Ngày nào, Kiều My cũng phải tiếp xúc với cả trăm khách, lả lơi chuốc rượu, nô đùa thậm chí là sàm sỡ mà cô không được phản ứng.
18h, Kiều My thức dậy trong một trạng thái mệt mỏi vì say rượu suốt đêm hôm trước. Cô nhìn đồng hồ rồi vội vã lồm cồm bò dậy đi tắm. Tắm xong, cô nhanh chóng trang điểm cho khuôn mặt xinh đẹp nhưng phờ phạc của mình bằng lớp son phấn dày đậm. Vừa trang điểm My vừa tranh thủ ăn tạm vài cái bánh ngọt để sẵn trong phòng.
Chỉ ít phút sau, My leo lên chiếc xe taxi đậu ngoài hẻm rồi hòa mình vào dòng người tất bật trong dòng đời mưu sinh... Kiều My, cô gái 23 tuổi quê gốc Long An, làm công việc “chăm sóc khách hàng” tại một quán bar lớn giữa trung tâm Sài Gòn - bắt đầu một ngày làm việc của mình.
Kiều My tên thật là Nguyễn Thị Mơ, bước chân lên Sài Gòn kiếm sống từ những năm 14-15 tuổi. Cô được chị họ xin cho đi bán quần áo thuê ở một tiệm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu từ 8h sáng tới 9h tối, lương ngày đó chỉ có 800.000 đồng một tháng với bữa ăn trưa mỗi ngày. Cô phải bấm bụng nhịn đói để gửi tiền về cho mẹ dưới quê chữa bệnh.
Lớn hơn một chút, khi vào tầm 16 tuổi My trông ra dáng thiếu nữ và xinh xắn hơn, cô bé bắt đầu tìm những nơi có thể kiếm nhiều tiền hơn để trả chi phí thuốc men cho người mẹ mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.
My bắt đầu làm quen với son phấn trong công việc một nhân viên tiếp thị rượu của một nhà hàng ăn uống. Trong một lần tiếp khách, My gặp một vị khách là quản lý của một quán bar nọ. Thấy cô đẹp lại ăn nói có duyên nên vị khách đã “chỉ đường dẫn lối” cho My vào làm PR ở vũ trường với điều kiện cô phải đổi một cái tên nghe mỹ miều hơn. Từ đó, cô khoác cho mình cái tên mới là Kiều My và những bộ quần áo cũng bắt mắt, hấp dẫn hơn.
Rất ít người có thể thoát ra khỏi vòng xoáy mưu sinh nơi vũ trường. |
Trẻ trung và nhìn có vẻ thùy mị nên My đã hút hồn được không ít khách trong bar. Những ngày đầu đi làm, My kinh ngạc với số tiền kiếm được mỗi ngày. Ít thì cũng được 500.000 đồng, còn những ngày “trúng mánh” thì có khi được cả 100-200 đôla Mỹ. My bắt đầu bị cuốn vào guồng quay ồn ào, lung linh sắc màu.
Bước vào làm việc trong thế giới vũ trường - quán bar, mỗi người có mỗi con đường, chẳng ai giống ai. Thành, làm quản lý một quán bar với thâm niên 10 năm, kể lại, khi 19 tuổi, ngày ấy Thành là tân sinh viên của trường Đại học Kiến trúc TP HCM, gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn nên anh phải đi làm thêm để tự trang trải chi phí sinh hoạt cũng như học phí. Ngặt một nỗi là những công việc làm thêm thường hay bị trùng vào giờ lên lớp và món tiền kiếm được cũng bọt bèo.
Thế rồi... có một quán bar rao tuyển nhân viên phục vụ. Thành phân vân trước những lời đồn đại xấu xa về thế giới “hang động” ấy nhưng nếu không nhảy vào làm thì lấy đâu đủ tiền trang trải cuộc sống... Những ngày đầu, Thành không khỏi choáng ngợp với không khí ồn ào, náo nhiệt nhưng điều làm cho Thành choáng nhất lại nằm ở số tiền bo kiếm được mỗi tối đi làm, có khi bằng cả tháng lương. Vậy là Thành đam mê công việc vũ trường - bar từ lúc nào không biết.
