Những người trong gia đình ấy liên tiếp phát bệnh tâm thần, uống nhầm thuốc chết hay treo cổ tự vẫn.
Câu chuyện đau lòng này xảy ra trong gia đình ông Phạm Văn Sinh (ngụ thôn Cổ Lão, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), căn nhà từng phát hiện 16 bộ hài cốt vô danh dưới nền.
Ông Sinh và bà vợ tên Lê Thị Bộn đều sinh năm 1954, có bốn người con. Cách đây đúng 15 năm, người con gái đầu tiên của ông bà tên Liễu, khi đó mới 16 tuổi, bỗng nhiên phát bệnh tâm thần. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Liễu học hết lớp 5 phải nghỉ học phụ giúp việc gia đình. Thiếu nữ trắng trẻo, cao ráo lại xinh xắn nhưng bất ngờ mắc bệnh, thường ngày la hét om sòm, lột sạch áo quần, bỏ nhà đi lang thang khắp nơi.
Hai năm sau khi con gái phát bệnh, người cha cũng đột ngột lên những cơn tâm thần giống con dù trước đó rất khỏe mạnh. Người thân kể lại, mỗi lần lên cơn, ông Sinh bắt chéo tay làm súng, miệng lẩm bẩm: “Du kích đây, bùm, bùm, bùm”.
Mỗi khi có giấy bút ông lại viết vào giấy: “Huyện Hương Trà khen du kích Sinh bắn địch giỏi”, rồi tự ký tên Phạm Văn Sinh, xong đem phát giấy khắp nơi. Những lần như thế, hàng chục gia đình gần nhà ông Sinh đêm đêm không ai ngủ được.
Bà Bộn được nhiều người đánh giá là phụ nữ rất chịu khó. Chồng con mắc bệnh, mọi gánh nặng lúc này đều đổ lên vai người phụ nữ bất hạnh. Một mình bà nuôi ba người con nhỏ, vừa chăm sóc chồng và con bị tâm thần. Quá khó khăn, ba người con còn lại đều học chưa hết cấp một đã phải nghỉ giữa chừng, ngày ngày cuốc ruộng, buôn bán khoai lang, nuôi lợn. Đêm về, bà Bộn lại dành hết thời gian chăm sóc chồng con.
Trong căn nhà này, bốn người đã phát bệnh tâm thần, một người uống nhầm thuốc mất mạng. |
Người vợ, người mẹ này gần như chưa bao giờ có nổi giấc ngủ ngon. Đồ đạc trong nhà chẳng có vật dụng nào đáng giá ngoại trừ một chiếc giường và chiếc tủ. Thế nhưng bà phải nhờ hàng xóm cho gửi tạm chiếc tủ bởi sợ chồng phát bệnh lại phá hỏng.
Ăn uống kham khổ, sức khỏe bà Bộn yếu dần. “Những hôm chị ốm đau, anh em chúng tôi phải thay nhau nấu cơm, cháo. Chị ấy suy sụp là phải, đêm nào cũng thức trắng, chạy khắp xóm tìm hai cha con bị bệnh bỏ nhà đi hoang. Đã năm năm nay chị ấy chịu khổ như thế rồi”, em trai bà Bộn kể.
Thế rồi, một ngày nọ bà Bộn do uống nhầm thuốc ngủ của chồng quá liều nên đột tử. Bà chỉ kịp trăng trối với con: “Các con cố gắng thay mẹ chăm sóc cho ba và chị”. Nhiều người hoài nghi cái chết của bà Bộn không phải là do uống nhầm thuốc mà do suy nhược. Trước đó, bà từng thắt cổ và dùng dao đâm vào người để tự tử nhưng được người thân can ngăn kịp thời.
Sau cái chết của bà Bộn chưa đầy tháng, hai người em mời người về tìm kiếm. Người lạ chỉ vào một vị trí trong nhà, cho rằng có “ma trú chân”. Đào bới khu vực, cả làng kinh hãi phát hiện tổng cộng 16 bộ hài cốt. Những người chết vô danh đã được đưa đi chôn cất tử tế, nhưng căn nhà đến nay vẫn hoang lạnh.
