế nghiên cứu ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, nhất là Bắc Trường Sơn, cho thấy khi nhà trai đi cưới vợ cho con thường tốn rất nhiều của cải. Vì họ cho rằng việc cưới vợ cũng như bỏ của cải để mua về một sức lao động cho gia đình và dòng họ. Do đó, tục “nối dây” là hình thức để ràng buộc người phụ nữ với gia đình chồng và giữ lại sức lao động... Phong tục này vẫn được tiếp diễn ở cộng đồng dân tộc Vân Kiều.

Theo người Bru - Vân Kiều ở dọc dãy Trường Sơn, nếu phụ nữ Vân Kiều nào không tuân theo luật tục thì chịu phạt rất nặng hoặc phải trở về nhà bố mẹ đẻ của mình mà không được mang theo con cái, của cải. Luật tục ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của người Vân Kiều và trở thành một luật tục nghiêm ngặt, có uy lực tuyệt đối.

Người phụ nữ Vân Kiều này vẫn phải tiếp tục thực hiện tục nối dây lạc hậu.

Chị Hòn Thị Mắm và anh Hồ Văn Thi lấy nhau được 10 năm và có 2 con trai và 2 con gái. Cuộc sống của anh chị tuy không khá giả nhưng êm đềm, hạnh phúc. Cuộc sống yên bình cứ thế trôi đi đến một ngày anh Thi đổ bệnh nặng và qua đời để lại cho chị Mắm 4 đứa trẻ thơ dại. Theo hủ tục này của người dân Bru - Vân Kiều, chị phải lấy anh của chồng hơn mình 20 tuổi đã có vợ và 5 đứa con.

Không thể chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu và “chung chồng”, chị Mắm cương quyết không đồng ý. Thấy vậy, ông Trưởng bản đe nẹt: “Mày đã không theo tục của bản, mai này vì mày mà con ma núi sẽ về bắt cả bản phải chịu nhiều cái bệnh tật, không làm tốt được cái rẫy, cái ruộng”...

Nếu có chuyện gì xảy ra với bản thì chị sẽ bị phạt nhiều con trâu, con bò để cúng con ma núi. Chị Mắm không ưng lấy người anh của chồng, nhà lại không có nhiều con trâu, bò để cúng con ma núi, trong lúc quẫn chí, chị đã tìm lá độc để tự tử. Rất may, chị Mắm được bà con trong bản kịp thời phát hiện, cứu chữa nhưng cái “án nối dây” vẫn treo lơ lửng trên đầu chị.

Luật tục từ nghìn đời nay như thế, nó là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhưng đã có một phụ nữ Vân Kiều dám đứng lên chống lại tục lệ này. Đó là chị Hồ Thị Con (ở bản Bến Đường, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình).

Năm 1974, khi vừa tròn 16 tuổi, chị Con lấy anh Hồ Văn Cu (sinh năm 1956), người cùng bản. Cuộc sống tuy không no đủ nhưng anh chị vẫn sống vui vẻ, hạnh phúc bên nhau. Rồi lần lượt 6 đứa con, có trai có gái ra đời. Cứ tưởng cuộc sống ngày ngày vợ chồng cặp kè nhau với những buổi lên nương làm cây sắn cây ngô, xuống suối tìm bắt con cá con ốc nuôi con ấy sẽ là mãi mãi...

Vậy mà năm 2001, sau một chiều đi làm rẫy về, anh bỗng nhiên đổ bệnh. Vượt qua bao con suối, gia đình đã đưa anh Cu về bệnh viện để chữa trị nhưng rồi vào một buổi chiều, trời mưa sùi sụt, chị Con đành gạt nước mắt đưa chồng về nhà làm ma và thành goá bụa vào tuổi 40 còn tràn đầy sinh lực. Anh mất được tròn năm thì theo phong tục của người dân tộc Vân Kiều, gia đình bên chồng chị sang đánh tiếng đưa chị về làm vợ hai của Hồ Văn Thục (sinh năm 1966), là em trai của anh Cu.

