Thời cuộc

Bữa cơm sum họp ngày 30 Tết của người Sài Gòn

Phong tục này mang ý nghĩa tâm linh tốt đẹp của người Việt Nam để mời “ông bà tổ tiên” về cùng ăn Tết với con cháu

Để chuẩn bị cho bữa cơm gia đình quan trọng này, từ sáng cả gia đình bà Hoa (quận Gò Vấp, TP HCM) đã phải dậy sớm hơn thường lệ. Bà cùng chồng và các con mỗi người một việc, người thì lau dọn bàn thờ sạch sẽ để trưng bày các lễ vật, người thì chuẩn bị nguyên liệu nấu các món ăn truyền thống để dâng cúng tổ tiên.

Vừa dọn dẹp bà Hoa vừa tranh thủ gọi điện cho con gái lớn đi lấy chồng ở quận 10 nhắc chị thu xếp cùng chồng con về sớm để phụ giúp bà và sum họp cùng gia đình. Bà cũng không quên gọi cho một số anh em họ hàng ở gần cùng đến dự.

Bà bảo, gia đình chuyển từ Bắc vào Sài Gòn đã 20 năm. Tuy anh em, họ hàng không đông đủ như ở quê nhưng gia đình vẫn giữ truyền thống làm bữa cơm họp mặt con, cháu và một vài anh em họ hàng gần nhất để gắn kết mọi người. Bữa cơm ngày 30 Tết cũng là bữa cơm dâng cúng mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu và cũng là cảm tạ tổ tiên đã phù hộ cho con cháu, gia đình trong cả năm qua.

bua-com-ngay-30-tet-7410-1391072498.jpg

Theo truyền thống của người Việt Nam bữa cơm ngày 30 Tết là dịp để con cháu sum họp và đón ông bà ông vải về ăn Tết cùng. Ảnh: Bình Nguyên

Cũng như như bao năm trước, bà Hoa bày biện mâm ngũ quả thật ưng ý rồi đặt lên bàn thờ. Mâm cỗ ngày Tết của gia đình bà vẫn là những món truyền thống như gà luộc, xôi đỗ, thịt đông, canh măng xương và bánh chưng, dưa hành. Nhưng không khí tết thì đông vui nhộn nhịp hơn bởi năm nay bà có thêm đứa cháu đích tôn. Sau khi lăng xăng phụ giúp chuẩn bị đồ lễ, mấy đưa cháu ngoại cũng thay nhau chắp tay vái theo.

“Nhờ sự phù hộ của ông bà, năm nay gia đình có thêm đứa cháu trai kháu khỉnh. Công việc của các con các cháu đều thành đạt và gặp nhiều may mắn. Tuy có lúc con cái cũng làm buồn lòng cha mẹ nhưng nhờ nếp nhà bao năm luôn có phép tắc nên mọi chuyện cũng êm ấm hạnh phúc. Tất cả đều nhờ sự phù hộ của ông bà tổ tiên”, bà Hoa khấn trước bàn thờ.

Vừa pha tách nước trà nóng, ông Năm chồng bà Hoa vừa cho biết, vì các con đều sống ở gần nên năm nào bữa cơm ngày cuối năm cũng luôn đông đủ. “Ngày thường mỗi đứa một công việc, lúc nào cũng tất bật nên ít khi nào có mặt đông đủ. Có ghé thăm bố mẹ thì cũng lại vội vàng về lo chuyện gia đình riêng. Chỉ hôm nay là chúng thong dong sum tụ được thế này”, ông Năm nói rồi quay sang hàn huyên với cậu con rể chuyện đón Tết từ những ngày còn nhỏ ở quê nhà.

Cũng trong ngày cuối cùng của năm Quý Tỵ, mảnh sân nhỏ trước nhà của ông Phúc ở Thủ Đức chật kín xe của con cháu nội ngoại. Kê lại chậu mai trước cửa, ông gọi giục vợ chuẩn bị nâm cơm thắp hương. Còn bà Phượng đang cùng con dâu thoăn thoắt cắt đĩa bánh tét đặt lên nâm cơm.

Là người gốc Sài Gòn nên bữa cơm ngày cuối năm của gia đình ông Phúc cũng có những khác biệt so với người miền Bắc. Thay vì bánh chưng, năm nào ông cũng gói hàng chục đòn bánh tét vừa ăn vừa chia cho con cháu trong nhà. Ngoài ra, nâm cơm cúng truyền thống của gia đình ông cũng như nhiều gia đình miền Nam nói chung không thể thiếu đĩa thịt kho hột vịt, tô canh khổ qua nhồi thịt và chén dưa kiệu muối chua ngọt.  

Ông Phúc cho biết, bữa cơm ngày cuối năm của gia đình ông năm nay cũng đông vui hơn vì cậu con trai út mới lấy vợ nên nhà có thêm con dâu. Lấy chồng ở xa tận Bình Dương, nhưng người con gái lớn của ông Phúc cũng kịp đưa các con về để gặp gỡ anh chị em trong gia đình sau một năm bận rộn với việc buôn bán. Cho đến quá trưa, hơn chục người con dâu rể cùng các cháu của ông Phúc đã đông đủ.

“Nào nâng ly thôi các con, chúc cả gia đình ta đón năm mới vui vẻ. Chúc các con tiếp tục làm ăn phát đạt, các cháu ngoan học hành thi cử đỗ đạt, cả gia đình đều vui khỏe. Riêng cậu út năm mới cho ông thêm đứa cháu nội”, ông Phúc cụng ly từng người trong gia đình trong tiếng cười nói vui vẻ.

Theo tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người Việt thường nói “ăn Tết, chơi Tết” nên nhà nào cũng chuẩn bị những thứ để ăn và chơi rất kỹ lưỡng như đồ ăn thức uống, hoa, cây cảnh… Tết Nguyên đán là thời điểm mở đầu vận hội mới cho mỗi người, mỗi gia đình. Ngày 30 Tết là ngày họp mặt cũng là bữa cơm tất niên, các gia đình làm cỗ cúng ông bà tổ tiên về đoàn tụ với người thân, kể cả người còn sống và người đã khuất.   

Ngày 30 Tết, ngoài những khu chợ hoa ở Sài Gòn lúc nào cũng đông đúc thì đường phố đã vắng vẻ hơn nhiều. Trong mỗi gia đình đều rộn ràng không khí chuẩn bị đón năm mới Giáp Ngọ với mong muốn năm sau sẽ thuận lợi thành công hơn năm trước.

Bình Nguyên 

NgoiSao.net

Bữa cơm sum họp ngày 30 Tết của người Sài Gòn - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,173,474       765