Tính xác thực của tấm giấy cói cổ chỉ ra Chúa Jesus từng kết hôn trở thành đề tài gây tranh cãi gay gắt giữa các học giả từ khi được công bố vào năm 2012.
Tấm giấy cói Phúc âm về vợ Chúa Jesus nhiều khả năng là giả. Ảnh: Harvard Divinity School. |
Live Science đưa tin, Karen King, giáo sư ở Đại học Harvard, Mỹ, người phát hiện tấm giấy cói "Phúc âm về vợ Chúa Jesus" và đưa ra bằng chứng cho thấy độ xác thực của cố thư, chính thức thừa nhận vật thể nhiều khả năng là đồ giả. Theo King, chủ nhân tấm giấy cói nói dối bà về thân thế và lai lịch của ông ta.
King đưa ra phát biểu sau khi Walter Fritz, một cư dân ở North Port, Florida, tiết lộ ông là chủ nhân của tấm giấy cói khẳng định Chúa Jesus từng cưới vợ với phóng viên Ariel Sabar của tờ The Atlantic hôm 15/6. Chưa đầy một ngày sau khi bài báo được công bố, nhiều tài liệu hé lộ bản thảo tiếng Hy Lạp giả mạo do Fritz đăng trên website cá nhân và chia sẻ của vợ ông ta về việc phục dựng cuốn sách phúc âm Cơ Đốc giáo thế kỷ thứ 2.
Phúc âm về vợ Chúa Jesus chứa những cụm từ như "Jesus nói với họ rằng, 'Vợ ta...,'" và "nàng là tông đồ của ta". Giáo sư King công bố phát hiện vào tháng 9/2012 và tấm giấy cói nhanh chóng thu hút sự chú ý rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Các kiểm tra khoa học đăng trên tạp chí Harvard Theological Review tháng 4/2014 chứng thực độ tin cậy của tấm giấy cói. Tuy nhiên, một loạt nghiên cứu khác xuất bản trên tạp chí New Testament Studies vào tháng 7/2015 chỉ ra tấm giấy cói là giả và được sao chép một phần từ bản dịch lưu truyền trên mạng Internet của cuốn Phúc âm về Thomas ra đời năm 2002.
Fritz khẳng định đã mua Phúc âm về vợ Chúa Jesus cùng với nhiều tấm giấy cói khác vào năm 1999 từ người đàn ông tên Hans-Ulrich Laukamp, chủ tập đoàn American Corporation for Milling and Boreworks ở Venice, Florida.
Năm 2014, trong một cuộc phỏng vấn, con trai của Laukamp là René Ernest cho biết Laukamp không sở hữu tấm giấy cói và không quan tâm đến đồ cổ. Axel Herzsprung, một người bạn và đối tác kinh doanh của Laukamp cũng nói Laukamp không sưu tập giấy cói.
Theo điều tra của Sabar, Fritz học chương trình thạc sĩ tại Đại học Free ở Berlin, Đức, năm 1988 và bỏ học vài năm sau đó. Trước khi bỏ học, Fritz cho xuất bản một bài báo trên tạp chí Studien zur Altägyptischen Kultur năm 1991. Bài báo công bố nghiên cứu chi tiết về các lá thư ngoại giao viết trên phiến đất sét Amarna giữa pharaoh Akhenaten và các nhà lãnh đạo cổ đại khác.
Trong khi vẫn phủ nhận làm giả Phúc âm về vợ Chúa Jesus, Fritz thừa nhận ông có khả năng này. "Tôi có thể làm giả tới một mức độ nào đó. Nhưng tới mức để nó hoàn toàn không bị phát hiện bởi những phương pháp khoa học mới nhất thì tôi không chắc lắm", Fritz chia sẻ với Sabar.
Sabar cũng phát hiện Fritz bắt đầu kinh doanh phim khiêu dâm năm 2003. Bắt đầu từ năm 2003, Fritz mở hàng loạt trang web phim khiêu dâm quay lại hình ảnh vợ ông ta quan hệ với những người đàn ông khác, Sabar cho biết.
Giáo sư King thừa nhận Fritz nói dối bà về lai lịch tấm giấy cói. Tuy nhiên, bà không chắc bản thân tấm giấy cói có phải một món đồ giả hay không và cần thêm bằng chứng khoa học trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Các chứng cứ hiện nay nghiêng về hướng giả mạo. "Rõ ràng, tôi không biết gì về Walter Fritz. Ông ta nói dối tôi", giáo sư King chia sẻ.
Xem thêm: Bí ẩn về khả năng chữa bệnh của chiếc khăn lau mặt Chúa Jesus
Phương Hoa
Cố thư nói về vợ Chúa Jesus có thể là giả - VnExpress