Khoa học

Bên trong căn cứ nghiên cứu vũ khí bí mật của Anh

Porton Down, căn cứ nghiên cứu quân sự bí mật gây tranh cãi nhất của Anh, là nơi tiến hành nhiều dự án thử nghiệm vô cùng đáng sợ.

ben-trong-can-cu-nghien-cuu-vu-khi-bi-mat-cua-anh

Mặt nạ phòng độc do Porton Down phát triển. Ảnh: BBC.

Porton Down còn có tên gọi là Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng. Hàng năm, căn cứ này được cấp ngân sách hoạt động 664 triệu USD và quy tụ hơn 3.000 nhà khoa học làm việc. Nó là nơi cơ sở nghiên cứu khoa học gây nhiều tranh cãi, hiểu lầm nhất và thậm chí bị đánh giá là đáng sợ nhất ở Anh.

Bao phủ diện tích hơn 28 km2 ở vùng đồng quê nước Anh, Porton Down ra đời cách đây 100 năm nhằm đối phó với các cuộc tấn công bằng hơi độc của quân đội Đức trong Thế chiến I. Loại hơi độc đầu tiên được sử dụng để tấn công các binh sĩ Anh là khí clo. Hàng nghìn binh lính phải chịu những vết bỏng nặng do hóa chất gây ra hoặc chết trong đau đớn mà không biết rõ nguyên nhân. Sau đó, cả khí mù tạt và khí photgen cũng được quân đội Đức sử dụng.

Ngài Kitchener, Bộ trưởng Quốc phòng Anh khi đó, yêu cầu có biện pháp ứng phó ngay lập tức. Kết quả là Porton Down được thành lập. Các nhà khoa học tại đây nhanh chóng chế tạo mặt nạ phòng độc và bắt đầu thử nghiệm những cách tấn công bằng hơi độc tương tự để trả đũa quân Đức. Hàng trăm nghìn binh sĩ và dân thường thiệt mạng hoặc bị thương trong chiến lược đáp trả này. Đây cũng là một trong những lý do khiến Thế chiến I đôi khi được gọi là "cuộc chiến hoá học".

ben-trong-can-cu-nghien-cuu-vu-khi-bi-mat-cua-anh-1

Những nghiên cứu tại Porton Down hướng đến bảo vệ binh sĩ và thường dân Anh khỏi các cuộc tấn công. Ảnh: Alamy.

Lo sợ trước hậu quả, các cường quốc hàng đầu thế giới ký kết Nghị định thư Geneva năm 1925 với mục đích cấm sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh, nhưng không hạn chế phát triển chúng.

Vào những năm 1950, trong Chiến tranh Lạnh, các nhà khoa học tại Porton Down phát triển hai tác nhân hóa học mới. Ngày nay, một trong hai tác nhân đó đôi khi vẫn được sử dụng làm vũ khí. Mang tên khí CS (lấy theo tên người phát minh ra nó), loại khí này thường được biết đến nhiều hơn với tên gọi "hơi cay".

Hơi cay là không phải là vũ khí sát thương. Nó được sử dụng để kiểm soát đám đông tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, ở Anh, những người duy nhất buộc phải tiếp xúc với nó là binh lính, và đây là một phần trong chương trình huấn luyện của họ.

ben-trong-can-cu-nghien-cuu-vu-khi-bi-mat-cua-anh-2

Thế chiến I đôi khi được gọi là "cuộc chiến tranh hoá học". Ảnh: Huw Evans.

Khí CS không quá nguy hiểm, nhưng một tác nhân hóa học khác phát triển tại Porton Down trong thập niên 1950 thì khác. Đó là chất độc thần kinh mang tên Venomous Agent X hoặc VX. Giống như các chất độc thần kinh khác như sarin (được phát triển lần đầu bởi người Đức trong thập niên 1930), việc tiếp xúc với VX trong thời gian ngắn có thể nhanh chóng dẫn tới co giật, tê liệt và tử vong.

Tại các phòng thí nghiệm được bảo mật nhất ở Porton Down, các tác nhân hóa học như VX và khí mù tạt vẫn được sản xuất để kiểm tra độ an toàn của các thiết bị quân sự. Những vũ khí hóa học này vẫn đang được sử dụng, đặc biệt là trong các cuộc xung đột tại Trung Đông.

ben-trong-can-cu-nghien-cuu-vu-khi-bi-mat-cua-anh-3

Toàn cảnh căn cứ nghiên cứu quân sự Porton Down. Ảnh: DSTL.

Ngày nay, nhiệm vụ chủ yếu của Porton Down là nghiên cứu thay vì phục vụ chiến tranh. Trong một dự án, các nhà khoa học tại đây hợp tác với chuyên gia ở Đại học Birmingham để chế tạo một thiết bị có thể phát hiện những biến động rất nhỏ của lực hấp dẫn, với hy vọng nó giúp họ nhìn xuyên qua tường và sâu dưới lòng đất.

Một nghiên cứu khác có khả năng ứng dụng lớn hơn là sử dụng "sinh học tổng hợp" để tạo ra áo giáp với trọng lượng nhẹ và linh hoạt hơn nhưng vẫn chống được đạn. Ý tưởng đằng sau dự án này là thông qua nghiên cứu cách động vật tạo ra lớp vỏ bảo vệ, chúng ta có thể tạo ra các loại áo giáp ceramic.

Ngoài ra, các nhà khoa học ở Porton Down còn nghiên cứu mối đe dọa từ vũ khí sinh học, chẳng hạn như các loại "bom bẩn" chứa tác nhân gây bệnh như virus Ebola, với tỷ lệ tử vong lên đến 90%.

Xem thêm: Bên trong những cơ sở đông lạnh xác chờ hồi sinh

Phương Chu

VNExpress

căn cứ nghiên cứu, quân sự, mặt nạ phòng độc, hơi cay, virus Ebola, bom bẩn, vũ khí sinh học, Thế chiến I


      © 2021 FAP
        531,844       486