Các nhà khảo cổ học tìm thấy công trình bằng đá bí ẩn thuộc hàng lâu đời nhất ở Scotland bên dưới tàn tích của một bãi rác thời Đồ đá mới.
Công trình đá cự thạch bí ẩn nhìn từ trên cao. Ảnh: James Robertson. |
BBC hôm 22/4 đưa tin, một nhóm chuyên gia khảo cổ phát hiện những phiến đá khổng lồ dài hơn 4 m trong khi khai quật bãi rác thời Đồ đá ở hồ Brodgar tại Orkney, Scotland. Các phiến đá thuộc phần tường của một công trình cao 10 m, có thể ra đời cách đây 5.400 năm.
Theo nhóm chuyên gia, những phiến đá thẳng (orthostats) với phần mép tròn được dùng để ốp tường bên trong công trình cổ đại và có nguồn gốc từ một vòng tròn đá bị tháo dỡ.
"Chúng tôi chưa từng gặp khối cự thạch nào có kích thước lớn đến vậy ở khu vực này. Cách sử dụng phiến đá để dựng công trình cũng khác biệt. Điều này chỉ ra chúng có thể được tái sử dụng và đưa đến từ nơi khác. Có thể chúng nằm trong một vòng tròn đá ra đời trước công trình tìm thấy trên hồ. Tất cả vẫn là một bí ẩn", Nick Card, nhà khảo cổ học đến từ Đại học Cao nguyên và Quần đảo ở Inverness, Scotland, cho biết.
Bãi rác cổ đại ở hồ Brodgar là một trong những bãi rác thời Đồ đá mới lớn nhất ở miền bắc Scotland, phục vụ cộng đồng dân cư ở khu vực gần đó.
Card và đồng nghiệp tin chắc công trình cự thạch họ tìm thấy ra đời sớm nhất trong vùng. Tường ngoài của công trình nhiều khả năng dựng từ những khối đá lớn xếp cẩn thận còn mặt trong xây thô sơ hơn. Một khối đá được đặt nằm nghiêng để chống đỡ cho các phiến đá thẳng và khiến chúng áp sát vào tường.
Các nhà khảo cổ vẫn đang khai quật nên chưa thể đánh giá chính xác quy mô công trình. Đây có thể là một khu mộ nhiều phòng chứa hoặc có vai trò đặc biệt về mặt tín ngưỡng. Tuy nhiên, lý do công trình bị vùi dưới bãi rác rất khó hiểu. "Chúng tôi không thể biết rõ khi chưa khai quật nhiều hơn", Card nói.
Xem thêm: Những công trình nhân tạo sâu nhất thế giới
Phương Hoa
khảo cổ, khai quật, công trình đá cự thạch, bãi rác, thời Đồ đá, cự thạch, bí ẩn