Chuyện lạ

Giếng chữa bệnh mất sữa của phụ nữ mới sinh

Nhiều bà mẹ không có sữa cho con bú đã chữa bệnh bằng cách làm lễ khấn vái ở miếu rồi uống nước dưới giếng.

"Giếng sữa" nằm trên mảnh đất thuộc thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, Hà Nội. Đó là một giếng nước rất nhỏ và nông thành được xây bằng đá ong - một loại đá cổ nổi tiếng ở xứ Đoài. Giếng nằm trên vùng đất bạt ngàn, rộng lớn. Tương truyền, vùng đất này trước đây là đất của vua Ngô Quyền. Bên cạnh giếng là một ngôi miếu nhỏ rất thiêng thờ "mẹ sữa".

Người dân ở đây cho biết, làm lễ khấn vái ở miếu rồi uống nước dưới giếng có thể giúp người phụ nữ căng đầy bầu sữa để nuôi con, tránh được việc khan, thiếu hoặc mất sữa sau khi sinh. Đó là câu chuyện có thật ở đất Đường Lâm.

Hằng ngày, chiếc giếng nhỏ cùng ngôi miếu nằm lặng lẽ đón tiếp rất nhiều bà mẹ đến xin sữa cho con. Họ là những người trong vùng và lân cận, thậm chí còn có người ở các tỉnh xa như Nghệ An, Hà Tĩnh... nhưng nhiều nhất vẫn là ở Hà Nội.

Hằng ngày, những người cần sữa cho con bú vẫn đến lễ tạ trước miếu "mẹ sữa" và xin nước từ chiếc "giếng sữa" của người dân Cam Lâm.

Hằng ngày, những người cần sữa cho con bú vẫn đến lễ tạ trước miếu "mẹ sữa" và xin nước từ chiếc "giếng sữa" của người dân Cam Lâm.

Đường vào "giếng sữa" ở thôn Can Lâm phải đi qua đền thờ Phùng Hưng và đền thờ vua Ngô Quyền. Người dân Đường Lâm cho rằng, chiếc giếng và ngôi miếu nhỏ rất linh thiêng. Nước giếng có công dụng mang dòng sữa trở lại cho những người bị tắc sữa hoặc mất sữa. Danh tiếng của giếng đã vang xa khắp mọi nơi, nhiều người ở ngoại tỉnh nghe tin cũng đến để xin "sữa” về cho con.

Cụ Phan Thị Sót (67 tuổi, người trông nom ngôi miếu và chiếc giếng) cho hay: "Với chút lễ mọn và lòng thành tâm thắp hương khấn tạ, ai đến cũng đều được như ý cả. Đồ lễ đến đây xin sữa cũng rất giản đơn, mỗi người đến đây chỉ cần mang theo cân hoa quả, vàng hương, điều đặc biệt là lễ vật này phải để lại miếu không được mang về. Sau khi làm lễ xin âm dương được phép từ "mẹ sữa" rồi thì người xin sẽ đến giếng lấy gáo dừa múc nước giếng rồi uống mấy ngụm. Có thể dùng can lấy nước mang về nấu cơm hoặc đun lên làm nước uống. Như vậy là lời cầu nguyện sẽ được linh ứng”.

Ngoài ra, nếu là người đi xin nước thay thì đàn ông phải để lại 9 đồng tiền lẻ, đàn bà 7 đồng tương đương với vía của mỗi người. Ngày trước, người ta dùng tiền xu ném xuống giếng, còn bây giờ dùng tiền giấy để trông ngôi miếu thờ "mẹ sữa" cho sạch sẽ.

Chị Phương (Thạch Thất, Hà Tây), một người sau khi sinh con không có sữa đến đây "xin sữa" cho biết: "Tôi sinh con được 7 tháng nhưng tắc sữa 4 tháng nay, không có tí sữa nào. Khi cháu bú vào, ngực không có sữa thì cháu đẩy ra và khóc. Lúc đó nhìn con khóc thì mẹ cũng khóc. Nhờ mọi người mách bảo, hôm qua đến đây xin nước giếng mẹ đến tối muộn mới về. Sáng nay, thức dậy thấy bầu sữa ở ngực đã căng, cho con bú thì cháu bú được chiều nay gia đình tôi đến lễ tạ "mẹ".

Thành giếng được xây bằng đá ong, nằm trước ngôi miếu nhỏ thờ "mẹ sữa".

Thành giếng được xây bằng đá ong, nằm trước ngôi miếu nhỏ thờ "mẹ sữa".