Bà Bộn chết, người con út của ông bà là Nam được một trại trẻ mồ côi ở TP Huế nhận nuôi dưỡng. Người con khác chuyển vào Đồng Nai sống với người bà con. Riêng cô con gái út ở nhà chăm sóc cho cha và chị gái.
Ít năm sau, anh Phạm Văn Phúc, người con sau một thời gian làm ăn xa nhà quyết định về quê để sinh sống từ đầu năm 2009. Khi ấy, Phúc khá điển trai, hiền lành lại siêng năng. Anh quen biết chị Xá cùng quê, họ vượt qua bao cản trở để đến với nhau.
Khi người con đầu lòng của anh chị chào đời, Phúc càng siêng năng làm việc hơn để lo cho vợ con chu đáo, anh quyết định “làm ăn lớn”, chuyên đi nhận thầu khoán công trình thay vì làm công như trước. Vốn bản tính thật thà, tay nghề còn non, thiếu kinh nghiệm nên anh liên tiếp thua lỗ. Bao nhiêu của cải, kể cả số vàng là của hồi môn của vợ cũng “đội nón ra đi” theo nợ nần.
Buồn chán, Phúc lao vào rượu chè và lại dính căn bệnh tâm thần đã làm gia đình mình tan hoang. Cứ mỗi lần lên cơn, anh lên cơn lại hốt đá vào bao tải, đem tới các tiệm vàng để bán. Các chủ tiệm vàng nhiều lần hốt hoảng báo cảnh sát bắt giữ, trả về cho gia đình.
Căn nhà vốn có sẵn hai người tâm thần, giờ thành ba người. Nhà trên thì xích ông Sinh và Phúc, còn nhà dưới thì xích cô chị tên Liễu. Rồi người con út tên Nam khi đủ 18 tuổi, trại trẻ mồ côi trả về gia đình, đã ra tận Lạng Sơn làm ăn, cũng bắt đầu có biểu hiện của bệnh tâm thần nhẹ.
Cuối năm 2012, gia đình quyết định xin gửi ba cha con ông Sinh vào trại bảo trợ xã hội. Lúc này hàng xóm mới được yên ổn sau nhiều năm bị tra tấn tinh thần. “Ngôi nhà bệnh tật” này không một ai dám vào vì sợ, lâu ngày trở thành nhà hoang. Cả nhà vậy là chỉ còn duy nhất cô con gái tên Thu là bình thường, cũng phải bỏ nhà lên cậu ruột ở nhờ.
Ba cha con ông Sinh được trung trung tâm bảo trợ xã hội tiếp nhận. Bệnh tình của Phúc nhẹ nên được trả về, tuy nhiên sau đó, do biến cố vợ bỏ theo người khác, anh ta lại tái phát bệnh nặng hơn.
Khoảng 6h sáng ngày 24/11/2013, khi y bác sĩ mở cửa phòng đã phát hiện anh tự vẫn. Hiện trường cho thấy anh cởi áo, xoắn chặt làm dây, vắt lên cửa sổ để treo cổ. Cao Văn Hóa (35 tuổi), y sĩ trực tiếp chăm sóc, theo dõi bệnh nhân Phúc cho biết khi vào trại, bệnh nhân này không phá phách như những bệnh nhân khác. Thi thoảng Phúc lại thủ thỉ nghe thật cảm động: “Bố sẽ làm nhiều tiền để mua bột, mua sữa cho con”.
Vẫn biết những chuyện buồn trong gia đình này là chuyện tình cờ không may, thần kinh là do chịu quá nhiều áp lực cuộc sống... thế nhưng ám ảnh về ngôi nhà có nhiều người chôn dưới nền khiến người ta không khỏi liên tưởng và rùng mình khi nghĩ tới.
Theo Pháp Luật Việt Nam
Ám ảnh căn nhà nhiều tai ương vì hài cốt dưới sàn - Ngôi sao