Thời cuộc

Cuộc hội ngộ của đôi bạn Việt - Đức thất lạc nhau 26 năm

Từng ở cùng phòng và sẻ chia thời sinh viên nghèo khó, đôi bạn, một ở Đức và một ở Việt Nam, mất liên lạc sau khi người kia về nước.

Bước xuống từ chiếc taxi đỗ trước cửa khách sạn trên phố cổ Hà Nội, ông Tây cao lớn có mái tóc hoa râm chạy lại ôm chầm lấy người đàn ông Việt Nam vừa xuống xe cách đó vài phút. Cả hai mừng rỡ nhận ra nhau trong giây phút đầu tiên gặp lại sau hơn hai thập kỷ. Hai người vợ chứng kiến khoảnh khắc ấy của các ông chồng đã không kìm được xúc động. Cuộc hội ngộ của đôi bạn thất lạc nhau nhiều năm khiến những người xa lạ vui lây.

Sau khi đăng tin hai người Đức mong gặp lại bạn Việt Nam, ước muốn của ông Detlef Gysbert Van Der Smissen và vợ, bà Kerstin Renate Geb. Hartman Van Der Smissen, đã thành hiện thực. Người bạn Việt Nam của họ là ông Hoàng Văn Vân (68 tuổi), hiện làm trọng tài quốc tế môn bắn súng. Chuyến du lịch tới Việt Nam lần này của ông bà Van Der Smissen có một mục đích quan trọng, đó là tìm gặp ông Vân.

ban.jpg

Ông Vân và người bạn Đức, ông Detlef Gysbert Van Der Smissen, trong ngày gặp lại sau 26 năm.

Biết người bạn Đức vẫn nhớ và tìm mình, ông Vân cảm thấy rất vui vì họ trân trọng mối quan hệ bạn bè. Ông liên lạc ngay khi xin được số điện thoại của ông Detlef.

"Chúng tôi trò chuyện qua điện thoại nhưng chẳng ai hiểu người kia nói gì, một phần vì quá vui, phần nữa do đã lâu tôi không nói tiếng Đức nên phát âm không chuẩn khiến người nghe khó hiểu. Detlef đề nghị nhắn tin nhưng điện thoại của tôi trục trặc nên tôi đành đoán ý", ông Vân kể.

Dứt lời, ông hướng ánh mắt sang ông bà Detlef và dịch lại rồi họ cùng phá lên cười vui vẻ. Ông Vân cho biết ông Detlef vẫn như ngày nào, hiền lành, vui vẻ và tốt bụng. Duy chỉ có điều, Detlef bây giờ béo hơn và mái tóc không còn dể dài như trước. Hiện, vợ chồng ông Detlef chưa nghỉ hưu và vẫn công tác trong ngành giáo dục. Không giấu nổi hạnh phúc, ông Detlef tâm sự rất hồi hộp khi gặp lại bạn, còn bà Kerstin Renate Geb. Hartman, thì miêu tả cảnh hội ngộ là một "khoảnh khắc đẹp".

"Tôi không biết dùng từ nào chính xác để miêu tả cảm xúc khi chúng tôi vừa bước xuống taxi và trông thấy vợ chồng ông Vân. Mọi người ôm chầm lấy nhau. Đó là một khoảnh khắc đẹp", bà Kerstin Renate Geb. Hartman chia sẻ.

ban2.jpg

Ông Vân (đeo kính) trong đám cưới vợ chồng người bạn Đức.

Tại sảnh chờ của khách sạn, đôi bạn thân từng ở chung phòng suốt 3 năm đại học tại Đức chuyện trò thân thiết và tự nhiên như hai người anh em chưa từng mất liên lạc với nhau. Kỷ niệm về một thời gắn bó ùa về trong từng câu chuyện họ chia sẻ bằng tiếng Đức, trong cả tiếng cười, ánh mắt.

Thời sinh viên nghèo đầy tình cảm

Năm 1973, nhóm sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam, trong đó có ông Vân, được cử đi Đức. Ông Vân từng đi bộ đội, sau đó đi học hoàn thiện chương trình cấp ba trước khi thi vào đại học sư phạm làm giảng viên. Đỗ điểm cao, ông Vân là một trong số những người được sang Đức học.

Ông và các sinh viên Việt Nam được đào tạo một năm tiếng Đức, sau đó mới học đại học. Ngày ấy, ông Detlef và ông Vân học cùng khoa kỹ thuật tổng hợp của Đại học Công nghệ thành phố Chemnitz. Hai ông ở cùng phòng trong ký túc xá vì mỗi sinh viên Đức được xếp ở với một sinh viên Việt Nam.

Trong tâm trí hai người bạn, thời sinh viên nghèo khó mãi là kỷ niệm đẹp giúp tình bạn của họ bền chặt. Ông Vân cho hay sinh viên Việt Nam nghèo còn các bạn Đức cũng xuất thân từ gia đình không mấy khá giả. Cả hai thấu hiểu và cùng san sẻ nhau trong hoàn cảnh thiếu thốn với số tiền trợ cấp ít ỏi.

