Khoa học

Lý do 'xe buýt bay' của Trung Quốc khó thành hiện thực

Dù đã tiến hành chạy thử nghiệm, mẫu "xe buýt bay" của Trung Quốc vẫn cần vượt qua một số rào cản trước khi có thể thay thế hoàn toàn xe buýt thông thường.

ly-do-xe-buyt-bay-cua-trung-quoc-kho-thanh-hien-thuc

Mô hình Xe buýt di chuyển trên cao (TEB) tại Hội chợ công nghệ cao quốc tế lần thứ 19 ở Bắc Kinh hôm 20. Ảnh: Visual China Group.

Theo Xinhua, cuộc chạy thử Xe buýt di chuyển trên cao (TEB) do một công ty Trung Quốc chế tạo diễn ra ở thành phố Tần Hoàng Đảo, Hà Bắc, vào sáng 2/8. Chiếc xa buýt dài 21 m, rộng 7,8 m và cao 4,8 m. Mỗi khoang có thể chở tới 400 người và 4 khoang có thể nối liền nhau giống như một chiếc tàu hỏa. Chiếc xe buýt chạy bằng điện và mỗi xe 4 khoang có thể thay thế 40 xe buýt thông thường, giúp giảm 882 tấn nhiên liệu tiêu thụ mỗi năm.

Với 1,35 tỷ dân, Trung Quốc thường phải đối phó với tình trạng tắc nghẽn giao thông ở 50 làn xe và ô nhiễm ở mức báo động đỏ. Thiết kế dạng chân giúp chiếc xe buýt di chuyển phía trên đầu xe ôtô, góp phần giải quyết tắc nghẽn giao thông. Tuy nhiên, một số vấn đề có thể ngăn mẫu xe buýt độc đáo này phổ biến biến rộng rãi trong thực tế.

Khoảng trống gầm xe

Dù cao gần 4,9 m, khoảng trống gầm xe của chiếc xe buýt chỉ ở mức 2,1 m. Một chiếc ôtô thể  thao đa dụng (SUV) hoàn toàn có thể bị mắc vào gầm xe. Khoảng trống gầm xe tiêu chuẩn cho xe tải kéo rơ-moóc ở Mỹ là 4,1 m. Ngoài ra, mẫu xe buýt trong cuộc thử nghiệm chạy trên hai làn, di chuyển dọc đường ray bên dưới mặt đường. Nếu sơ sảy, lái xe ôtô rất dễ gặp tai nạn khi lái ngay cạnh hoặc bên dưới xe buýt.

Cảnh báo người đi ôtô

Các kỹ sư cần tìm cách thức thuận tiện để xe ôtô chạy qua và thoát ra khỏi làn xe buýt. Trong thực tế, các lái xe liên tục lấn làn, đổi làn và đi vượt xe phía trước. TEB cũng cần phát tín hiệu cảnh báo rõ ràng cho lái xe biết họ đang đi bên dưới xe buýt.

Sạc điện

TEB có kích thước lớn và chạy bằng điện. Các kỹ sư thiết kế sẽ cần giải quyết vấn đề sạc điện. Theo ý tưởng thiết kế trước đây, xe buýt dạng chân trang bị những tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng nguồn năng lượng này không cho phép chiếc xe chạy ở 64 km/h.

ly-do-xe-buyt-bay-cua-trung-quoc-kho-thanh-hien-thuc-1

Xe buýt TEB trong cuộc chạy thử nghiệm hôm 2/8. Ảnh: Visual China Group.

Do đó, chiếc xe có thể cần áp dụng cách sạc nối tiếp, tích lũy đủ lượng điện ở mỗi trạm để chạy tới điểm dừng tiếp theo. Nhưng nếu chiếc xe gặp sự cố, ít nhất 300 hành khách sẽ bị mắc kẹt giữa đường cao tốc ở độ cao 4,8 m.

Bảo dưỡng

Chiều cao của xe cũng kéo theo một vấn đề khác là bảo dưỡng. Chính phủ Mỹ quy định bất kỳ ai làm việc với công trình cao hơn 1,2 mét đều phải dùng bộ dây đai an toàn. "Nếu không có dây đai an toàn, bạn có thể rơi xuống đất và thiệt mạng", Lance Watt, kỹ sư xe tải hạng nặng và xe buýt, cho biết.

Video mô phỏng thiết kế và hoạt động của xe buýt TEB

Nếu phần nóc xe bị hỏng hóc, công tác sửa chữa rất khó khăn. Ngoài ra, xe quá cao khiến các kỹ sư phải cân nhắc kỹ khi sắp xếp vị trí hợp lý để đặt cốp xe.

Giá thành

Xe buýt dạng chân có giá thành không hề rẻ. Vào tháng 5, công ty Transit Explore Bus, đơn vị đưa ra ý tưởng chế tạo TEB, cho biết chi phí của mỗi chiếc xe là 4,5 triệu USD, bằng mức giá của hơn 11 chiếc xe buýt không thải khí.

Tên gọi

Do chạy trên đường ray, xe buýt dạng chân thực sự không phải là xe buýt mà là một dạng tàu hỏa.

Xem thêm: Trung Quốc thử nghiệm xe buýt 'bay'

Phương Hoa

VNExpress

xe buýt dạng chân, xe buýt di chuyển trên cao, xe chạy điện, thử nghiệm, sạc điện, bảo dưỡng, giá thành, tắc nghẽn giao thông


      © 2021 FAP
        510,355       288