Lang thang trên mạng, bất chợt bắt gặp clip chia sẻ của những người con thổ lộ điều họ tự hào về cha của mình, tôi như chết lặng vì xúc động.
Ai cũng có cha trên đời, nhưng mấy ai đau đáu rằng, mình chẳng còn được bên cha dài lâu, mình phải tranh thủ thể hiện tình cảm với cha? Đoạn clip đã gợi lại trong tôi những sợi thương sợi nhớ về cha của mình, khi giờ đây, cha không còn bên tôi nữa.
Tôi rất thần tượng cha mình. Tôi thường không giấu được ánh mắt lấp lánh tự hào khi sóng đôi bên cha, hoặc những dịp nghe người khác kể về cha. Nhà tôi làm nông, nghèo, lại đông anh em. Trong cuộc vật lộn mưu sinh để quyết tâm bằng mọi giá phải cho đủ đàn con đến trường ấy, cha tôi luôn tỏ ra lạc quan một cách lạ kỳ. Năm 1980, cha quyết định rời miền Bắc, đưa vợ còn vào miền Nam để kiếm kế sinh nhai, chẳng mang được gì quý giá ngoài chiếc đàn accordion. Mỗi lần cha nổi hứng chơi đàn, bọn trẻ chúng tôi xúm xít xem. Rồi cha tôi tập hợp thêm những người khác trong họ hàng để thành lập ban nhạc gia đình.
Đàn bầu, guitar, mandolin, violin, đủ cả. Mỗi khi ban nhạc tập hợp, cha tôi đứng phía trước làm nhạc trưởng. Rồi thời gian dài sau đó, cha bận rộn hơn với việc dạy hát và bắt nhịp cho đoàn thánh ca ở nhà thờ trong các buổi lễ. Đến dịp hè, ông đã tự tay đóng một bảng đen lớn, đến từng nhà để vận động trẻ em đi học nhạc lý. Ông trực tiếp đứng lớp, dạy từng kiến thức cơ bản về âm nhạc cho trẻ em vùng quê. Lúc đó, tôi cũng được tham gia học, và sướng mê khi mang cảm giác “là con của thầy”.
Đừng ngần ngại nói rằng “Con yêu cha” khi vẫn còn cơ hội. (Ảnh minh họa) |
Đến bây giờ, khi trưởng thành, tôi càng khâm phục hơn với tinh thần “học hỏi tất cả mọi thứ” của cha. Chẳng biết học từ bao giờ, cha tôi làm mộc rất giỏi. Ông đóng những chiếc tủ, chiếc giường đầy nghệ thuật với nét chạm trổ tinh xảo. Điều tôi thích nhất, là cha đã đóng 5 chiếc ghế cho 5 chị em chúng tôi, từ thấp lên cao, mỗi lần ăn cơm là chúng tôi hớn hở đi lấy đúng chiếc ghế của mình. Ông cũng tự tay cầm bay xây nhà. Mỗi khi trong xóm có người làm nhà to, ông được tín nhiệm làm “thợ phó”, tức người chỉ huy chính cho việc xây dựng ngôi nhà đó. Nhưng khi có nhà bên cần đóng cái máng heo, ông cũng hăng hái đi giúp.
Tôi không tài nào hiểu được, cha tôi chưa từng được sử dụng điện bao giờ, nhưng đến năm 1997, ông đã đứng ra đưa được điện về cho xóm, rồi tự tay đúc những cột điện to, đóng những táp- lô bằng gỗ và đến từng nhà để lắp hệ thống điện như một thợ chuyên nghiệp.
Tôi thần tượng cha mình, vì ông rất hiền lành, hầu như không làm mất lòng ai. Lúc nào ông cũng giúp không công cho hàng xóm, hết việc này đến việc kia, khiến mẹ tôi không nén được bực bội. Mỗi lần bị mẹ tôi la vì “ăn cơm nhà, vác ngà voi”, ông lại nháy mắt với tôi như nháy mắt với đồng minh. Điều đó khiến tôi rất tự hào - tự hào vì được làm đồng minh với một người tuyệt vời như cha.
Thương cha là vậy, nhưng thói quen giao tiếp rụt rè của người ở quê khiến tôi chưa bao giờ dám tâm sự hay thốt lên câu: “Con yêu cha” khi còn có thể. Đây là điều làm tôi vẫn hối tiếc mãi đến tận bây giờ. Tôi chỉ ước gì ngày ấy mình cam đảm hơn để nói với cha tình cảm và sự ngưỡng mộ để cha biết rằng con trai yêu cha đến mức nào.
Bây giờ, tôi thấy những người còn cha bên đời thật may mắn biết bao. Nếu tôi là họ, tôi sẽ trò chuyện với cha thật nhiều, và chắc chắn sẽ không ngại thốt lên rằng “Con yêu cha”, khi vẫn còn cơ hội…
|
Quang Anh
Có cha là điều tự hào nhất - Ngôi sao