Khoa học

Tảng bơ vẫn ăn được sau 2.000 năm chôn dưới đầm lầy Ireland

Tảng bơ nặng 10 kg được tìm thấy ở độ sâu gần 4 m bên dưới đầm lầy và vẫn có thể ăn được xét về mặt lý thuyết.

tang-bo-van-an-duoc-sau-2000-nam-chon-duoi-dam-lay-ireland

Tảng bơ 2.000 năm tuổi tìm thấy dưới đầm lầy Ireland. Ảnh: Sonja Smith.

Seeker hôm qua đưa tin, một nhóm thợ cắt cỏ làm việc tại đầm lầy than bùn ở Ireland phát hiện tảng bơ 2.000 năm tuổi. Có mùi giống pho-mát, tảng bơ nằm cách mặt đầm 4 m, ở gần thị trấn Drakerath, cách Dublin 80 km về phía bắc.

Theo các chuyên gia, tảng bơ vẫn ở trong điều kiện hoàn hảo. "Đầm lầy có khả năng bảo quản rất tốt với nhiệt độ thấp, nồng độ oxy tốt và môi trường giàu axit", đại diện Bảo tàng hạt Ravan cho biết. Nhiều khả năng tảng bơ được chôn dưới đầm lầy như một món quà cho các vị thần thay vì nhằm mục đích bảo quản.

Andy Halpin ở Bảo tàng Quốc gia Ireland, nơi các chuyên gia tiến hành xác định niên đại và phân tích tảng bơ, cho biết sản phẩm từ sữa kiểu này không bao giờ được đào lên sau khi chôn. Giả thuyết chôn theo nghi lễ càng trở nên chắc chắn do tảng bơ không được bọc gói.

"Ở thời cổ đại, đầm lầy là nơi bí ẩn rất khó tiếp cận. Đầm lầy này nằm ở nơi giao nhau giữa ba vương quốc tách biệt và nó giống như mảnh đất không thuộc về con người", Halpin chia sẻ.

Phát hiện về tảng bơ không phải là trường hợp đầu tiên. Các nhà khoa học từng thu thập hàng trăm bọc bơ từ những đầm lầy ở Ireland, một số được đặt trong hộp gỗ, cùng với nhiều đồ gỗ, kiếm và đồ trang trí còn nguyên vẹn.

Loài rêu Sphagnum phổ biến ở vùng đầm lầy thường mọc phủ lên bất kỳ vật thể nào bên dưới đầm, bao bọc vật thể trong môi trường mát lạnh yếm khí khiến vi khuẩn không thể hoạt động và ngăn chặn quá trình phân hủy.

Theo Halpin, tảng bơ mới tìm thấy vẫn có thể ăn được xét về mặt lý thuyết. "Nhưng lời khuyên của chúng tôi là không nên nếm thử", Halpin nói.

Xem thêm: Trăn lớn nhất thế giới ẩn mình trong đầm lầy Amazon

Phương Hoa

VNExpress

Tảng bơ vẫn ăn được sau 2.000 năm chôn dưới đầm lầy Ireland - VnExpress


      © 2021 FAP
        536,345       354