Chàng thanh niên rụt rè ngày nào sau một thời gian nhập cuộc đã ngày càng táo bạo, khéo ăn nói, khéo chiều lòng khách. Sau chưa đầy nửa năm đi làm, Thành đã dành dụm được tiền mua một chiếc xe máy cũ, không những vậy Thành còn gửi được tiền phụ cấp cho gia đình hằng tháng. Cuộc sống nơi vũ trường giúp Thành trụ lại đất Sài thành, tuy nhiên tấm bằng tốt nghiệp đại học ngày càng trở nên xa vời.
Trong thế giới vũ trường, họ thường nhắc đến một anh chàng pêđê từng là dân chơi khét tiếng Sài Gòn, có biệt danh là “Vip”. Mỗi đêm anh ta rải tiền như rác, rồi... mất biệt suốt 2 năm trời. Đùng một cái, “Vip” xuất hiện trở lại, trên người khoác bộ vest đen với vai trò một chuyên gia quản lý đội ngũ PR toàn các hot girl của một vũ trường. “Vip” điều động những cô gái chân dài phục vụ cho các đại gia. Khách muốn có nhiều em xinh tươi ngồi chơi cùng bàn với mình thì phải nhờ tới “Vip”. Chính vì thế “Vip” kiếm được bộn tiền.
Mặc cho những lời gièm pha, những cái nhìn soi mói về một thế giới ngập ngụa trong đèn màu chấp chới, My, Thành, “Vip”... vẫn lao vào các vũ trường để kiếm sống. Tuy nhiên, trong thời buổi khủng hoảng kinh tế hiện nay, khách chơi hạng sang cũng bớt đi, mà có đi chơi thì cũng không chịu “bung” như trước.
Thành tặc lưỡi than thở: “Bây giờ kiếm tiền ở vũ trường, quán bar cũng khó lắm rồi. Ngày trước đi làm mà được tiền bo cỡ 500.000, 1 triệu đồng là chuyện thường ngày nhưng bây giờ... bị “lốc” (không được tiền bo) suốt!”.
Cách mưu sinh của những người làm việc ở vũ trường, quán bar là “bào” tiền của khách. |
Không những thế, cứ dăm bữa nửa tháng, quán lại bị kiểm tra một lần, khách khứa bực bội vì bị gián đoạn cuộc chơi nên bỏ về. Rồi chuyện khách quen đi chơi thiếu tiền, Thành đứng ra bảo lãnh (để giữ mối làm ăn lâu dài với khách) thế nhưng đợi mãi không thấy khách quay lại trả, số tiền nợ của khách bị chủ khấu trừ vào lương, coi như tháng đó... Thành khỏi lĩnh tiền lương.
Nhìn chung, cách mưu sinh của những người làm việc ở vũ trường - quán bar là ... “bào tiền” của dân chơi. Tuy nhiên, câu nói “có tiền là có quyền”, “khách là Thượng đế” dường như phát huy tác dụng nghiệt ngã nhất ở nơi vũ trường - bar: phần lớn những vị khách giàu sụ thì vênh mặt coi những người phục vụ trong vũ trường, bar luôn thấp hơn họ vài bậc, trong khi khách khứa dễ tính chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ngày nào, Kiều My cũng phải tiếp xúc với cả trăm người khách, lả lơi chuốc rượu, nô đùa với khách, thường xuyên gặp phải những tay dân chơi có tý men trong người là sàm sỡ, buông ra những lời nói coi My chỉ như một món hàng. Cô vẫn phải cười nói giả lả với khách. Làm việc trong môi trường này mà không đanh đá cũng không được, những cô gái PR như My giành giật khách với nhau, lâu lâu lại xảy ra vụ việc các nàng PR đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán.
Ngay như “Vip” mặt dày mày dạn trong chốn vũ trường, vậy mà có bữa thấy anh chàng chạy vào toilet khóc nức nở. Chuyện là có vị khách đại gia chấm riêng một cô gái PR tên Nga và dặn “Vip” không được để cho Nga tiếp chuyện với bất cứ người khách nào khác. Tuy nhiên, có vài bữa khách không tới và trong lúc ấy bạn của Nga lên chơi, Nga xin “Vip” vô bàn đứng chơi với bạn. Không ngờ vị khách đại gia kia bỗng dưng xuất hiện, ông ta trông thấy Nga nô giỡn với một anh bạn khá tình tứ. Ngay lập tức “Vip” bị vị khách vời tới và táng cho một bạt tai ngay trước mặt nhiều người.
