Anh Quyết kể, đã chụp hình con bằng điện thoại rồi cho vợ xem. Chị chỉ xem đúng một lần, khuôn mặt chị rất tươi rồi chị ra đi mãi mãi.
Video “Nghẹn ngào khoảnh khắc mẹ từ biệt con trước khi qua đời” tái hiện câu chuyện có thật 3 năm trước, đã được lan truyền đầu tháng 3, gây xúc động mạnh. Đó là câu chuyện cảm động về khoảnh khắc sinh tử của một bà mẹ bị ung thư giai đoạn cuối đang hôn mê và các bác sĩ phải làm mọi cách để cứu sống em bé.
Ngày 28/5/2012, Bệnh viện 175 và Bệnh viện Từ Dũ đã mổ bắt con cho chị Nga (32 tuổi, quận Gò Vấp). Ca mổ thành công nhưng đứa trẻ ngay sau đó được chuyển qua Bệnh viện Từ Dũ hồi sức, còn người mẹ cũng được chuyển vào phòng hồi sức Bệnh viện 175. Đứa trẻ ra đời khi chỉ mới 32 tuần tuổi, cân nặng 1,65 kg và người mẹ đang bị ung thư phổi giai đoạn cuối, nằm thở bằng sự giúp đỡ của máy và tiên lượng rất nặng.
Hình ảnh chị Nga khi đang được điều trị hồi sức sau khi sinh con cách đây 3 năm. Chỉ vài ngày sau thì chị ra đi mãi mãi, để lại cho người chồng đứa con gái bé bỏng. |
Cũng như bao đôi nam nữ yêu nhau, chị Nga và chồng đến với nhau năm 2008. Chồng làm thợ sắt, còn vợ thì giúp người chị bà con trông nom xưởng may, hai vợ chồng ở nhờ nhà họ hàng ở quận Gò Vấp, TP HCM. Đôi vợ chồng trẻ ước mơ có một đứa con bi bô cho vui nhà, vui cửa, thế nhưng sau một năm vẫn chưa có gì.
Hai vợ chồng đã đến khám tại bệnh viện Từ Dũ, kết quả chồng tinh trùng yếu, còn vợ bị đa nang buồng trứng, rơi vào tình trạng hiếm muộn. “Hễ ai chỉ đi đâu là đi đó. Lên Lâm Đồng, xuống Vũng Tàu tìm thầy thuốc nam, thuốc bắc nhưng vẫn không có kết quả gì. Nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm đi điều trị. Tuần nào cũng đi khám lấy thuốc”, người chồng buồn bã kể.
“Khi bệnh đa nang của vợ đã hết, vợ chồng tôi để tự nhiên nhưng đến tháng 9 vẫn không có gì. Vợ chồng tôi quyết định nhờ đến phương pháp thụ tinh nhân tạo. Chúng tôi đến Bệnh viện An Sinh để làm thủ thuật đưa tinh trùng vào trứng, kết quả thụ thai ngay lần đầu tiên”, anh Quyết kể lại.
Anh nói rằng vợ mình rất khỏe, thỉnh thoảng có ho khan như bao bà bầu khác, vợ anh cứ nghĩ ho là do con hành. Đi khám thì bác sĩ nói viêm họng cấp và cho thuốc về uống nhưng chị thì không dám uống vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Khi thai nhi đến tháng thứ 5, chị ho ra máu, anh đưa vợ đến Bệnh viện An Sinh chụp phim và cũng không thấy gì. Rồi chị Nga sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khám, bác sĩ kết luận nặng và chỉ định nhập viện nhưng chị không dám ở lại.
Về nhà được mấy hôm thì chị lại ho ra máu. Anh đưa vợ đi cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả xét nghiệm, sinh thiết tại đây kết luận chị bị ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn gan, xương. Bác sĩ nói nếu như người bình thường mắc bệnh này thì sống từ 3 đến 6 tháng, còn mang bầu thì chưa nói trước được điều gì.
