Thời cuộc

Gia đình 'người rừng' ở Bình Thuận

Túp lều của vợ chồng Gịp A Dưỡng và 4 đứa con nằm sâu trong trong rừng Phan Dũng rộng hơn 20 nghìn hécta, cách thôn gần một ngày đi bộ.

di-rung-1a-7677-1403266902.jpg
Túp lều của Gịp A Dưỡng được một số thợ rừng vô tình phát hiện. Tính từ đường nhựa của xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, nếu muốn đến được nhà A Dưỡng phải vượt qua hơn 20 km đường rừng, vượt qua 5 ngọn núi cao, lội qua hơn chục con suối. 
di-rung-1-9384-1403266902.jpg

Nằm giữa bạt ngàn rừng núi, túp lều của A Dưỡng được cất dưới một lùm cây, phía sau là núi, phía trước là một con suối. Đây cũng là túp lều có người sinh sống duy nhất trong cả rừng phòng hộ Sông Mao lẫn Tuy Phong, Phan Điền tỉnh Bình Thuận.

di-rung-2-2446-1403266902.jpg

"Chủ hộ" Gịp A Dưỡng cho biết đã 50 tuổi. Do bố mẹ quá nghèo, từ năm 1982 anh bắt đầu vào rừng tìm kế sinh nhai rồi quyết định chọn rừng làm nơi trú ngụ. Người vợ đầu tiên được ông đưa luôn vào rừng sống. Hai người có với nhau một con trai thì vợ bệnh chết. Buồn bã, A Dưỡng rời rừng về thôn được vài tháng thì nhớ rừng nên quay trở lại. Một năm sau anh lấy người vợ thứ hai, chị này vốn sống bằng nghề vào rừng gánh dầu. Hai người cũng quyết định ở lại giữa rừng cho đến khi người đàn bà thứ hai của A Dưỡng tiếp tục qua đời vì bệnh. Họ có nhau một con gái.

di-rung-3-7648-1403266902.jpg

Thương cảnh A Dưỡng một mình gà trống nuôi con giữa rừng sâu, chị Nguyễn Thị Lâm Tuyền vốn là em gái người vợ thứ hai cùng làm nghề gánh dầu đã thay chị chăm sóc cháu. Gắn bó một thời gian, chị và anh rể nảy sinh tình cảm. Chị Tuyền trở thành vợ của "người rừng" và có với anh 3 cậu con trai và một bé gái 2 tuổi.

di-rung-5-5200-1403266902.jpg

Do cách thôn làng quá xa, điều kiện đi lại khó khăn, những đứa con chào đời đều do chính A Dưỡng đỡ đẻ. "Vợ có mang, tôi kiếm con chim, con gà trong rừng bồi dưỡng. Vợ gần sanh, tôi ra trạm y tế xã mua thuốc kích đẻ và thuốc về tiêm cho vợ. Đứa con nào cũng cho một tay tôi cắt rốn và tắm rửa sạch sẽ", A Dưỡng nói.

di-rung-6-8983-1403266902.jpg

Sinh ra và lớn lên trong rừng, những đứa con của A Dưỡng (trừ Xám Tày 16 tuổi có mấy năm được cho về thôn), còn lại A Long (11 tuổi), A Dậu (9 tuổi) và A Linh (2 tuổi) hoàn toàn chưa được giao tiếp với người lạ. Thấy khách ghé thăm, các bé vội nấp vào nhà đưa mắt nhìn ra, mãi đến khi bố mẹ trấn an, đám trẻ mới rời khỏi chỗ nấp nhưng vẫn bám vào nhau và không dám tới gần người lạ. Dù có thể nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng Kinh nhưng khi được khách hỏi chuyện thì kể cả Xám Tày đã 16 tuổi vẫn không biết trả lời. Sống ở rừng hơn chục năm kể từ khi chào đời, thú vui mỗi ngày của các bé là săn bắt hái lượm, làm bạn với đám gà cha nuôi, chơi đùa với chú chó nhỏ. 

di-rung-7-5526-1403266902.jpg

Để có được cái ăn A Dưỡng và các con phụ thuộc hoàn toàn vào con cá dưới suối, con gà mang từ thôn vào nuôi và thực phẩm đa dạng của rừng. Riêng gạo, mỗi tháng hai lần A Dưỡng mang dầu mót được từ rừng xuống thôn đổi, rồi vác gạo trở lại rừng. A Dưỡng là thành viên duy nhất của gia đình thi thoảng tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

di-rung-8-8573-1403266902.jpg

Anh Lê Văn Tự, trưởng trạm Bảo vệ rừng số 2, thuộc ban quản lý rừng Tuy Phong cho biết, lần đầu nhìn thấy các bé, anh cảm thấy xót xa bởi cảnh thiếu thốn. “Vừa nhìn thấy chúng tôi các bé đã chạy trốn, quần áo rách bươm dơ bẩn”, anh này nói.

di-rung-9-3829-1403266902.jpg

Mâm cơm trong đêm rừng chỉ được thắp sáng bằng ánh đèn pin sạc nhỏ xíu. Thức ăn mỗi ngày của cả nhà là cá kho và canh rau rừng. "Chỉ có vậy thôi vì chợ ở quá xa mà tiền bạc thì lại không có. Thấy vậy chứ đám nhỏ ăn rất khỏe", chị Tuyền, mẹ của các bé nói.

di-rung-10-5829-1403266903.jpg

Sau bữa cơm tối, niềm vui lớn nhất của anh em Xám Tày là vây quanh chiếc radio cũ. Đây cũng chính là phương tiện duy nhất giúp các bé "nghe" được thế giới bên ngoài. Bé nào cũng thích cô Hiền Thục, chú Lam Trường hát nhưng không biết mặt mũi của họ ra sao. 

di-rung-11-2120-1403266903.jpg

Không chỉ các con mơ hồ với thế giới bên ngoài, ngay cả chị Tuyền cũng tỏ ra ngạc nhiên và lạ lẫm khi nhìn thấy chiếc điện thoại. Cả nhà vây lấy người thợ rừng để xem một đoạn phim quảng cáo, cứ xem đi xem lại đến khi máy hết pin mới thôi. "Thương con lắm, cũng muốn cho nó biết cái chữ, biết thứ này thứ nọ như con người ta nhưng không có tiền để về thôn cất nhà nên đành phải chịu ở rừng", A Dưỡng nói.

di-rung-13-8888-1403266903.jpg

Sống giữa rừng sâu, A Dưỡng không dám mơ có được đủ tiền để về thôn, để các con được ăn học mà chỉ cầu mong cho gia đình luôn khỏe mạnh, anh cũng cầu mong con thú dữ trong rừng không bén mảng để các con anh được bình an. Theo đại diện xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, Bình Thuận nơi cha mẹ anh từng sinh sống, anh Dưỡng vẫn có hộ khẩu tại mảnh đất cũ nhưng mấy chục năm nay không ai biết anh sinh sống ở đâu để có chính sách hỗ trợ. Còn theo ông Nguyễn Lê Thái Dũng, phó chánh văn phòng UBND huyện Bắc Bình, chính quyền sẽ sớm tìm hiểu trước khi có hướng giúp đỡ cho gia đình của anh Dưỡng.

Thiên Chương

NgoiSao.net

Gia đình 'người rừng' ở Bình Thuận - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,165,406       1,456