'Bọn em cưới nhau hơn 4 năm mà thời gian bên nhau được vài tháng. Vì anh Huy, em phải cố gắng sống. Các con còn bé quá', chị Hòa nói.
Trưa 22/5, chị Nguyễn Thị Thùy Dung (vợ thượng úy cảnh sát biển Trần Văn Hùng, thôn Hạ, xã Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đưa con gái nhỏ đi tiêm ở trạm xá về, em bé chừng như mệt vì nắng nóng, khóc quấy rồi ngủ trên tay mẹ. Người thiếu phụ trẻ nhắc đến chồng nước mắt chan chứa: “Em sốt ruột như ngồi trên đống lửa, mà chẳng biết làm gì. Gọi điện vào đơn vị chồng, các anh bảo gia đình cứ yên tâm. Nhưng mỗi lần đọc báo, xem tivi thấy có tin tàu bị va chạm, em lại lo sợ thót tim”.
Thượng úy Trần Văn Hùng chỉ còn mẹ già đang sống ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), chị Dung sau khi sinh con đã về nhà mẹ đẻ ở nhờ. Chị chưa có công việc ổn định, thỉnh thoảng ai nhờ làm sổ sách kế toán, chị nhận thêm đồng ra đồng vào.
“Cách đây 2 tháng, anh Hùng có việc ra Hà Nội nên ghé được qua nhà. Cuộc điện thoại gần nhất của bọn em cũng từ nửa tháng trước. Anh Hùng tránh không nhắc đến chuyện ngoài biển, để em khỏi nghĩ ngợi nhưng sao tránh được lo lắng. Em cũng phải tỏ ra yên tâm, để chồng em vững dạ là vợ không yếu đuối gì. Mình chèo kéo, anh ra ngoài đảo lại bị bận lòng”, chị Dung tâm sự.
Chị Dung, vợ thượng úy cảnh sát biển Trần Văn Hùng cùng đứa con gái nhỏ. |
Tháng 11/2013, chị Trần Thị Hòa (An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, vợ thiếu úy Nguyễn Quốc Huy tàu 2015) đi sinh đứa con thứ 2, đồng thời đón tin dữ: chị bị ung thư buồng trứng. Chỉ 20 ngày sau sinh, chị Hòa trải qua 2 lần phẫu thuật, em bé vì thế phải nuôi bộ hoàn toàn.
Anh Huy về chăm vợ đợt 30/4, khi chị vào truyền hóa chất, ngày 2/5 nghe lệnh gọi anh lại lên tàu ra biển. Hai con nhỏ của anh chị (một bé 3 tuổi, một bé 7 tháng) do ông bà và chú bác trong nhà chăm nuôi còn chị Hòa có lúc nằm liệt.
“Bọn em cưới nhau đã hơn 4 năm, thời gian vợ chồng ở cùng nhau cộng lại được vài tháng. Đau ốm thế này em chỉ thương chồng, nhận nhiệm vụ bảo vệ đất nước mà anh ấy luôn phải lo lắng về mẹ con em. Vì anh Huy, em phải cố gắng sống. Các con em còn bé quá...”, chị nghẹn ngào nói. Người phụ nữ yếu ớt ấy không nghĩ đến nỗi đau đớn và bệnh tật mình đang mang, chị can đảm bình tĩnh ẩn sau vẻ nhỏ nhẹ.
Những ngày này, Việt Trì (Phú Thọ) nắng như đổ lửa. Mẹ của trung úy Nguyễn Tân Tiến (tàu 2015) nằm lịm trên giường. Bà trở về từ ca lọc máu nên vẫn chưa thể ngồi dậy. Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Minh (cha anh Tiến) có 3 con trai thì ông đều cống hiến cho cả quân đội. Người con đầu là chiến sĩ không quân, đang được điều động tăng cường về Hải Phòng, người con út đóng quân ở Điện Biên còn trung úy Tiến thì lênh đênh theo tàu Cảnh sát biển Vùng 2.
“Vợ tôi bị suy thận độ cuối, mỗi tuần phải nằm chạy thận 3 lần, thường đi đến 7h tối mới về. Bà ấy đau mệt nằm đến sáng hôm sau mới ăn được. Có những ngày chạy thận, chỉ chậm vài tiếng thôi là tình hình bà ấy xấu ngay do độc tố tăng trong máu. Nhà lúc nào cũng trữ sẵn thuốc cấp cứu, tôi rảnh tay việc nhà là lại ngồi xoa bóp cho vợ đỡ bại người. Đưa đón bà ấy ra vào viện, rồi về nhà chăm và cho cháu nội đi học, tôi chỉ cầu trời cho mình sức khỏe để làm trụ cột gia đình thay cho Tiến”, ông Minh nói.
