Chuyện lạ

Rắn có mào và những bộ xương trấn yểm ở Tràng An

Đang hút bùn thì máy trục trặc, ông Son sai công nhân nhảy xuống sông mò thì phát hiện chiếc đầu lâu mắc vào ống hút.

Ông Nguyễn Văn Son, chủ khu du lịch Tràng An Cổ và cũng là cha đẻ của khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) nổi tiếng Việt Nam bây giờ cho biết, ông gặp vô số điều lạ lùng, bí ẩn ở khu vực Tràng An. Vào năm 2005, trong quá trình đi thám hiểm, ông đã gặp một con rắn có mào.

Hồi trẻ, ông thường vào hang Bói săn sơn dương. Chính tại hang này, mới đây, các nhà khảo cổ đào hố thám sát, đã phát hiện bộ xương người có tuổi khoảng 7.000 đến 10.000 năm. Ở cửa hang có một tảng đá, khá giống cái ngai vàng. Ông Son cùng một nhóm đi vào hang Bói. Ông dựng tóc gáy khi thấy trên tảng đá hình ngai ấy có 2 con rắn vắt vẻo. Một con màu đỏ, thân to, đầu có mào. Một con màu xanh, nhỏ hơn, nằm uốn khúc, gối đầu lên lưng con đỏ.

Ông Son chợt nhớ lại lời các cụ kể, khi xưa khi các cụ ở Tràng An vào chỗ hang Bói khai thác gỗ sửa đền vua Đinh, từng gặp rắn có mào. Họ đặt chiếc mâm đồng, con rắn bò vào. Các cụ nghĩ “thần” về, nên đưa rắn mào vào hậu cung làm lễ cúng bái. Cúng xong, rắn biến mất, không ai nhìn thấy nữa.

Ông Son nghe chuyện rắn có mào nhiều nhưng không tin. Khi đó, trước mắt mình là một con rắn có mào trên đầu thực sự, khiến ông dựng tóc gáy. Trấn tĩnh lại, ông Son chạy về nhà lấy máy quay phim.

Ông Son là người rất tâm huyết với Tràng An cổ.

Ông Son là người rất tâm huyết với Tràng An cổ. Ông đã dành nhiều thời gian và tâm sức để tìm hiểu và thu thập thông tin về những chứng tích còn lại ở nơi đây.

Lúc ông gặp rắn là 10h sáng, ông chạy về nhà làm lễ cúng bái, rồi quay lại lúc 4h chiều. Cặp rắn vẫn nằm đó. Ông Son đứng từ xa zoom lại, quay rõ hình ảnh con rắn có mào, loài rắn tưởng như chỉ có trong huyền thoại. Quay xong, hai con rắn ngọ nguậy, rồi trườn lên núi và biến mất. Cặp rắn vừa trườn đi, ông Son lại nghe thấy tiếng rinh rích như gà con. Lần theo tiếng kêu lạ, ông Son phát hiện một con cua rất to, màu vàng, chưa từng thấy bao giờ. Ông nhấc cua lên ngắm nghía, nó vẫn phát ra tiếng kêu rinh rích. Nghĩ chuyện lạ, ông thả con cua ra, rồi về.

Các nhà khoa học khẳng định, một số loài rắn có râu ở mũi, nhìn thoáng qua tưởng là mào, nhưng thực ra không phải. Để chứng minh điều mình nói, ông Son mở tủ lấy ra chiếc đĩa CD mà ông bảo quản rất cẩn thận cho mọi người xem. Quả thực, trong hình, rõ ràng là con rắn có mào, mặc dù cái mào không lớn lắm.

Sau khi dự án du lịch Tràng An được lập, ông Nguyễn Văn Son cùng người em trai là đại gia Nguyễn Xuân Trường vào cuộc nạo vét sông ngòi, hang động, thung lũng để xây dựng Tràng An. Khi nạo vét lớp bùn ứ đọng trong một hang động ngay cạnh huyệt mạch sông Sào Khê, họ phát hiện một bộ xương còn khá nguyên vẹn. Bên thi hài có 3 sâu tiền cổ niên đại thế kỷ thứ 7 đến thứ 10, là tiền Tùy – Đường.

Đầu bộ xương gối lên các tấm gỗ tiện tròn rất cầu kỳ. Các nhà khảo cổ đã về xem xét. Bộ răng còn nguyên vẹn, chưa mòn chứng tỏ đây là người trẻ. Các nhà khảo cổ đều khẳng định đây là người con gái, dáng cao, mảnh, rất đẹp, tuổi chỉ độ 17-18. Ông Son đã làm lễ chu đáo, an táng người thiếu nữ này ra nghĩa địa làng. Tham khảo một số chuyên gia phong thủy, ông Son tin rằng, người con gái này đã bị yểm trong hang.