Ông Vân nhớ mãi những câu chuyện kể về chiến tranh Việt Nam cho ông Detleft nghe. Ngày đó, cuộc chiến tranh Việt Nam được bạn bè thế giới dõi theo từng diễn biến. Ông Vân hay hát các ca khúc về Hà Nội và không thể dịch nổi câu "át tiếng bom dền" sang tiếng Đức. Ông thỉnh thoảng trổ tài làm các món ăn truyền thống Việt Nam như nem rán mời bạn thân. Nem rán và ăn bằng đũa là hai điều ấn tượng nhất với ông Detleft về người bạn Việt.

Mùa hè sinh viên năm nhất, năm hai, ông Vân và ông Detlef đi hái dâu kiếm thêm trang trải cuộc sống. Ông Vân cũng nhiều lần về quê bạn chơi. Sau ba năm ở cùng nhau, ông Detlef kết hôn với cô bạn học cùng trường đại học và chuyển ra ngoài sống. Nhớ về ngày cưới của mình, bà Kerstin Renate Geb. Hartman mở lại bức ảnh cũ trong máy tính có hình ông Vân. Ba người hàn huyên và cùng nhớ tên từng người trong ảnh.

Ông Detlef quay sang nhắc bạn về kỷ niệm ném cốc chén trong đám cưới của vợ chồng mình. Đám cưới sinh viên của họ được tổ chức trong phòng ký túc xá, trước sự chứng kiến của hơn 10 người và ông Vân là người Việt duy nhất.

Ngày đó, sinh viên nghèo tới mức không đủ cốc chén để mời bạn bè uống nước. Ông Vân có bộ cốc rất đẹp và nâng niu cẩn thận để mang về nhà. Cuối cùng, ông mang ra góp với bạn.

"Tôi nhớ nhất kỷ niệm ấy. Họ quan niệm, trong ngày cưới càng đổ vỡ bao nhiêu thì càng hạnh phúc bấy nhiêu. Thế nên, uống nước xong, mọi người cùng ném hết cốc, chén vào tường. Mặc dù rất tiếc nhưng tôi không mang được bộ cốc về nhà", ông Vân hóm hỉnh kể.

Cuộc hội ngộ không ngờ

Tốt nghiệp đại học năm 1978, ông Vân về nước và làm cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học và Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục suốt 10 năm. Suốt hơn một thập kỷ, hai người bạn thân vẫn liên lạc với nhau.

Sau đó, theo yêu cầu, ông Vân được chuyển sang làm phiên dịch cho bộ quốc phòng. Ông gặp bạn cũ tại Đức khi trở lại đây công tác đến năm 1990 mới về Việt Nam. Thời gian đó có nhiều biến động thời cuộc khiến ông Vân phải nghỉ chờ việc vài năm trước khi nghỉ hưu. Hai người bạn mất thông tin nhau từ đó.

ban1.jpg

Ba người bạn cũ hàn huyên thời sinh viên nghèo khó nhưng tình cảm ở Đức.

Người bạn Đức vẫn thư từ và gửi đồ cho các con ông Vân theo địa chỉ cơ quan cũ nhưng bị trả lại. Lý giải cho việc không cố liên lạc lại, ông Vân tâm sự nước Đức sau thống nhất cũng có nhiều đổi thay. Không ít người phải đổi nghề nên có thể bạn ông cũng không còn ở địa chỉ cũ nữa. Về phần mình, sau khi nghỉ hưu, ông Vân chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch nhiều năm, rồi trọng tài thể thao.

Ông Vân không ngờ có ngày hội ngộ người bạn Đức tại Hà Nội. Vợ ông, bà Vũ Thị Yến, kể trước ngày gặp, ông Vân hồi hộp không ngủ được và còn chuẩn bị vài món đồ lặt vặt để bạn dùng khi ở Việt Nam. Ông tiếc vì điều kiện sức khỏe không cho phép nên khó có thể đưa bạn thăm thú nhiều nơi. Trước khi có ngày hội ngộ ông Detlef, ông Vân bị nhồi máu cơ tim tưởng chết. Sức khỏe yếu nên vợ chồng ông tới khách sạn chờ bạn, thay vì ra tận sân bay đón.

"Họ về nước ngày 1/5. Vợ chồng tôi sẽ mời hai bạn tới nhà chơi và tổ chức sinh nhật cho Kerstin Renate Geb Hartman. Tôi cũng mong có ngày trở lại Đức nhưng còn phụ thuộc vào tình hình sức khỏe", ông Vân nói.

VnExpress

NgoiSao.net

Cuộc hội ngộ của đôi bạn Việt - Đức thất lạc nhau 26 năm - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,369,994       805