Tượng nhà mồ như một món quà mà người sống tặng cho người chết.
Đối với người Tây Nguyên, chết không phải là hết mà đó là sự trở về với núi rừng, nơi con người đã được sinh ra. Và để tiễn đưa, người thân của họ có những món quà là những bước tượng sinh động về con người, động vật, đồ dùng sinh hoạt. Tất cả phản ánh những gì mà khi còn sống, ai cũng trải qua. Trong ảnh là tượng người mẹ mang bầu (giữa) được nghệ nhân Ro Lan Nhin người Ja Rai tạc để bên cạnh nhà mồ của hai mẹ con bị mất. |
Bức tượng thể hiện tình cảm thiêng liêng của hai bà cháu tại nhà mồ. Tác phẩm của nghệ nhân H Yưk. “Đàn ông trong buôn làng người nào cũng biết đẽo tượng. Trước khi lễ bỏ mả diễn ra, mọi người cùng chung sức giúp gia chủ đẽo tượng để mang ra nhà mồ cho người chết", nghệ nhân Joih Iabal ở thị xã Ayun Pa cho biết. |
Tượng chim đưa thư gắn với mùa màng của người Tây Nguyên, báo thời gian cho bà con làm vụ mùa. |
Theo tập tục của người Tây Nguyên, Pơ thi (bỏ mả) là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong vòng đời của một con người. Trước lễ Pơ thi, người đẽo tượng sẽ được gia chủ mời vào rừng. Ngả được thân cây vừa ý xuống, chỉ bằng con dao và chiếc rìu họ bắt đầu miệt mài thực hiện “tác phẩm” của mình… Trong ảnh là tượng chồng không có áo mặc với ý nghĩa vì nhà đông con nên người cha phải nhường áo cho các con. Tượng của nghệ nhân Đinh Uế, người Bahnar. |
Không lệ thuộc vào thời gian hay một gợi ý “đặt hàng” nào từ gia chủ, người đẽo tượng được tự do sáng tác theo ý mình. Chính sự tự do đó mà với những thời khắc nhất định, họ vụt hóa thân trong những “vụ nổ tâm linh”... Trong ảnh là tượng mẹ cho con bú thể hiện tình mẫu tử bên nhà mồ. Tượng của nghệ nhân Đinh Blai, người Bahnar. |
Tượng anh bộ đội cụ Hồ, theo quan niệm của người Ja Rai, anh bộ đội thể hiện cho tinh thần hi sinh, bảo vệ buôn làng. Tượng của nghệ nhân Ksor Ngher. |
Tượng nhà mồ và nhà rông mang đậm nét văn hóa của đồng bào Tây Nguyên. Tượng mồ - như tên gọi của nó - chỉ được đặt ở nhà mồ. Sau lễ tiễn người chết về “làng ma” vĩnh viễn, tượng mồ cũng để mặc tàn tạ cùng mưa nắng. Và người đẽo tượng cũng coi tác phẩm của mình như một sự đi không trở lại của kiếp người… |
Nghệ nhân Joih Iabal và các tác phẩm của ông. |
"Bực mình giận dỗi" là bức tượng thể hiện chồng đang giận vợ vì con ốm của nghệ nhân Kpuih Jol. |
Các bức tượng xung quanh nhà mồ của người Ja Rai do nghệ nhân Ksor Ngher tạc. |
Triễn lãm tượng nhà mồ diễn ra duy nhất trong chiều ngày 15/3 để hưởng ứng năm du lịch quốc gia Tây Nguyên – Đà Lạt. Dù không qua trường lớp nào nhưng những nghệ nhân tạc tượng được sinh ra và lớn lên đã thấm đẫm trong mình nét văn hóa truyền thống đặc thù của Tây Nguyên, tạo ra những đứa con tinh thần tô đẹp thêm cho đời và cho con người. Quan điểm về tượng nhà mồ của người dân tộc rất triết lý: Khúc gỗ vốn đã có cái hồn của nó. Việc họ làm chỉ đẽo đi những cái thừa trên khúc gỗ và giữ lại phần hồn. Mỗi tác phẩm mang cái hồn phách riêng của các nghệ nhân của mỗi dân tộc sinh sống trên địa bàn Gia Lai. Những bức tượng này gặp nhiều ở khu nhà mồ của người Ja Rai, Bahnar, Ê Đê. |
Chí Dũng
Những bức tượng nhà mồ ý nghĩa ở Tây Nguyên - Ngôi sao