Nạo vét xong hang động, thì việc nạo hút sông Sào Khê bắt đầu tiến hành. Dự án nhà nước về nạo vét sông đã có, nhưng không biết bao giờ mới được giải ngân, nên công ty bỏ tiền làm trước.

Có tới 150 chiếc máy hút bùn được huy động, rải dọc sông Sào Khê đoạn chảy qua Tràng An. Một lần, chiếc máy hút bùn trục trặc, ông Son sai công nhân nhảy xuống sông mò mẫm xem có vật gì lọt vào ống hút. Công nhân này xuống mò, nhấc lên chiếc đầu lâu. Anh này mò tiếp, thì vớt được nguyên bộ xương người.

Từ bấy, ông Son rút kinh nghiệm, hễ máy đang hoạt động trơn tru, mà gặp dị vật bít ống hút, thì sai người xuống mò mẫm dưới lớp bùn, thế nào cũng kiếm được xương người. Theo ông Son, dưới dòng Sào Khê, chỗ nào có xương người, y rằng đã bị trấn yểm, vì xung quanh chỗ có xương người thường có nhiều vật lạ khác.

ran.jpg

Con rắn có mào nhỏ trong video ông Son quay lại.

Một ngày tháng 7, trời mưa sụt sùi, ông Son sai người làm mấy mâm lễ lớn, vừa cúng bái vừa khao chúng sinh ngay trên sàn con tàu hút bùn. Khi công nhân lấy lên vô số vật lạ, ông Son đã tin rằng đào phải trận pháp trấn yểm, nên đã cúng bái, rồi sai công nhân khoanh vùng, nạo vét lòng sông bằng thủ công. Giữa một đống di vật lạ, công nhân đã lôi lên được một chiếc đầu lâu.

Có lẽ, do nằm rất sâu dưới lòng đất, trong tình trạng yếm khí, vi khuẩn không hoạt động được, nên hộp sọ được bảo quản rất tốt, còn rất nguyên vẹn. Một số nhà khảo cổ, nhân chủng học tìm về và khẳng định hộp sọ to, đẹp, cân đối, thể hiện đây là một người thông minh, khỏe mạnh, thậm chí là một vị tướng.

Điều lạ lùng là lại chỉ phát hiện hộp sọ dưới lòng sông, còn xương cốt bộ phận khác lại không có. Ông Son đã huy động mấy chục công nhân, mở rộng diện đào bới, tuy nhiên, tìm kiếm suốt một tuần không thấy thêm mẩu xương nào. Tin rằng, chiếc đầu lâu này của vị tướng, nên ông Son sai người an táng rất chu đáo. Khi đó, một đội chuyên phục vụ án táng, di chuyển hài cốt được thành lập.

Theo lời ông Son, họ mua tiểu sành, vải liệm màu đỏ. Đích thân ông đã cúng cho oan hồn này. Cúng xong, đội an táng đưa ra nghĩa địa chôn ở vị trí đã chọn sẵn. Sau này, một số người đi xem tâm linh, đã nhận thủ cấp ấy là của tổ tiên mình, tức tướng Nguyễn Bặc. Đã có cả trăm bộ xương được moi lên từ lòng sông Sào Khê, đoạn cửa hang Luồn được án táng vào một khu vực mà ông Son xây dựng, trong nghĩa địa làng Tràng An.

Ông Nguyễn Văn Son nói: “Cả đời gắn bó với vùng đất Tràng An này, gặp không thiếu chuyện gì, nhưng ngẫm lại, tôi tin rằng anh linh các cụ đã dẫn dắt tôi từng bước, để khám phá những bí ẩn trong lòng đất Tràng An. Việc phát hiện ra trận đồ trấn yểm này không phải ngẫu nhiên, mà tôi tin rằng do các cụ sắp đặt”.

Kể từ khi phát hiện ra trận pháp, ông có cảm giác rất lạ, ông thấy mình phải có trách nhiệm để trông coi, giữ gìn long mạch thiêng liêng này. Ông để lại dự án Tràng An cho người em, là ông Nguyễn Xuân Trường xây dựng, quản lý, ông về Tràng An Cổ, huyệt mạch quốc gia để xây dựng lại cơ nghiệp, nhằm bảo vệ trần đồ trấn yểm kỳ bí này.

