Thời cuộc

Phút sinh tử của nạn nhân rơi máy bay 22 năm trước ở Việt Nam

Khi máy bay lao xuống, Annette nắm chặt tay chồng sắp cưới, chỉ kịp nhìn thấy nét mặt, giọng nói của anh rồi tất cả chìm vào bóng tối.

Năm 1992, chiếc máy bay Yak 40 mang số hiệu VN474 cất cánh từ TP HCM đi Nha Trang mang theo 31 hành khách và phi hành đoàn, đã rơi ở thung lũng Ô Kha, khi chỉ cách đích đến khoảng 19 dặm. Duy nhất cô gái người Hà Lan Annette Herfkens sống sót, vị hôn phu đi cùng cô đã tử nạn.

Ngay sau đó, một chiếc trực thăng Mi-8 trên đường đến cứu hộ cũng đã rơi ở thung lũng này, toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng. Cô gái trẻ khi ấy bị thương nặng, trải qua 8 ngày một mình trên núi rừng hiểm trở, uống nước mưa cầm hơi với xung quanh đầy thi thể, tro tàn và đổ nát, cho đến khi đội cứu hộ tìm thấy và đưa về Nha Trang, sau đó được đưa về nước điều trị.

Ngày 11/8, sau hơn 20 năm, Annette Herfkens cùng con gái xuất hiện ở ga quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM trong chuyến thăm lại thung lũng Ô Kha năm nào, nơi chứa đầy hồi ức đau thương xưa. Giờ đây, cô luôn giữ được bình thản khi nhắc tới thảm họa này. Thậm chí, khi nhắc đến những ngày kinh hoàng trong khu rừng để giành giật sự sống, cô cũng rất cởi mở. 

an1.jpg

Hình ảnh Annette khi vừa được cứu sống xuất hiện trên các báo thời kỳ đó.

Joosje, cô con gái 17 tuổi của Annette, tâm sự bên trong nét mạnh mẽ đó của mẹ cô vẫn dành chỗ cho những hoài niệm không bao giờ có thể xóa nhòa của ký ức về thảm họa hàng không năm ấy. "Từ sân bay về đến khách sạn ở trung tâm thành phố, mẹ quay sang nói với tôi: 'Mẹ thấy mọi thứ như thể mới ngày hôm qua'. Đó là mẹ nhắc đến chú Pas. Mẹ nhớ chú ấy", Joosje nói.

"Ngày hôm qua" mà Annette nói chính là khoảnh khắc định mệnh của 22 năm về trước, khi cô lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn trong tâm trạng háo hức đi theo tiếng gọi của tình yêu. Năm đó, Annette 31 tuổi, tràn đầy sức sống và đang trong tâm thế chuẩn bị hưởng chuyến đi nghỉ ngọt ngào cùng chồng sắp cưới - anh Williem Van der Pas.

Annette và người đàn ông Hà Lan đẹp trai, thành đạt này yêu nhau đã 13 năm. Năm cô 30 tuổi, anh đã ngỏ lời cầu hôn Annette và cả hai đang chờ đợi cơ hội thuận lợi hơn mới đến với nhau. Pas sống và làm việc tại TP HCM chưa lâu, anh muốn mình và người yêu có những ngày bên nhau thật lãng mạn ở biển Nha Trang. Vì thế, chuyến bay đi nghỉ của cả hai được đặt ngay sau khi Annette đến Sài Gòn một ngày.

Annette còn nhớ như in cảm giác của buổi sáng 14/11/1992. Khi nhìn thấy chiếc Yak 40 ngoài sân bay, cô kiên quyết không lên vì nó quá nhỏ. Nhưng rốt cuộc, Annette vẫn đồng ý thực hiện chuyến bay vì Pas, chứ không còn lựa chọn nào khác. Khi còn khoảng 5-6 phút là máy bay đến đích Nha Trang, cô cảm thấy một lực hút rất mạnh kéo nhanh chiếc máy bay về phía dưới. Đó là khi máy bay đâm vào vách núi lần đầu, một cánh bị gãy nhưng vẫn còn hoạt động được.

"Lúc đó, xung quanh tôi, mọi người la hét rất dữ dội. Pas quay sang nói với tôi: 'Anh không thích như thế này một chút nào cả'. Tôi đã trấn an anh vài câu và cả hai nắm thật chặt tay nhau. Đến cơn va đập lần thứ hai, tay chúng tôi lạc nhau vì tôi không thắt dây an toàn. Và rồi...", Annette chùng giọng. 

an2.jpg

Ảnh khi còn trẻ của Annette và hôn phu, anh Williem Van der Pas - người đã tử nạn trong vụ rơi máy bay ở Ô Kha năm 1992.

Sau khi máy bay rơi, vẫn còn vài người sống sót. Nhưng dần dần, họ đều qua đời vì nhiều nguyên nhân. Riêng Annette thoát chết với thương tích đầy mình. "Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất phải nằm ở ống chân: tôi nhìn thấy cả xương mình! Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt", Annette kể lại.

8 ngày một mình giữa vùng rừng thiêng nước độc Ô Kha, cô phải nằm giữa các xác chết đang phân hủy và chịu sự đau đớn tột cùng của cơ thể đang bị thương. Thế nhưng, Annette vẫn cố gắng duy trì sự tỉnh táo và lạc quan bằng cách ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh và tìm mọi cách để sống.

