Nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Stephen Hawking và tỷ phú người Nga Yuri Milner lên kế hoạch đưa tàu thăm dò tới hệ sao gần Trái Đất nhất trong thời gian tới.
Tỷ phú Milner (đứng) và nhà vật lý Hawking. Ảnh: Metro |
Theo Tech Times, phát hiện về hành tinh giống Trái Đất có thể tồn tại sự sống Proxima b trong hệ sao Alpha Centauri đang thúc đẩy tỷ phú người Nga Yuri Milner và nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking thay đổi dự án Breakthrough Starshot nhằm thăm dò hành tinh mới bằng thiết bị siêu nhỏ.
Hồi tháng 4 năm nay, tỷ phú Milner tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 100 triệu USD cho dự án du hành vũ trụ "Breakthrough Starshot" với sự ủng hộ của "ông hoàng vật lý" Hawking. Mục tiêu của họ ở thời điểm đó là phóng tàu vũ trụ siêu nhỏ với tốc độ bằng 20% vận tốc ánh sáng tới Alpha Centauri, hệ sao gần nhất cách Mặt Trời 4,37 năm ánh sáng.
Theo Abraham Loeb, chủ tịch hội đồng cố vấn dự án Breakthrough Starshot, Proxima b sẽ trở thành mục tiêu mới cho thiết bị thăm dò của họ. "Phát hiện này giúp kích hoạt dự án. Nó đem lại mục tiêu rõ ràng cho nhiệm vụ thăm dò", Loeb nói.
Tầm quan trọng của phát hiện về hành tinh gần Trái Đất nhất
Loeb cho biết thiết bị thăm dò mang tên StarChip bay tới Proxima b có kích thước chỉ bằng con tem, được trang bị camera và vài bộ lọc để chụp ảnh màu. Camera sẽ giúp chỉ ra hành tinh này có màu xanh tươi của sự sống, màu xanh dương của nước lỏng hay chỉ có màu nâu của đất đá khô cằn.
Thiết bị thăm dò vũ trụ siêu nhỏ StarChip sẽ bay đến Proxima b nhờ hệ thống đẩy laser. Ảnh: Science Alert. |
Nhóm thực hiện dự án hy vọng có thể phóng StarChip trong vòng hai hoặc ba thập kỷ tới và đến Proxima Centauri sau 20 năm. Những bức ảnh chụp bởi tàu thăm dò siêu nhỏ sẽ truyền đến Trái Đất sau 4,23 năm, bằng số năm ánh sáng từ Trái Đất đến Proxima b.
Với kế hoạch trên, Loeb và cộng sự cho rằng các thiết bị StarChip có thể chụp ảnh Proxima b vào năm 2060. Mỗi thiết bị StarChip chế tạo từ silicon sẽ mang theo camera, nguồn điện, động cơ đẩy photon, thiết bị liên lạc và định vị.
Mô hình hệ thống đẩy thiết bị StarChip bằng tia laser công suất lớn. Ảnh: Science |
Thiết bị thăm dò vũ trụ siêu nhỏ là phương tiện lý tưởng để du hành tới những hệ sao như Alpha Centauri bởi vì loại tàu thông thường phải mất tới 20.000 năm để đi tới đích, còn StarChip có thể hoàn thành hành trình chỉ trong 20 năm.
Trước khi dự án trở thành hiện thực, nhóm nghiên cứu cần hoàn thiện thiết kế hệ thống đẩy StarChip bằng laser và mất khoảng 5-10 năm để xác định liệu hệ thống này có khả thi hay không.
Xem thêm: Hành trình quanh hệ sao của 'bản sao Trái Đất'
Phương Hoa
bản sao Trái Đất, tàu thăm dò, du hành vũ trụ, Proxima b, sự sống, hành tinh, tỷ phú Nga, Stephen Hawking