Giếng sữa nằm cạnh con đường mòn dưới chân đồi Nghẽn và núi Cấm thôn Cam Lâm (Đường Lâm, Sơn Tây), được che khuất bởi tán cây cổ thụ um tùm, xung quanh là đồng ruộng mênh mông và núi đồi bạt ngàn cây cối. Tương truyền đây là vùng đất của vua Ngô Quyền.

Các cụ cao niên trong thôn cho biết, ngày xưa giếng chỉ là một ang nước nhỏ, nằm sát các thửa ruộng. Trải qua thời gian, lòng giếng được người dân đôn lên cao, thành giếng được đắp bằng những viên đá ong cổ. Hiện nay, giếng rộng chưa đầy 80 cm, sâu khoảng hơn một mét, nước trong vắt suốt bốn mùa và luôn đây ắp nước. Ngôi miếu cũng được làm bằng đá ong, lợp ngói phủ rêu phong nhưng chỉ rộng chừng vài ba mét vuông.

Cụ Phan Thị Sót cho hay, người dân Cam Lâm không ai biết ngôi miếu có từ bao giờ, đến những bậc cao niên trong làng cũng không thể biết rõ được. Họ chỉ nhớ khi lớn lên đã thấy chiếc giếng và ngôi đền nằm ở đó. 

Cụ Sót kể, từ đời vua Ngô Quyền lập đất, người ta có truyền tai nhau câu chuyện về sự hình thành "giếng sữa" và ngôi miếu thờ "mẹ sữa". Chuyện rằng, hồi đó loạn lạc, dân chúng đói khát, khổ sở, có nhà bỏ con để chạy loạn. Một bà lão hành khất chống gậy lang thang qua đất mảnh đất này thấy đứa bé còn đỏ hỏn bị bỏ ngang đường. Thương tình, bà bế đứa nhỏ theo. Đến địa phận đất Chuông Sa (tên gọi khác của vùng đất này) thì đứa bé đói quá nên khóc ròng không sao dỗ được.

Không có nhà dân nào xung quanh để xin cho đứa bé miếng nước, bà phải cố dỗ dành. Bỗng đâu, chiếc gậy của bà cắm xuống mảnh đất mềm thì một dòng nước trào tóe lên. Bà mừng quá lấy nước cho đứa bé uống thì đứa bé nín khóc và ngủ ngon lành. Kể từ đó, bà ở lại đây sống và nuôi đứa bé. Khi bà mất, nhân dân lập miếu thờ và giếng nước có từ đó. Điều đặc biệt, chiếc giếng từ bao đời nay nhưng chưa bao giờ cạn nước hay bị vẩn đục cho dù mùa mưa hay mùa hạn hán".

Giếng trong vắt quanh năm, suốt tháng dù mùa mưa hay hạn hán và không bao giờ vẩn đục.

Giếng trong vắt quanh năm, suốt tháng dù mùa mưa hay hạn hán và không bao giờ vẩn đục.

Cụ Sót nhớ lại, vài chục năm trước đây vào mùa hạn hán những chiếc giếng khác trong làng cạn hết nhưng “giếng sữa” nước vẫn đầy ăm ắp và trong xanh, nước ngọt lịm. Cả làng lại rủ nhau ra gồng gánh nước về ăn.

Điều lạ là chiếc giếng sâu chưa đầy một mét mà hồi đó cung cấp nước đủ cho cả làng cả trăm người dùng. Cách đây một năm, 800 người ở làng Triều Khúc (Hà Nội) lên xin nước về mở hội, ai cũng xin đầy chai nước nhưng nước trong giếng không hề cạn và vẩn đục, cứ trong xanh và ăm ắp nước lạ thường.

Người dân làng cổ Đường Lâm rất tự hào mỗi khi có người phương xa tới xin nước ở giếng làng. Cụ Dương Hữu Số, chủ từ lăng vua Ngô Quyền cho biết, nghe chuyện về chiếc "giếng sữa" kỳ lạ của làng, năm 1965, đã có một đoàn các nhà khoa học đến thăm rồi lấy mẫu nước về nghiên cứu, nhưng kết quả thế nào thì không được thông báo đến người dân.

Tuy nhiên, người dân Đường Lâm cũng không mấy quan tâm đến cách lý giải vấn đề đó lắm vì quan trọng nhất đối với họ, “giếng sữa” là một báu vật đáng tự hào.

Theo Lao Động

NgoiSao.net

Giếng chữa bệnh mất sữa của phụ nữ mới sinh - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,102,597       464