Dù to lớn hơn con người rất nhiều, loài voi lại có tỷ lệ mắc bệnh ung thư thấp hơn hẳn nhờ sở hữu số lượng gene TP53 nhiều hơn.
Voi là động vật hiếm khi mắc bệnh ung thư. Ảnh: Wikipedia. |
Theo Washington Post, tỷ lệ voi chết do mắc bệnh ung thư khoảng 4,8%, trong khi tỷ lệ này ở con người lên tới 11-25%. Đây là điều khá kỳ lạ vì voi có số lượng tế bào gấp 100 lần con người, trong khi hai loài có tuổi thọ trung bình tương đương, khoảng 70 năm. Thông thường, càng nhiều tế bào thì khả năng các tế bào biến đổi và chuyển thành ác tính càng cao, nghĩa là voi phải có tỷ lệ mắc ung thư cao hơn con người. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
Nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học tự hỏi tại sao voi và động vật có vú lớn khó mắc ung thư hơn so với động vật có vú nhỏ. Câu hỏi trên còn được gọi là "nghịch lý của Peto".
Trong bài báo đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ cuối tháng 7, nhóm nghiên cứu đứng đầu là Joshua Schiffman, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Viện Ung thư Huntsman, Mỹ, chỉ ra những con voi châu Phi có 20 bản sao (40 alen) của gene TP53. TP53 tạo ra một loại protein có khả năng ngăn chặn các khối u. Con người chỉ có một bản sao (2 alen) của gene này. Các nhà khoa học gọi TP53 là "vệ sĩ của bộ gene".
Trong số 20 bản sao gene TP53, 19 gene trong số đó là retrogene (ADN tạo ra từ ARN nhờ quá trình sao chép ngược). Các gene bổ sung này được chọn lọc thông qua quá trình tiến hóa của voi nhằm chống lại ung thư.
Để tìm hiểu cách thức gene TP53 hoạt động, nhóm nghiên cứu thu thập tế bào máu trắng (bạch cầu) từ voi và người. Sau đó, họ cho tế bào bạch cầu tiếp xúc với tia bức xạ, khiến chuỗi xoắn kép ADN bị phá vỡ.
Nhóm nghiên cứu dự đoán, tế bào voi chứa nhiều gene TP53 có khả năng tự sửa chữa nhanh hơn so với tế bào người sau khi chiếu tia bức xạ. Nhưng kết quả thu được hoàn toàn khác. Số lượng tế bào voi chết đi chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với tế bào người. Gene TP53 khiến các tế bào đột biến tự tiêu hủy, không cho phép chúng kịp biến đổi thành tế bào ung thư.
"Nếu tiêu diệt các tế bào hỏng, chúng sẽ biến mất và không thể trở thành tế bào ung thư. Đây có thể là cách tiếp cận hiệu quả để chống ung thư thay vì cố gắng ngăn chặn một tế bào đột biến từ quá trình phân chia tế bào và không thể tự sửa chữa", Schiffman cho biết.
Xem thêm: Voi nhỏ chiến đấu giữa vòng vây của 14 con sư tử
Lê Hùng
voi, ung thư, gene, tế bào, đột biến, tỷ lệ mắc bệnh ung thư, voi châu Phi, động vật có vú, khối u, protein