Khoa học

Khoa học gia NASA hoàn thành thí nghiệm sống thử trên sao Hỏa

Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) kết thúc thí nghiệm mô phỏng cuộc sống trên sao Hỏa trong điều kiện gần như bị cô lập hoàn toàn.

khoa-hoc-gia-nasa-hoan-thanh-thi-nghiem-song-thu-tren-sao-hoa

Nhóm nghiên cứu sau khi kết thúc một năm mô phỏng trên sao Hỏa. Ảnh: Twitter HI SEA.

Theo Guardian, nhóm nhà khoa học 6 người sống suốt một năm trong căn lều trên ngọn núi lửa Mauna Loa ở Hawaii, Mỹ, và chỉ được ra ngoài với trang phục phi hành gia. Thí nghiệm mô phỏng này kết thúc vào hôm 28/8.

Những lần mô phỏng trước đây cũng tại địa điểm này thường kéo dài 4-8 tháng. Căn lều hình mái vòm nơi các nhà khoa học sống suốt một năm có đường kính 11 m, cao 6 m. Đất trên núi Mauna Loa giống với loại đất tìm thấy trên sao Hỏa và hầu như không có thực vật nào sống được ở độ cao tại nơi đặt lều.

khoa-hoc-gia-nasa-hoan-thanh-thi-nghiem-song-thu-tren-sao-hoa-1

Thành viên đoàn thí nghiệm chỉ được ra ngoài khi mặc đồ phi hành gia. Ảnh: Christiane Heinicke.

Nhóm 6 người bao gồm một nhà sinh vật học vũ trụ người Pháp, một nhà vật lý người Đức và 4 người Mỹ là phi công, kiến ​​trúc sư, bác sĩ kiêm nhà báo và nhà khoa học nghiên cứu về đất. Họ phải sử dụng tài nguyên hạn chế trong khi tiến hành nghiên cứu và làm việc để tránh xung đột cá nhân. Các kinh nghiệm thu được sau thí nghiệm có ý nghĩa quan trọng đối với du hành vũ trụ trong tương lai.

Theo Cyprien Verseux, thành viên người Pháp, thí nghiệm cho thấy nhiệm vụ tới sao Hỏa có thể thành công. "Ấn tượng của cá nhân tôi là sứ mệnh lên sao Hỏa trong tương lai gần sẽ thành hiện thực. Tôi nghĩ những trở ngại về kỹ thuật và tâm lý có thể được khắc phục", Verseux chia sẻ.

Các nhà khoa học kết thúc một năm mô phỏng cuộc sống trên sao Hỏa

Christiane Heinicke, thành viên người Đức, cho biết các nhà khoa học có thể tự tìm thấy nước trong điều kiện khí hậu khô. "Bạn thực sự có thể lấy nước từ dưới đất dù mặt đất dường như rất khô. Cách này cũng có thể dùng được trên sao Hỏa, thông qua xây dựng nhà kính nhỏ", Christiane cho biết.

Kim Binsted, Giám đốc nghiên cứu của cuộc thử nghiệm kiêm phó giáo sư tại Đại học Hawaii, Mỹ, cho biết đây là thí nghiệm mô phỏng thời gian dài thứ hai, chỉ sau một thí nghiệm tương tự của Nga với thời gian 520 ngày. Các thành viên của nhóm nghiên cứu đều lên kế hoạch nghỉ xả hơi sau gần 365,25 ngày bị cô lập.

Xem thêm: Những thí nghiệm có thể đưa con người lên sao Hỏa

Thành Minh

VNExpress

thí nghiệm, nghiên cứu, sao Hỏa, khí hậu khô, núi lửa, du hành vũ trụ, mô phỏng


      © 2021 FAP
        531,667       220