Bầu khí quyển của sao Hỏa trong quá khứ có thể chứa hàm lượng khí oxy cao tương tự như Trái Đất ngày nay, giúp hành tinh trở thành môi trường phù hợp cho sự sống phát triển.
Robot tự hành Curiosity phát hiện hàm lượng cao của mangan oxit có trong đá sao Hỏa. Ảnh: NASA. |
Nhà khoa học Nina Lanza đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, Mỹ, sử dụng công cụ Hóa học và Máy ảnh (ChemCam) trên robot tự hành Curiosity của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) để bắn chùm tia laser vào đá trên sao Hỏa. Mục đích của họ là phân tích cấu trúc và thành phần hóa học của lớp đá này.
Theo International Business Times, các nhà nghiên cứu phát hiện hàm lượng mangan oxit cao trong những vết nứt sa thạch chứa đầy khoáng vật tại miệng hố Gale của sao Hỏa. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters hôm 27/6.
"Cách duy nhất để hình thành mangan oxit trên Trái Đất có liên quan đến oxy trong khí quyển hoặc vi khuẩn. Bây giờ chúng tôi phát hiện thấy mangan oxit trên sao Hỏa, và chúng tôi tự hỏi làm thế nào hợp chất này có thể hình thành", Lanza cho biết.
Nhóm nhiên cứu cho rằng sự xuất hiện của vi khuẩn trên sao Hỏa rất khó xảy ra, và họ tập trung vào trường hợp nhiều khả năng hơn là oxy trong khí quyển.
"Những vật liệu giàu mangan không thể hình thành nếu thiếu nước lỏng và điều kiện oxy hóa mạnh mẽ", Lanza nói. "Bề mặt Trái Đất chứa rất nhiều nước, nhưng nó không có nhiều mangan oxit cho đến khi nồng độ oxy trong khí quyển tăng lên".
Sự hiện diện của mangan oxit cho thấy hàm lượng oxy trên sao Hỏa cao hơn tại một số thời điểm trong quá khứ, trước khi sụt giảm xuống mức như hiện nay. Sao Hỏa từng có các đại dương và hồ nước trên bề mặt. Các nhà khoa học tin rằng, oxy có thể được giải phóng vào khí quyển do sự phân tách của nước đại dương và hồ chứa khi sao Hỏa mất từ trường.
Nếu không có từ trường, bức xạ Mặt Trời phân tách nước thành hydro và oxy. Sao Hỏa có trọng lực thấp nên đánh mất dần hydro vào vũ trụ do nó rất nhẹ. Oxy nặng hơn nên vẫn lưu lại trong khí quyển trong thời gian đủ để phản ứng với các nguyên tử khác tạo thành hợp chất ổn định như mangan oxit.
Xem thêm: 'Người phụ nữ' nấp sau tảng đá trên sao Hỏa
Lê Hùng
sao Hỏa, khí quyển, oxy, đại dương, sự sống, vi khuẩn, NASA, robot tự hành