Khoa học

Cá 'ăn tinh hoàn' xuất hiện ở Mỹ

Nhiều người đi câu bắt được cá pacu, loài cá có hàm răng giống người được mệnh danh là "cá ăn tinh hoàn" tại các hồ thuộc bang Michigan, Mỹ.

ca-an-tinh-hoan-xuat-hien-o-my

Loài cá pacu bụng đỏ có răng giống người là loài bản địa ở vùng rừng Amazon. Ảnh: Nisamanee wanmoon/Wikipedia.

Theo xác nhận từ Sở Tài nguyên bang Michigan, cá pacu bụng đỏ có nguồn gốc từ vùng Nam Mỹ. "Pacu bụng đỏ có tên khoa học Piaractus brachypomus, là một loài cá cảnh được ưa chuộng và nhập khẩu từ Nam Mỹ", đại diện sở này cho biết. 

Cũng theo Sở Tài nguyên, hàm răng giống người của cá pacu được dùng để nghiền nát các loại hạt cây. Đôi hàm chắc khỏe với những chiếc răng to và sở thích ăn hạt cây có thể là nguyên nhân khiến cá pacu được mệnh danh là "cá ăn tinh hoàn".

Nhà chức trách Mỹ xác nhận hai con pacu đã được câu lên từ hồ St. Clair và một con từ khu vực Port Huron ở Michigan trong tháng 7 vừa qua. Họ cho rằng chúng có thể được người nuôi thả ra hồ. 

"Thả vật nuôi không phải hành động nhân đạo. Thú nuôi được thả từ môi trường nuôi nhốt chưa sẵn sàng chống lại các loại động vật săn mồi và có thể không có khả năng kiếm ăn hay tìm nơi trú ẩn. Những cá thể sống thành công trong môi trường hoang dã có thể lây truyền bệnh lạ cho loài bản địa. Trong trường hợp xấu nhất, vật nuôi được thả sẽ sinh sản và phát triển mạnh, làm mất cân bằng hệ sinh thái", Nick Popoff, trưởng bộ phận Kiểm soát các loài thủy sinh của Sở Tài nguyên cho biết.

Cá pacu không phải loài xâm lấn ở Michigan vì chúng rất khó sống qua mùa đông giá rét tại đây.

Xem thêm: Cá ăn tinh hoàn lạc từ sông Amazon đến California

Phương Chu

VNExpress

cá pacu, cá ăn tinh hoàn, rừng Amazon, loài bản địa, môi trường hoang dã, vật nuôi, loài xâm lấn


      © 2021 FAP
        534,414       465