Một giai đoạn sống mang tên "vòng xoáy tử thần" kéo dài ngay trước khi cuộc đời kết thúc có thể cung cấp chỉ báo về thời điểm cái chết đến gần.
Vòng xoáy tử thần có nhiều dấu hiệu dự báo khác nhau. Ảnh: lassedesignen. |
Các nhà sinh học chia cuộc sống thành ba giai đoạn: phát triển, lão hóa và cuối đời. Nhưng một số nhà nghiên cho rằng có một giai đoạn thứ tư ngay trước khi cuộc đời kết thúc và đặt tên nó là "vòng xoáy tử thần".
Dù hầu hết nghiên cứu về "vòng xoáy tử thần" đều tập trung vào mẫu vật là ruồi giấm, các nhà khoa học cho rằng những nghiên cứu này có thể cung cấp hiểu biết quý giá về giai đoạn cuối cùng của cuộc đời con người.
"Chúng tôi tin rằng đây là một phần của quá trình chết được lập trình sẵn bởi di truyền", Live Science dẫn lời Laurence Mueller, trưởng khoa Sinh thái học và Tiến hóa Sinh học tại Đại học California ở Irvine, Mỹ.
Theo xem xét của Mueller và đồng nghiệp công bố hồi đầu năm trên tạp chí Biogerontology, một số nghiên cứu trên ruồi giấm cho thấy giai đoạn vòng xoáy tử thần có thể được nhận biết qua sự sụt giảm tỷ lệ sinh sản.
Ví dụ, trong một báo cáo đăng trên tạp chí Gerontology năm 2015, các nhà nghiên cứu nhận thấy ngày ruồi cái ngừng đẻ trứng là một yếu tố quan trọng dự báo cái chết. Các chỉ số về khả năng sinh sản bắt đầu giảm khoảng 10 ngày trước khi ruồi giấm cái ngừng đẻ trứng. Nhóm nghiên cứu cho rằng bất cứ điều gì dẫn tới cái chết của ruồi cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong những ngày cuối đời của chúng.
Trong báo cáo mới, Mueller nhận định thời gian suy giảm này phù hợp với ước tính trước đó về thời lượng diễn ra vòng xoáy tử thần. So với tuổi thọ trung bình của ruồi giấm, 10 ngày chính là 1/3 vòng đời của chúng. Nghiên cứu từ năm 2002 trên ruồi giấm Địa Trung Hải (medfly) cho thấy 97% ruồi đực bắt đầu nằm ngửa bụng khoảng 16 ngày trước khi chết.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học quan sát ruồi giấm, giun tròn và cá ngựa vằn để xem ruột của chúng có biểu hiện tăng rò rỉ dịch (tính thấm) trước khi chết hay không. Các nhà nghiên cứu thử nghiệm bằng cách cho thuốc nhuộm vào thức ăn của chúng.
Nếu tính thấm tăng, thuốc nhuộm sẽ bị rò rỉ vào cơ thể động vật và cơ thể chúng sẽ thay đổi màu sắc như màu xanh dương đối với ruồi, cá và màu xanh huỳnh quang đối với giun tròn. Nghiên cứu công bố hôm 22/3 trên tạp chí Scientific Reports kết luận sự rò rỉ dịch ruột này là dấu hiệu của cái chết cận kề đối với cả ba loài.
Nhiều học giả hy vọng nghiên cứu vòng xoáy tử thần ở ruồi giấm và các sinh vật khác có thể cho biết nhiều hơn về sự suy yếu trước khi chết của con người trong tương lai.
Trong báo cáo tổng hợp, Mueller và đồng nghiệp trích dẫn một nghiên cứu từ năm 2008 được công bố trong Tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Quốc gia (Proceedings of the National Academy of Sciences), đưa ra bằng chứng về vòng xoáy tử thần đối với con người. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu thu thập được về khả năng thể chất và nhận thức của 2.262 người Đan Mạch trong độ tuổi 92-100 từ năm 1998 đến 2005.
Họ nhận thấy điểm đánh giá thể chất và nhận thức của các cá nhân chết trong vòng hai năm đầu tiến hành nghiên cứu thấp hơn đáng kể so với điểm số của những người còn sống tới năm 2005. Các đánh giá bao gồm đo sức nắm của tay, khả năng hoàn thành hoạt động hàng ngày (như sử dụng nhà vệ sinh và ăn uống) và các bài kiểm tra giúp đánh giá suy giảm nhận thức.
Theo Mueller, vòng xoáy tử thần ở người về cơ bản có thể là lý do chúng ta thường thấy sự gia tăng rõ rệt các hạn chế về thể chất ngay trước khi người nào đó chết. Do nghiên cứu trên con người gây nhiều tranh cãi vì lý do đạo đức và sinh học, nghiên cứu vòng xoáy tử thần ở các sinh vật khác có thể mở ra nhiều gợi ý.
Theo Mueller, bước tiếp theo trong nghiên cứu này có thể là nhân giống ruồi một cách có chọn lọc để tạo ra các nhóm đối tượng trải qua vòng xoáy tử thần với thời lượng khác nhau.
"Sau khi tạo ra các quần thể mang gene khác nhau theo cách đó, bạn có thể tìm hiểu những gene nào cần thay đổi để giảm thời lượng của vòng xoáy tử thần", Mueller nói. Dựa trên hiểu biết đó, các nhà nghiên cứu có thể tìm trong hệ gene của con người các dấu hiệu di truyền tương tự, do con người có hệ gene tương đối giống ruồi giấm. Theo yourgenome.com, 75% gene gây bệnh ở con người cũng có mặt ở ruồi giấm.
Mueller cho biết mục đích nghiên cứu không phải là ngăn chặn hoặc thậm chí trì hoãn cái chết. Thay vào đó, ông coi nó như là một cách để cải thiện chất lượng cuộc sống của con người lúc cuối đời, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
"Cho dù chúng tôi không thể thay đổi thời điểm bạn chết, chúng tôi muốn bạn có thể sống bình thường cho đến những giây phút cuối cùng", Mueller chia sẻ.
Xem thêm: Những phát hiện bất ngờ về cái chết
Phương Chu
cái chết, gene, ruồi giấm, sinh sản, tử vong, khuyết tật, nhân giống, di truyền, lão hóa