Thời cuộc

Bệnh tay chân miệng và sởi tại TP HCM tăng 'phi mã'

Có 708 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng trong tháng 4, tăng gấp đôi so với tháng trước.

tay-chan-mieng-1-JPG-9521-1399456482.jpg

Khoa nhiễm của các bệnh viện nhi tại TP HCM liên tục đón nhận bệnh nhân mới. Ảnh: Thiên Chương

Ngày 7/5, bệnh nhi tay chân miệng cũng khiến phòng nội trú khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 trở nên chật chội với gần 60 trường hợp nặng phải điều trị nội trú. Theo thống kê, có nửa bệnh nhi có hộ khẩu tại TP HCM, một số trường hợp khi vào bệnh viện bị co giật do biến chứng thần kinh, trong đó có bé nguy kịch phải thở máy. 

Ghi nhận tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng cho thấy số ca nhập viện do tay chân miệng đang có chiều hướng tăng. Khoảng 10% số trường hợp vào viện bị biến chứng, hầu hết bệnh nhi dưới 3 tuổi.

Nhận xét về tình hình bệnh tăng, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh tăng ca là do đang vào mùa tay chân miệng. "Có thể tăng từ đây đến cuối năm nếu không có hướng dự phòng ngay từ bây giờ", bác sĩ Khanh nói.

Cũng theo ông Khanh, cách tốt nhất để trẻ không bị nhiễm bệnh là giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh để trẻ tiếp xúc với mầm bệnh, thường xuyên rửa tay cho trẻ và cả người lớn chăm trẻ. Đặc biệt khi trẻ sốt kéo dài hơn 2 ngày và có dấu hiệu giật mình hay co giật thì phải đến ngay bệnh viện để được điều trị.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM ngày 7/5, đã có 236/319 phường xã có ca mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh tăng liên tục trong tháng 3 và tháng 4 với số ca xuất viện ghi nhận được trong tháng 4 là 708 trường hợp. Tất cả các quận huyện đều có số ca mắc tăng vọt trong tháng tư, dẫn đầu là quận 8 với trên 250 trẻ trong tháng 4, kế đến là Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú với gần 200 trường hợp.

Giải thích với Sở Y tế về nguyên nhân khiến số ca bệnh tăng vọt, trung tâm y tế dự phòng Quận 8 cho rằng ngoài việc bệnh bắt đầu vào mùa thì yếu tố khách quan do đặc điểm môi trường và cơ sở hạ tầng của quận này chưa tốt, ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao. 

Thống kê từ các quận cho thấy, số trẻ mắc bệnh hầu hết từ 2 tuổi trở xuống, chỉ khoảng 10% trẻ mắc bệnh trong độ tuổi đến trường, số còn lại là trong cộng đồng. Không ít trường hợp gia đình có một trẻ bị bệnh sau đó lây tiếp cho trẻ khác. 

tay-chan-mieng-JPG-7865-1399456482.jpg

Các phòng nội trú của bệnh nhân tay chân miệng đông kín bệnh nhi và phụ huynh. Ảnh: Thiên Chương

Bên cạnh tay chân miệng, sởi cũng là bệnh đang được Sở Y tế đặc biệt lưu tâm bởi số ca mắc liên tục tăng kể từ đầu năm. Cụ thể, tháng 2 có 450 trường hợp được ghi nhận, tháng 3 có 597 trường hợp, đến tháng 4 đã có 645 người mắc bệnh. Hiện đã có 220/319 phường xã có người mắc.

Nhận xét về tình hình dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho rằng, việc kiểm soát bệnh tay chân miệng đang là vấn đề cấp bách vì bệnh có nguy cơ thành dịch. Riêng sởi cũng diễn biến phức tạp và các quận huyện cần thực hiện tốt hơn nữa công tác vận động người dân đi tiêm ngừa.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng chỉ đạo các quận huyện phải kiên quyết khống chế bệnh tăng bằng cách thường xuyên bám địa phương để xem mỗi phường xã có làm tốt hay chưa, từ đó kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh.

Riêng về việc tiêm phòng sởi, Sở Y tế TP HCM cũng cho biết đã chỉ đạo mở rộng độ tuổi tiêm phòng miễn phí vắcxin. Thay vì trước đây trẻ dưới 3 tuổi mới được tiêm vắcxin miễn phí thì nay trẻ từ 10 tuổi trở xuống có thể đến trạm y tế để được tiêm. Dự kiến sẽ có hơn 200.000 liều vắcxin sởi miễn phí đang được chuẩn bị cho việc tiêm phòng.

Thiên Chương

NgoiSao.net

Bệnh tay chân miệng và sởi tại TP HCM tăng 'phi mã' - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,352,575       268