Ông Son tin rằng, đoạn sông Sào Khê chảy qua hang hang Luồn chính là huyệt mạch trọng yếu của quốc gia, nơi quan trọng nhất của nhà Đinh và cũng là nơi tổ tiên ông đã đổ máu, dựng nghiệp, rồi sinh sống đến tận bây giờ.

Một số cổ vật tìm thấy dưới lòng sông.

Một số cổ vật tìm thấy dưới lòng sông.

Sông Sào Khê khi xưa to, nước sâu, chứ không nhỏ và cạn nước như bây giờ. Mùa lũ, nước từ sông Đáy thốc vào, nước dâng cao chảy cuồn cuộn. Chỉ có con đường duy nhất vào Tràng An là đường thủy, trên sông Sào Khê, xuyên qua hang Luồn. Cả con sông đã chảy qua lòng quả núi. Nơi đây bốn bề núi cao hiểm trở, các dãy núi là tường thành tự nhiên, dễ phòng thủ, khó tấn công, nên vua Đinh, rồi nhà Tiền Lê đã chọn làm nơi dựng nghiệp.

Cửa hang Luồn là một công trình kỳ vĩ của tự nhiên. Mái hang khá thấp, nhiều chỗ bơi thuyền chạm đầu, tuy nhiên bề rộng thì tới 60 mét, đủ chỗ cho thuyền bè tấp nập ngược xuôi, mà không sợ tắc.

Chèo thuyền đến cửa hang Luồn, ông Nguyễn Văn Son dừng thuyền chỉ lên những hình khắc kỳ lạ trên cửa hang rồi kể, khi việc nạo hút đoạn hang Luồn gặp nhiều sự cố, ông Son mới để ý đến những hình khắc này. Ông tìm lại sách cổ, rồi gặp các chuyên gia phong thủy, chuyên gia văn hóa cổ, thì thấy rằng, những hình khắc như trên vách đá thường được sử dụng trong các lễ trấn yểm, hoặc cầu siêu, giải oan của người xưa.

Khi xưa, con sông Sào Khê thực tế tên là Tào Khê (đặt tên theo con sông Tào Khê nổi tiếng linh thiêng của Trung Quốc). Khê có nghĩa là con ngòi luồn lách qua khe núi. Khi chúa Trịnh Sâm về đây, đã cho lập bia và đề thơ trên vách đá, ngay cửa hang Luồn. Hiện tấm bia trên vách đá vẫn còn nguyên vẹn. Ông Son đã lợp mái để che mưa nắng, giữ cho tấm bia được bền vững với thời gian.

Một nhà ngoại cảm nổi tiếng về cửa hang Luồn, cũng khẳng định như vậy và mô tả kỹ lưỡng trận pháp dưới lòng sông. Sau này đào lên, mọi thứ đều đúng như lời người này nói. Nhà ngoại cảm còn nói, mỗi khi xuất quân, vua Đinh và vua Lê đều bái lễ ở cửa hang Luồn. Thắng trận cũng về đây làm lễ, rồi thả đèn, nến, vàng hoa trên sông Sào Khê, trôi qua hang Luồn sáng rực.

Một số nhà phong thủy cũng được ông Son mời về nghiên cứu những hình khắc. Nhiều nhà khoa học cũng đã lấy những bản dập hình khắc mang đi nghiên cứu và có giải mã bước đầu.

Những hình khắc bao gồm: tháp kính thiên, cá phóng sinh, đài sen, ngọn lửa, đạo linh phù. Những hình khắc này tập trung ở mái đá ngay cửa hang Luồn, không phát hiện ở nơi nào khác. Dựa vào độ mòn, các nhà khoa học cũng khẳng định các hình khắc có tuổi đời rất lâu. Hình khắc Tháp kính thiên khá cầu kỳ. Dưới đế hình tháp là ngọn lửa thả trên mặt nước. Tổ hợp hình ảnh này biểu thị cho lễ cầu siêu cho tướng sĩ vì nước quên thân.

Hình con cá thể hiện sự phóng sinh trong nghi lễ cầu siêu. Hình bùa linh phù có lẽ bí ẩn nhất. Phía dưới hình là miếng gỗ (mộc), trên là hình người quỳ nâng lư hương, tiếp theo là hình mặt trời, và trên cùng là hình ngũ cốc. Đây là một lá bùa cổ, được người xưa dùng để trấn yểm, giữa yên âm trạch.

Theo VTC

NgoiSao.net

Rắn có mào và những bộ xương trấn yểm ở Tràng An - Ngôi sao


      © 2021 FAP
        1,203,157       156