Những công nhân nhà máy, xí nghiệp đóng ở Hà Nội những năm 1962 biết làm 'xiếc' trên xe môtô chẳng kém gì vận động viên chuyên nghiệp.
|
CLB môtô Quốc phòng Hà Nội thành lập năm 1962, cùng thời với nhiều CLB khác như tàu lượn, nhảy dù, bắn súng... do Ban Thể dục Thể thao Hà Nội tổ chức. Với hơn 20 thành viên cả nam và nữ, cùng những chiếc xe phân khối lớn như I.J, Jawa, Uzal 3 bánh, Sidecar, họ đã tập và biểu diễn những tiết mục trên yên xe máy chưa từng có ở Việt Nam thời đó. Thầy Lê Văn Lẫm, một vận động viên môtô giỏi của quân đội trở thành huấn luyện viên của CLB này. |
|
20 thành viên của CLB luyện tập với 8 chiếc xe I.J được bên công an và quân đội tặng cho Ban thể dục thể thao Hà Nội. Giữa năm 1966, HLV Lê Văn Lẫm tìm cách thu gom về 4 chiếc xe Jawa đua mà trước đó quân đội Tiệp Khắc tặng cho đoàn đua môtô của quân đội Việt Nam. |
|
Sân Quần Ngựa với đầy những ụ cát lồi lõm, mặt sân rải xỉ than đã chứng kiến không biết bao nhiêu tai nạn của các vận động viên mô tô không chuyên thời đó. Có người bị ngã gãy 4 chiếc răng, bỏng bô, mang theo vết sẹo suốt cả cuộc đời nhưng vẫn hăng hái luyện tập. |
|
Bay trên những chiếc xe phân khối lớn thời đó. |
|
Những cô gái Hà thành thời đó say tít bộ môn thể thao môtô quốc phòng, có người còn trốn nhà đi tập. Vận động viên chủ yếu là công nhân các xí nghiệp, nhà máy đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội. |
|
CLB có hẳn ban nghiên cứu động tác mới. Trong quá trình luyện tập, để phù hợp với tình hình chiến tranh của đất nước, cả thầy và trò còn sáng tạo ra những động tác quỳ bắn, đứng bắn, tránh đạn... trên yên xe. Mỗi vận động viên trở thành chiến sĩ chiến đấu trong trường hợp cần thiết. Sau này, khi đất nước bước vào giai đoạn kháng chiến ác liệt, nhiều vận động viên môtô đã trở thành chiến sĩ thông tin liên lạc. |
|
Ngày 4/1/1964, lần đầu tiên CLB biểu diễn trong đại hội thể dục thể thao của thành phố Nam Định. Đằng sau mỗi chiếc xe môtô là lá cờ đỏ có mang dòng chữ thêu màu vàng nổi bật "CLB môtô Quốc phòng Hà Nội". Họ mang những động tác tập luyện trong một thời gian dài phục vụ nhân dân Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận trong các kỳ đại hội thể thao. |
|
Những động tác nhạn đơn, nhạn ghi-đông thường được thể hiện trong mỗi lần biểu diễn. Để thực hiện động tác này, nhiều vận động viên phải buông cả hai tay, nhoài người về phía trước hoặc xoãy người về phía sau mô tả hình con nhạn đang bay. Đối với động tác nhạn kép, nhạn ba thì có 2-3 người hỗ trợ nhau cùng thực hiện. |
|
Để biểu diễn được trong khi xe chạy với tốc độ 30-40 km/h, tay ga của xe có vít để hãm, cố định vị trí tay ga trong khi người cầm lái buông hai tay. Trong quá trình luyện tập, các học viên phải buông được hai tay ra khỏi ghi đông sau khi xe lăn bánh được khoảng 5 m để biểu diễn. |
|
Những phút nghỉ giải lao hiếm hoi sau khi biểu diễn. |
|
Hình ảnh những chàng trai cưỡi môtô luôn khiến trái tim các cô gái Hà Nội thời bấy giờ xao xuyến. Nhiều người sau này trở thành chiến sĩ thông tin trong giai đoạn chiến tranh ác liệt. |
|
Một tấm pano chào đón màn biểu diễn của các vận động viên môtô ở ngoại tỉnh. Không chỉ phục vụ cho nhân dân Hà Nội, CLB môtô Quốc phòng còn biểu diễn cho nhân dân nhiều tỉnh miền Bắc xem trong giai đoạn 1964 - 1968. Đất nước bước vào chiến tranh ác liệt, nhà máy, xí nghiệp sơ tán khỏi Hà Nội, công nhân cũng phải bám nhà máy sản xuất. Những chiếc môtô trở thành phương tiện nối liền thông tin liên lạc cho việc quân sự. Hòa bình lập lại, thầy Lẫm về Nam đoàn tụ với gia đình, vận động viên mỗi người mỗi nơi. Từ đó, người Hà Nội không còn được chứng kiến những màn "bay", bắn súng, kênh thuyền đẹp mắt trên xe môtô nữa. |
Phương Hòa
Ảnh tư liệu