Khoa học

Bí ẩn chưa có lời giải quanh cuốn 'Kinh Quỷ dữ'

Kinh Quỷ dữ, bản thảo chép tay lớn nhất thời Trung Cổ, nổi tiếng với hình quỷ Satan sống động nằm ngay giữa cuốn sách.

bi-n-chua-co-loi-giai-quanh-cuon-kinh-quy-du

Hình vẽ quỷ Satan trên cuốn sách. Ảnh: ABC News.

Dù tên gọi có nghĩa "Cuốn sách khổng lồ" (Giant Book) trong tiếng Latinh, Codex Gigas thường được biết đến nhiều hơn với biệt danh "Kinh Quỷ dữ", theo News.com.au. Cuốn sách bọc da ra đời vào thế kỷ 13 này là bản thảo lớn nhất còn tồn tại từ thời Trung cổ, được lưu giữ ở hầm chứa của Thư viện Quốc gia Thụy Điển.

Dài 89 cm và rộng 49 cm, cuốn sách có kích thước bằng một trẻ nhỏ và cần tới hai người khiêng do nặng 75 kg. Bên trong những trang sách là phiên bản hoàn chỉnh của Kinh thánh Vulgate, sau này được xem như bản dịch bằng tiếng Latinh chính thức của Giáo hội Công giáo.

Bí mật về sự ra đời của cuốn sách đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận suốt hàng trăm năm. Theo truyền thuyết, cuốn sách là tác phẩm của một tu sĩ tại tu viện Benedictine ở Cộng hòa Séc. Tu sĩ này bị kết án phải sống cả đời sau những bức tường vì phá vỡ những lời thề tu hành. Trong lúc hoảng sợ và tuyệt vọng trước án phạt, ông nghĩ ra cách có thể giúp bản thân thoát chết.

Tu sĩ đề nghị viết một cuốn sách không chỉ khiến tu viện rạng danh mà còn chứa đựng tất cả tri thức nhân loại chỉ trong vòng một đêm. Lời đề nghị của ông được hội đồng xét xử chấp nhận. Tối đó, khi thời khắc nửa đêm tới gần, tu sĩ nhận ra ông không đủ sức hoàn thành cuốn sách.

Ông cúi rạp người và quỳ xuống để cầu xin. Nhưng thay vì cầu xin Chúa, tu sĩ hướng tầm nhìn xuống dưới và đề nghị thiên thần sa ngã Lucifer tức quỷ Satan giúp đỡ với thỏa thuận đổi linh hồn mình để hoàn thành cuốn sách. Quỷ Satan nghe thấy lời thỉnh cầu của tu sĩ và đồng ý giúp đỡ ông.

Tu sĩ thêm bức tranh chân dung toàn thân của quỷ Satan vào cuốn sách nhằm bày tỏ lòng biết ơn. Một phiên bản khác kể rằng quỷ Satan để lại bút tích là chân dung của chính mình trên cuốn sách. Hình vẽ chân dung ác quỷ bằng mực màu nằm ở trang 577 của cuốn sách. Sự hiện diện của hình vẽ làm mất vẻ trang trọng toát ra từ nội dung cuốn sách.

 Kinh Quỷ dữ là một cuốn bách khoa toàn thư tri thức thời Trung cổ, chứa tài liệu giảng dạy về y học và phép thuật. Trong sách có hai câu thần chú chỉ dẫn cụ thể về cách nhận biết và bắt giữ kẻ trộm, cùng với hướng dẫn cách xua đuổi ác quỷ hoặc hồn ma ở đồ vật, con người. Dưới thời Trung cổ, nhiều căn bệnh được cho là do ác quỷ chiếm giữ cơ thể và nhà thờ luôn có những nghi thức đặc biệt để đẩy linh hồn ác quỷ ra khỏi cơ thể người.

Cuốn sách cũng bao gồm nhiều bảng chữ cái cũng như phiên bản hoàn chỉnh của kinh Cựu Ước và Tân Ước. Kết quả kiểm tra cho thấy bản chép tay do một người viết. Tuy nhiên, danh tính tác giả cuốn sách vẫn còn là một bí ẩn lớn.

Xem thêm: Tường nhà thờ Trung cổ hé lộ bí ẩn vụ ám sát hoàng tử Nga

Phương Hoa

VNExpress

Bí ẩn chưa có lời giải quanh cuốn 'Kinh Quỷ dữ' - VnExpress


      © 2021 FAP
        511,406       173