Các nhà khoa học phát hiện một loài rết độc dài tới 20 cm ở Thái Lan, có khả năng bơi dưới nước khi cần chạy trốn.
Rết Scolopendra cataracta thường sống ở lòng sông hoặc suối. Ảnh: ZooKey. |
Theo International Business Times, con rết được tìm thấy lần đầu tiên ở Thái Lan năm 2001 bởi một nhà côn trùng học đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, Anh. Nó ẩn mình dưới tảng đá bên dòng suối và bơi dưới nước để thoát thân khi bị phát hiện.
Các nhà khoa học xếp con rết vào nhóm Scolopendra, một họ rết sinh sống ở nhiều nước phía nam châu Á, bao gồm Lào và Việt Nam. Dù phát hiện cách đây 15 năm, họ mới mô tả con rết trên tạp chí ZooKey số tháng 5/2016 do giới nghiên cứu từng nghi ngờ cách phân loại này trong suốt nhiều năm.
Trong khi nhiều đồng loại sống ở môi trường khô ráo, loài rết mới phát triển tốt tại những dòng sông và suối. Tuy nhiên, quan sát hình thái học và phân tích ADN xác nhận con rết thuộc họ Scolopendra. Các nhà khoa học đặt tên cho nó là Scolopendra cataracta, có nghĩa là "thác nước" trong tiếng Latinh để ghi nhận sở thích sống dưới nước của loài vật.
Tương tự các loài cùng họ, loài rết này rất độc. Vết đốt của chúng gây ra cơn đau bỏng rát lan tỏa khắp cánh tay hoặc chân. Dù cơn đau đôi khi kéo dài và có thể dẫn đến phát sốt, phần lớn nạn nhân không có nguy cơ tử vong.
Xem thêm: Rết đầu đỏ khổng lồ khiến người Mỹ xôn xao
Phương Hoa
rết, khổng lồ, độc, môi trường sống, Thái Lan, côn trùng học, loài mới, vết đốt