"Thay vì tập trung vào mùi của xác chết, vào những thi thể đang phân hủy, tôi tập trung nhìn ngắm cơn mưa rừng, nhìn ánh nắng, nhìn màu xanh của chiếc lá… Vốn là người làm việc văn phòng, sống ở những thành phố hiện đại trên thế giới, đây là dịp hiếm hoi để tôi biết đến vẻ đẹp của khu rừng là như thế nào. Tôi không khóc. Nếu tôi nằm đó than khóc, tôi không đủ sức mạnh để vượt qua", người phụ nữ may mắn kể.

Annette phải lấy những miếng xốp từ thân máy bay để tích nước làm nguồn thức ăn sống qua ngày. Đến ngày thứ 8, phép màu đã đến với cô gái giàu nghị lực. Đoàn cứu hộ đã tìm ra nơi cô đang nằm và nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Cho đến ngày nay, hình ảnh, ánh nhìn, nụ cười lần cuối cùng của Pas vẫn in đậm trong tâm trí Annette. Khi được hỏi có bao giờ gặp Pas quay trở về trong những giấc mơ, Annette nói: "Tôi luôn luôn cảm nhận anh ấy ở gần bên mình, bất cứ lúc nào. Nhất là khi tôi đang ở Việt Nam như lúc này".

Nỗi đau của cô gái Hà Lan và gia đình của bạn trai cô còn chất chồng hơn khi việc trao trả thi hài Pas về sau có sự nhầm lẫn. Ban đầu, gia đình Pas nhận xác anh về chôn cất và tổ chức tang lễ. Sau đó, mọi người vỡ lẽ ra đó là xác của một nạn nhân người Anh, còn thi hài chồng sắp cưới của Annette lại được mang sang hỏa táng ở tận Thụy Điển.

Ngày nay ở tuổi 53, Annette vẫn mang cảm giác là "một góa phụ" khi mình được cứu sống còn chồng sắp cưới đã chết. "Anh ấy là tương lai của tôi. Cái chết khiến cho tương lai ấy vỡ vụn và tai nạn khiến cho cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn kể từ đó về sau", Annette nói.

Nhiều năm sau thảm họa, Annette đã quyết định ghi chép lại những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời bằng cuốn tự truyện 192 Hours (Turbulence: A Survival story), ra mắt bản tiếng Anh hồi tháng 1. 

Là người sống sót duy nhất, Annette luôn muốn dành điều gì đó để an ủi những thân nhân của hành khách trong chuyến bay cùng mình, cũng như khi cô nghe tin về thảm họa hàng không MH17 và MH370. Cô biết nhiều người thân của các nạn nhân sẽ rất dằn vặt về khoảnh khắc cuối cùng với người thân yêu của mình. 

Annette muốn đối diện với khó khăn trong cuộc sống bằng nụ cười.

Annette muốn đối diện với khó khăn trong cuộc sống bằng nụ cười.

"Họ có bị đau đớn về thể xác hay không?", là câu hỏi luôn day dứt người ở lại. "Tôi luôn muốn nói với thân nhân gia đình có người tử nạn, rằng nếu điều gì đó bất thường xảy ra trên máy bay thì mọi chuyện cũng sẽ xảy ra rất, rất nhanh để không ai kịp suy nghĩ hay cảm nhận gì cả, ngay cả khi máy bay lao từ trên trời xuống đất", cô nhấn mạnh trải nghiệm của mình.

Chính bài học từ thời gian ở trong rừng giúp cô biết cách đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống sau này. Anntte kể, mình đã ly dị với người chồng của mình - anh Jaime. 22 năm trước, Jaime là đồng nghiệp thân thiết của Annette. Khi nghe tin máy bay rơi ở Việt Nam, anh không tin cô đã mất và bay sang tận nơi với quyết tâm phải tìm cho ra sự thật và mang Annette trở về. "Giữa hai chúng tôi sau đó có cuộc tình đẹp. Chúng tôi cưới nhau và có hai đứa con xinh xắn. Nhưng rất tiếc, chúng tôi phải chia tay vì những điều không thể hòa hợp cùng nhau", cô nói.

Là người theo đạo Công giáo, từ sau thảm họa máy bay, Annette còn tìm đến đạo Phật. Cô thấy ở tôn giáo này niềm an ủi, hạnh phúc, sự thân thiện, ấm áp và khoan hòa, nhất là khi hôn nhân không thành, cậu con trai thứ hai mắc bệnh tự kỷ.

Trong quyển tự truyện, Annette còn dành nhiều trang viết về tháng ngày cùng con trai chống chọi căn bệnh bẩm sinh. Từ chỗ không chấp nhận sự thật phũ phàng đang xảy đến với mình, Annette dần dần đối mặt với mọi chuyện. Giống như ngày xưa cô từng kêu gào trong rừng già ở một đất nước xa lạ, cuối cùng tự nhủ mình phải bình tĩnh để sinh tồn.

"Càng ngày, tôi càng yêu con trai mình hơn. Con đến với tôi như món quà tặng, như thiên thần, như tình yêu vô điều kiện. Tôi biết mình phải chọn điều gì cần chú tâm trong cuộc đời mình. Điều gì thực sự quan trọng, tôi dành toàn tâm toàn ý cho nó, còn nếu không, hãy để nó trôi qua, biết chấp nhận thực tại để sống vui", cô nói.

VnExpress

NgoiSao.net

Phút sinh tử của nạn nhân rơi máy bay 22 năm trước ở Việt Nam - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,370,838       546