Khoa học

Sản xuất nhiên liệu hydro từ cỏ

Các nhà khoa học Anh tạo ra nhiên liệu hydro từ cỏ bằng cách sử dụng ánh sáng Mặt Trời và một chất xúc tác giá rẻ.

san-xuat-nhien-lieu-hydro-tu-co

Cỏ đuôi trâu (fescue grass). Ảnh: Ralff Somoff.

Theo Tech Insider, kể từ khi nhận ra tác động tiêu cực đối với môi trường khi sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch trên Trái Đất, con người chú trọng hơn tới việc tìm kiếm những nguồn năng lượng tái tạo mới và hiệu quả hơn.

Các nhà khoa học tại Đại học Cardiff, Anh, phát hiện cỏ là nguồn tài nguyên đơn giản và đáng ngạc nhiên để sản xuất nhiên liệu hydro. Cụ thể trong nghiên cứu là cỏ đuôi trâu (fescue grass), loại cỏ có khả năng chịu bóng râm cũng như thời tiết lạnh. Kết quả được công bố trên tạp chí Royal Society hôm 20/7.

Hydro (H2) không phải loại khí nhà kính giống như carbon dioxide (CO2) khiến nó trở thành lựa chọn phù hợp để phát triển năng lượng bền vững. Giới khoa học từ lâu đã tìm kiếm phương pháp đơn và rẻ tiền để chế tạo nhiên liệu hydro nhưng chưa thành công.

Nhóm nghiên cứu sử dụng ánh sáng Mặt Trời để kích hoạt chất xúc tác niken (Ni), từ đó chuyển đổi cellulose có trong cỏ đuôi trâu và nước thành hydro. Cellulose là chuỗi dài của đường trong thành tế bào thực vật khiến chúng trở nên vững chắc hơn.

"Hydro thực sự là một nguồn năng lượng xanh. Đây là nhiên liệu quan trọng trong tương lai khi thế giới chuyển đổi từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nguồn năng lượng tái tạo. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng ngay cả cỏ ngoài vườn cũng có thể dùng để tạo ra hydro", Michael Bowker, đồng tác giả nghiên cứu tại Viện Xúc tác Cardiff, nói.

Các nhà khoa học cũng thử nghiệm nhiều chất xúc tác khác như palladium và vàng, nhưng niken được đánh giá là mang lại hiệu quả và chi phí tốt nhất.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), hydro có thể sử dụng làm nhiên liệu cho nhiều thứ bao gồm: máy tính xách tay, điện thoại di động và xe hơi. Hiện nay, nước Mỹ có khoảng 500 chiếc xe hơi chạy bằng dòng điện tạo ra từ nhiên liệu hydro.

Lê Hùng

VNExpress

nhiên liệu hydro, cỏ đuôi trâu, ánh sáng Mặt Trời, chất xúc tác, đại học Cardiff, Anh


      © 2021 FAP
        511,242       392