Oái ăm thay, người đầu tiên bên nhà chồng sang đánh tiếng với chị lại chính là em gái của chị, Hồ Thị Nòn. Nòn là vợ của Thục. Đêm tối, bên bếp lửa nhà sàn leo lét, Nòn bảo: "Chị ơi, bây giờ mà chị thương các cháu thì chị hãy về theo em làm vợ của... chồng em để giữ lấy các cháu trong nhà, giữ lấy tình cảm gia đình, dòng giống của anh Cu...". Chị Con bảo với Nòn: “Em ạ, nói với bố bên nhà là cho chị mãn tang anh đã rồi tính...”. Nòn phát hoảng nói: “Em sợ bà con trong bản không chịu mô”, rồi thắp đuốc ra về...

Hai năm để tang chồng trôi qua. Lần này thì đích thân Thục qua "đặt vấn đề" đưa chị dâu về làm vợ. Chị Con nói với Thục: "Chú Thục à, khi chị về làm vợ anh Cu thì chú không khác chi đứa em út nhỏ của chị, chị chăm bẵm chú từ trước tới giờ... Nay anh mất mà chị về ở với chú thì chị không chịu đâu". Thục nghe chị nói vậy, đành quay về.

Một lần, già bản đến, đứng giữa sân nhà chị Con nói lớn: “Nếu có chuyện gì xảy ra với bản như có người chết vì đau ốm, bản sẽ phạt chị nhiều con trâu, con bò để cúng con ma núi...”. Hết bố chồng lại đến Thục sang thúc giục chị về làm vợ Thục. Chị Con nói với bố chồng: “Con xin ra khỏi họ (chồng) để ở vậy nuôi con, thờ chồng".

Bố chồng khóc, nói: “Bố mất một đứa con rồi mà còn mất thêm 10 đứa cháu (lúc này chị Con có 2 con dâu, 2 cháu nội, 6 đứa con) nữa thì buồn lắm, con ra khỏi họ đừng lấy người khác kẻo bố mất hết cháu”.

Thấy chị kiên quyết vậy, Thục và gia đình chồng không bắt ép nữa. Cả bản Bến Đường cũng không còn ai dị nghị này nọ với chị. Trái lại, năm 2004, chị Con còn được dân bản tín nhiệm bầu trúng vào HĐND xã và huyện. Sau, Thục còn tới bảo chị: "Chị ở một mình cũng khổ, lỡ đau ốm ai lo? Thôi vẫn cho chị sống với mấy đứa con, đứa cháu như trước, vẫn coi chị là người trong họ hàng”.

Từ khi chị Hồ Thị Con quyết tâm “cắt” dây, chị vẫn đi về như một người con dâu hiền thảo với nhà chồng. Con, cháu của chị cũng ngày ngày qua lại với chị hoặc gia đình bên chồng, thân thiết và tình nghĩa. Dân bản thì chờ đợi ngày nào đó bị ốm đau vì chị Con đã làm con ma núi giận dữ, thế nhưng ngày, tháng, năm qua đi vẫn chẳng thấy ai bị ốm đau cả.

Thấy chị Con không nối dây mà nhà họ Hồ Văn cũng không bị mất cháu nên nhiều người trong bản mới bảo nhau rằng: "Chị Con nói đúng rồi, nối dây như cũ là không tốt. Cứ đi làm vợ của anh hay em chồng mình là không được, lại phải đẻ thêm con rồi nuôi khổ cái thân mình lắm, phải học cái tốt của chị Con thôi!".

Kể từ đó, đã có thêm nhiều trường hợp ở Quảng Ninh, Quảng Bình quyết tâm "cắt" dây để dần xóa đi cái hủ tục từ nghìn đời. Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động, nhờ vậy bà con dần nhận thức được đúng sai mới dần rời bỏ những tập tục lạc hậu như nối dây.

Theo Công Lý

NgoiSao.net

Người phụ nữ dũng cảm chống lại hủ tục 'nối dây' - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,160,914       255