Về thăm nhà từ cuối năm 2013, trung úy Tiến lại nhận lệnh đi ngay, anh chỉ liên lạc được với người thân trong những dịp ngắn ngủi tàu cập bờ lấy nhiên liệu. “Bà nhà tôi với con dâu vẫn lén khóc đấy nhưng tôi thì yên tâm. Lúc này không thể nhụt ý chí, cũng như Tiến và đồng đội, người trên bờ phải bình tĩnh vì việc bảo vệ chủ quyền là lâu dài. Tôi tự hào về các con trai tôi đã hành động như những người đàn ông chân chính”, người cựu chiến binh chia sẻ.
Cách đây 20 ngày, chị Nguyễn Thị Bé (ở Bắc Nghĩa, Đồng Hới, Quảng Bình, vợ thiếu úy Nguyễn Thế Trường tàu 4032) bị vỡ ruột thừa, bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế đã can thiệp tối đa để giữ được cái thai 3 tháng trong bụng chị. Vết mổ giờ vẫn mưng mủ bên trong, thai bị động, chị Bé nhờ cậy việc chăm con trai 5 tuổi cho mẹ và hàng xóm.
Thiếu úy Trường được về chăm vợ 3 ngày ở bệnh viện Huế. 5h sáng ngày 2/5, mấy tiếng sau khi vợ anh vừa qua ca mổ, Trung Quốc cắm giàn khoan trên vùng biển Việt Nam nên anh lập tức nghe lệnh trở ra biển.
“Ngày 17/5, anh vào Đà Nẵng sửa tàu bị Trung Quốc đâm, mới gọi được cho em. Anh nói tình hình căng thẳng lắm, chưa biết lúc nào mới trở về được, chỉ cần em và con bình an là anh yên tâm đi. Có lần anh Trường đi biệt 7 tháng mới về, em cũng xác định tư tưởng từ lúc lấy nhau nên nuôi con một mình hay đau ốm cũng không tủi thân gì. Em chỉ biết cầu Trời cầu Phật cho chồng và các anh em ngoài đó an toàn, có sức khỏe”, người vợ tâm sự.
Mẹ của thiếu úy Trần Kim Ba (tàu 4032) đang nằm xạ trị tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng. Bà bị ung thư vòm họng, đã phẫu thuật cắt dây thanh, giờ sức khỏe rất kém, gần như không ăn uống được. Vợ thiếu úy Ba là chị Nguyễn Thị Vân (ở Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa), vừa dạy mầm non vừa theo học liên thông, chị nhờ bà ngoại nuôi con hộ. Em bé mới 5 tháng tuổi phải bú trực bác họ.
“Hôm mẹ em mổ, anh ấy được đơn vị tạo điều kiện cho về thăm, rồi lại đi luôn. Em vẫn tưởng đi biển bình thường như mọi lần. Hơn nửa tháng nay không liên lạc được điện thoại , nghe tivi em mới biết tàu của chồng mình bị đâm ngoài Hoàng Sa. Em lo phát điên! Đêm nào em cũng ôm con khóc, mà không dám cho mẹ em biết nữa. Các anh ở hải đội gọi về cho gia đình, anh chính trị viên nhắn, anh ấy vẫn khỏe, gia đình cứ yên tâm, việc gì đột xuất cứ gọi cho các anh ở hải đội. Có một nhóm chị em là vợ chiến sĩ cũng thường xuyên liên lạc để trao đổi tin tức và động viên lẫn nhau. Các chị cũng dặn em phải nghị lực để bố cháu còn vững vàng giữ biển”, chị Ba chia sẻ.
Không có buồn đau và tuyệt vọng ở những gương mặt hậu phương này, chỉ có sự dũng cảm, kiêu hãnh, im lặng và ấm áp tin yêu… Chính những người cha, người mẹ, người vợ ấy là sức mạnh nội lực của các chiến sĩ đang giữ biển trời Việt Nam.
Theo Phụ nữ TP HCM
Nỗi lo nơi hậu phương của những người vợ cảnh sát biển - Ngôi sao