Thành vẫn nhớ như in một sự cố xảy ra ngay trong ngày mới được cất nhắc từ vị trí trưởng nhóm phục vụ lên vai trò “chăm sóc khách hàng”, cách đây vài năm. Thành bị một quản lý dằn mặt vì tội không biết điều với anh ta.
Hôm đó, một vị khách quen của quán, khi biết Thành được lên chức, đã chuyển qua đặt bàn Thành coi như ủng hộ doanh số cho cậu em. Cậu đã khéo léo từ chối và nói vị khách cứ đặt bàn người quản lý kia nhưng khách lại quá nhiệt tình: “Anh đặt bàn cho chú chạy doanh thu tháng đầu thôi, tháng sau không có nữa đâu...”. Tối khuya hôm đó, trong cuộc họp nội bộ của bar, Thành đã bị “tố” với tổng quản lý và bị khiển trách. Trong mỗi bar, vũ trường có cả hơn trăm người làm việc ở mọi cấp bậc. Họ phải tự chọn cho mình những bè cánh, hội nhóm để tồn tại ở “chiến trường”.
Vũ nữ ở vũ trường phải tự chọn cho mình những phe cánh để tồn tại. |
Nhiệm vụ chính của những người làm trong vũ trường là phải chăm sóc chu đáo khách khứa, làm sao để khách cảm thấy vui và thoải mái nhất mỗi khi lui tới ăn chơi. Chính vì vậy, họ luôn bị lôi kéo vào những cuộc chơi của khách mà không được phép từ chối. Như Tuyết, làm quản lý ở một quán bar đêm nào Tuyết cũng “bay” cùng khách, hút chích... Sự nhiệt tình của cô khiến cho khách khứa ưa thích, cô có doanh số đặt bàn cao nhất cả bar nhưng bù lại chuyện gì bây giờ Tuyết cũng quên quên nhớ nhớ, lắm lúc nói lảm nhảm không kiểm soát được.
Anh Quân, cũng làm quản lý trong một quán bar, nói: “Số chai rượu mà tôi uống từ trước tới giờ chất đầy cả một kho rượu rộng cả trăm mét vuông!”. Chẳng biết anh có nói đúng hay không nữa nhưng mấy năm nay anh Quân luôn bị căn bệnh gan và đau dạ dày hành hạ. Ngặt nỗi nếu anh không uống rượu, không chiều lòng khách thì lấy tiền đâu ra để lo cho cả gia đình gồm vợ và ba đứa con, trong khi việc học hành của anh không tới nơi tới chốn nên cũng khó mà xoay được một công việc nhàn hạ.
“Đi làm vũ trường có phải hết giờ là được về nhà nghỉ ngơi đâu!”, Kiều My nói. Sau giờ tan ca vũ trường, My lắm lúc còn phải đi nhậu nhẹt, đi hát hò cùng khách để giữ mối quan hệ, gần sáng mới được khách thả cho về. Những cuộc vui chơi triền miên, những ly rượu uống hoài không hết khiến cho những người làm vũ trường thấy sức khỏe mình tàn tạ nhanh chóng.
Kiều My hay thở dài mỗi khi soi mình trong gương, mặc dù một khoản tiền không nhỏ đã được My dành ra để “trùng tu” nhan sắc. My ngày một héo hon thấy rõ. Bây giờ hễ buông kem phấn ra, My không nhận ra mình từng là cô bé Mơ xinh xắn, duyên dáng ngày nào.
Cô từng ấp ủ ước mơ là sau khi kiếm được một số vốn, cô sẽ từ giã chốn phồn hoa lắm thị phi để về quê cất một căn nhà khang trang, sống với người mẹ đang đau yếu. Thế nhưng cô khó mà quen được với cuộc sống nơi thôn quê mà mức sống vẫn còn khá thấp và quên đi những vị khách sẵn sàng chi vài chục triệu đồng cho một tối ăn chơi.
6h30 sáng, My cố gắng đẩy cửa xe taxi bước xuống, bóng dáng cô gái héo hắt bước lê trên con hẻm dẫn vào khu nhà trọ. Chỉ vừa kịp mở cửa, cô buông mình xuống nền nhà và thở dốc, cô thiếp đi ngay trên sàn nhà với khuôn mặt còn nhạt nhòa son phấn. Một ngày làm việc của My vừa kết thúc.
Theo Pháp Luật TP HCM
Phận đào thiêu thân nơi vũ trường - Ngôi sao