Các nhà khoa học quốc tế phát hiện một hành tinh đá có thể là nơi sinh sống của người ngoài hành tinh và chỉ cách Trái Đất 4 năm ánh sáng.
Proxima b ở cách Trái Đất chỉ 4 năm ánh sáng. Ảnh: Youtube. |
Theo The Independent, hành tinh mới tìm thấy tên Proxima b chỉ lớn hơn Trái Đất đôi chút và quay quanh ngôi sao gần hệ Mặt Trời nhất là Proxima Centauri. Hành tinh này quy tụ những điều kiện gần như hoàn hảo để sự sống ngoài hành tinh phát triển. Proxima b là hành tinh có thể tồn tại sự sống dễ nghiên cứu và tìm hiểu nhất từ trước tới nay do nằm gần Trái Đất.
Với khoảng cách 4 năm ánh sáng, các thế hệ tàu vũ trụ trong tương lai có thể mang robot thăm dò tới Proxima b. Đây cũng có thể là điểm đến mới cho những du khách từ Trái Đất.
Các nhà khoa học hy vọng có thể khám phá Proxima b nhiều hơn và tìm ra sự sống. Proxima b ở gần ngôi sao mẹ hơn 5% so với Trái Đất và chỉ mất 11,2 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo. Nhưng do Proxima Centauri mờ hơn nhiều so với Mặt Trời, hành tinh vẫn nằm trong khu vực cho phép nước lỏng tồn tại trên bề mặt và do đó có điều kiện phù hợp hỗ trợ sự sống phát triển.
Xem đồ họa mô phỏng hành tinh Proxima b
Tuy nhiên, Proxima b hứng chịu những tia cực tím và tia X cực mạnh phát ra từ ngôi sao mẹ, khiến môi trường sống trên hành tinh này chứa đầy phóng xạ.
Các nhà khoa học vẫn không dám chắc những hành tinh như Proxima b thể trở thành nơi sinh sống hay không do tồn tại nhiều tranh cãi về khả năng duy trì bầu khí quyển và nước lỏng của chúng. Họ cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn bầu khí quyển của hành tinh này.
Proxima b được phát hiện thông qua dữ liệu về hiệu ứng Doppler do các kính viễn vọng của Cơ quan nghiên cứu vũ trụ châu Âu ở Nam bán cầu thu thập từ năm 2000 đến 2014 và 2016, theo kết quả nghiên cứu công bố hôm qua trên tạp chí Nature. Dữ liệu Doppler cho phép các nhà khoa học nghiên cứu những chuyển động cực nhỏ xung quanh ngôi sao mẹ, kết quả từ trọng lực của hành tinh quay quanh quỹ đạo.
Để rút ra kết luận về hành tinh mới, hơn 30 nhà nghiên cứu từ nhiều viện và quốc gia khác nhau phải phân tích dữ liệu trong suốt nhiều năm.
"Thành công trong việc tìm ra địa cầu gần nhất bên ngoài hệ Mặt Trời là thành tựu trọn đời, kết quả của niềm đam mê và cống hiến của nhiều nhà nghiên cứu quốc tế. Chúng tôi hy vọng phát hiện sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai. Bước tiếp theo sẽ là tìm kiếm sự sống trên Proxima b", tiến sĩ Guillem Anglada-Escude ở Đại học Queen Mary tại London, Anh, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, chia sẻ.
"Nếu nghiên cứu sâu hơn xác nhận khí quyển hành tinh phù hợp để phát triển sự sống, đây có thể là một trong những phát hiện quan trọng nhất mà chúng tôi từng đạt được. Proxima Centauri tồn tại với thời gian lâu hơn gấp hàng trăm hoặc hàng nghìn lần Mặt Trời. Sự sống trên Proxima có thể tiến hóa sau khi Mặt Trời chết từ lâu", tiến sĩ John Barnes ở Đại học Open, Anh, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Xem thêm: 20 hành tinh giống Trái Đất có thể tồn tại sự sống
Phương Hoa
Trái Đất thứ hai, hành tinh, sự sống, ngôi sao mẹ, hệ Mặt Trời, nước lỏng, phóng xạ, tia cực tím, tia X