Khoa học

Giảm thải khí nhà kính bằng 'giao đất, giao rừng'

Để người dân làm chủ những cánh rừng không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính, mà còn là giải pháp tốt nhất để cải thiện đời sống khó khăn.

Dự án hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Redd+ tại Việt Nam (FCPF) là sáng kiến nhằm hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm giảm thải nhà kính thông qua các hoạt động như giảm mất rừng, tăng cường trữ lượng các-bon rừng, quản lý bền vững rừng.

Ông Vũ Xuân Thôn, Trưởng ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Giám đốc FCPF, cho biết hiện cả nước có 5 tỉnh gồm Điện Biên, Lâm Đồng, Cà Mau, Thanh Hóa và Quảng Bình đã phê duyệt Kế hoạch Redd+ giai đoạn 2016-2020. Trong năm nay dự kiến 16 tỉnh sẽ tham gia.

Với chương trình này, các địa phương tập trung vào quản lý và bảo vệ rừng hiện có; phát triển các lâm sản ngoài gỗ sống dưới tán rừng như nguyên liệu, dược liệu và hương liệu.

"Mong muốn của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp là làm sao cho 2 triệu ha rừng đặc dụng và 4 triệu ha rừng phòng hộ phải ra được tiền mà vẫn bảo tồn đa dạng sinh học, giữ được tầng che và vẫn đảm bảo được tính phòng hộ cao", ông Thôn nói và cho biết đây là một nhiệm vụ của dự án.

Để thực hiện nhiệm vụ này, người dân sẽ được giao đất giao rừng để làm chủ vừa chăm sóc và cải thiện đời sống nhờ rừng. Theo đại diện dự án, nhận rừng người dân sẽ được chi trả dịch vụ môi trường rừng với bình quân 400.000 đồng/ha/năm. Sau 5 năm kể từ khi nhận được quyết định giao đất, giao rừng, nếu người dân thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ được làm đơn xin khai thác gỗ và có thể được cung ứng gỗ để làm hoặc sửa chữa nhà cửa.

Ngoài ra, người dân được toàn quyền phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng như trồng cây dược liệu, hương liệu, khai thác, chế biến, đem bán để tăng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. 

giam-thai-khi-nha-kinh-bang-giao-dat-giao-rung

Nhiều hộ dân Quảng Bình được giao quyết định bàn giao rừng.

Nhờ dự án trên mà hơn 100 hộ dân (32 hộ) ở thôn Mới và thôn Cát (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Bình) mới đây đã được công nhận quyền quản lý và bảo vệ rừng, hưởng lợi lâu dài và hợp pháp trên diện tích 600 ha rừng được giao.

"Làm sao mà không vui được khi bây giờ có thể coi rừng như ngôi nhà thứ hai, được chăm sóc và bảo vệ nó. Hơn tất cả là những lợi ích mà rừng đem lại sẽ giúp gia đình tôi cải thiện đời sống, không còn bị đói nữa", chị Hồ Thị Nhường vui vẻ nói khi cầm trên tay quyết định giao đất, giao rừng.

Cũng như nhiều hộ khác, sinh kế của gia đình chị Nhường phụ thuộc vào những lâm sản phụ từ rừng như mây, tre, măng và làm rẫy. Nhưng gia đình chị thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu ăn, trong khi đất sản xuất canh tác không có, nên đời sống gia đình chị vô cùng khốn khó.

Từ khi có dự án giao đất, đời sống của gia đình chị Nhường và những hộ dân khác được cải thiện và yên tâm sản xuất hơn. 

Dự án "Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Redd+ ở Việt Nam" do Quỹ đối tác các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng kinh phí của dự án hơn 4.430.000 USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 3.800.000 USD. Dự án được thực hiện từ tháng 11/2012 đến tháng 11/2016.

Phạm Hương

VNExpress

Giảm thải khí nhà kính bằng 'giao đất, giao rừng' - VnExpress


      © 2021 FAP
        511,533       1,023