Lúc này, gia đình nội - ngoại đã họp bàn và xác định chị đã hết cách cứu. Họ hàng khuyên anh, nếu thương vợ thì phải cố gắng giữ cho vợ cái gì đó làm kỷ niệm, đó là đứa con và anh đã đi đến quyết định không xạ trị - hóa trị cho vợ.
“Gia đình đã đề nghị giấu vợ tôi. Nhưng theo tôi thì cảm nhận vợ tôi đã biết. Có hôm vợ hỏi tôi: 'Có phải em ung thư giai đoạn cuối không?' Tôi bảo chỉ bệnh phổi nặng thôi chứ nếu nói ra vợ tôi sẽ suy sụp”, anh tâm sự thêm.
Hơn hai tuần sau, chị xuất viện, anh đã đi tư vấn tại các bệnh viện sản khoa nhưng các bác sĩ trả lời rằng, vấn đề ở đây là bệnh của người mẹ chứ không phải con, nếu xử lý được người mẹ thì mới sinh con được. Cuối cùng anh đã tìm đến Bệnh viện 175 khi thai nhi bước qua tuần 27 và sau 5 tuần thì sinh con.
“Cháu thường được gọi ở nhà là Thiên Phúc, vì đây là đứa con trời ban”, anh nói. Anh khoe đã chụp tấm hình con bằng điện thoại mang vào cho vợ xem và chị chỉ xem đúng một lần, khuôn mặt chị lúc đó rất tươi. Mỗi lần vào thăm bệnh, thấy vợ thở rất khó khăn, anh chỉ cầu cho vợ sống được một hai năm, nếu không được thì kéo dài sự sống của vợ để nhìn được mặt con bên ngoài.
Nói về bệnh tình của bệnh nhân, bác sĩ Trần Văn Thành, phòng Kế hoạch - Tổng hợp, bệnh viện 175 cho rằng đây là sự hy sinh cao cả của người mẹ và là thành công của các bác sĩ trong việc giữ được mẹ và thai nhi trong thời gian 5 tuần trước sinh. “Ung thư có thể xâm nhập vào bất cứ đâu của cơ thể nhưng không xâm nhập vào thai nhi, đó là điều kỳ diệu của tạo hóa”, bác sĩ Thành tâm sự.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Việt, Chủ nhiệm khoa Hồi sức Tích cực, ngày 20/4/2012, sản phụ nhập viện trong tình trạng suy tim, suy hô hấp, thai kỳ 27 tuần, nặng 0,9 kg. Đặc biệt sản phụ bị ung thư phổi giai đoạn cuối, toàn bộ phổi trái không hoạt động, ung thư di căn vào gan, ổ bụng, tràn dịch… Sau khi hội chẩn, bệnh viện 175 đã mời các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ sang hội chẩn để đánh giá tình hình, hướng điều trị.
Sau đó, sản phụ được chuyển vào khoa Hồi sức Tích cực, được làm các xét nghiệm máu, hỗ trợ thở ôxy, truyền dịch, hỗ trợ ăn qua đường tĩnh mạch (đạm, mỡ)… riêng thai nhi cũng được hỗ trợ thuốc hô hấp.
“Chúng tôi đặt ra mục tiêu là khi thai nhi đến 30-31 tuần thì mổ bắt con, tình huống xấu nhất là người mẹ suy hô hấp thì sẽ đặt nội khí quản cho mẹ để kéo dài bầu thai, vì nếu kéo dài thêm một ngày trong bụng mẹ thì tỷ lệ sống sót của con tăng lên 3%. Thậm chí là dự kiến tình huống người mẹ có thể tử vong trên bàn mổ”, bác sĩ Việt nói.
5 tuần nhập viện, thai nhi ở tuần thứ 32, các bác sĩ đã quyết định chấm dứt thai kỳ và mổ bắt con do người mẹ suy hô hấp cấp, suy tim cấp và thai nhi có dấu hiệu chuyển dạ. Ít ngày sau, chị Nga qua đời. Hiện hai cha con đang sống tại quận 7, TP HCM.
Theo Pháp Luật TP HCM
Những tháng cuối của 'người mẹ ung thư sinh con' - Ngôi sao