Các nhà khoa học Anh tìm thấy bộ xương hóa thạch 165 triệu năm tuổi của một loài vật ở kỷ Jura thuộc họ xà đầu long, có kích thước khổng lồ và nhiều đặc điểm chưa từng thấy trước đây.
Hình ảnh tái hiện của Plesiosaur. Ảnh: Science Photo Library. |
Tiến sĩ Hilary Ketchum tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Oxford, Anh, mất hơn một giờ để ghép tạm thời bộ xương của xà đầu long (Plesiosaur) Eve 165 triệu năm, hé lộ kích thước khổng lồ của con vật, với những chiếc chân lớn hình mái chèo và chiếc cổ dài.
Plesiosaur từng thống trị đại dương trong hơn một trăm triệu năm trước khi biến mất cùng thời điểm khủng long tuyệt chủng. Dù sinh sống phổ biến các đại dương thời tiền sử, sự hiện diện của loài vật này gắn với nhiều câu hỏi về đặc điểm sinh học, giải phẫu học và tiến hóa mà các nhà nghiên cứu chưa thể giải đáp.
Plesiosaur là loài động vật rất kỳ lạ, theo tiến sĩ Ketchum, người trông coi các mẫu vật địa chất tại bảo tàng. "Chúng có họ hàng với các loài bò sát khác như khủng long, cá sấu, thằn lằn cá và rùa, nhưng chúng tôi không biết chắc nên phân loại chúng như thế nào", tiến sĩ Ketchum nói.
Bộ xương hóa thạch của Eve. Ảnh: BBC. |
Mẫu vật được phát hiện bởi một nhóm khảo cổ nghiệp dư từ mảnh xương tìm thấy tại một mỏ đá. "Một thành viên của nhóm tìm thấy vài mảnh xương từ phần chân chèo lẫn vào trong đất sét", tiến sĩ Ketchum cho biết. "Họ tiếp tục tìm kiếm và cuối cùng phát hiện toàn bộ bộ xương. Chúng tôi cho rằng nó có thể là một loài mới, nhưng ngay cả khi không phải, hóa thạch này cũng rất kỳ lạ. Có rất ít hóa thạch loài Plesiosaur với bộ xương gần hoàn chỉnh như thế này".
Bộ xương hóa thạch được phát hiện tại mỏ đá Must Farm gần thành phố Peterborough, Anh. Mark Wildman và các thành viên thuộc Nhóm công tác Oxford chuyên tìm kiếm hóa thạch, quyết định đặt tên bộ xương là Eve, vì đây là khám phá lớn đầu tiên của họ. Giới tính thật của hóa thạch chưa thể xác định, vì cá thể xà đầu long cái đầu tiên được xác nhận do mang trứng bên trong.
Eve được tìm thấy vào năm 2014 dưới lớp đất đá tồn tại từ kỷ Jura, nằm sâu dưới đại dương và mang theo hóa thạch của các loài động vật biển như plesiosaur và thằn lằn cá (ichthyosaurs). Lớp đất này có tên gọi tầng đất sét Oxford, trải dài dọc theo phần lớn nước Anh và lộ thiên tại các mỏ đá xung quanh Oxford, Peterborough và Weymouth. Hóa thạch này được chủ sở hữu mỏ đá hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên thuộc Đại học Oxford, nơi các nhân viên dành nhiều tháng làm sạch và phục hồi nó.
Trong phòng thí nghiệm cạnh bảo tàng, chuyên viên bảo quản Juliet Hay cẩn thận dùng dao gạt bỏ bùn từ hộp sọ. Hộp sọ hóa thạch bị đất sét phủ kín đang được làm sạch từ từ để bảo toàn các xương và răng. Đây là một công việc phức tạp, đòi hỏi sự kiên nhẫn nhưng rất cần thiết nhằm chuẩn bị cho quá trình phân tích.
Chuyên viên bảo quản Juliet Hay cẩn thận làm việc với phần hộp sọ của Plesiosaur. Ảnh: BBC. |
"Hình ảnh quét với độ phân giải cao cho thấy chúng ta có những mẫu xương được bảo quản rất tốt, hứa hẹn đem lại nhiều thông tin", tiến sĩ Roger Benson, người đang điều tra các hóa thạch, nhận xét.
"Từ những gì thấy được ở phần thân, chúng tôi cho rằng con vật có một số đặc điểm khác với những loài tìm thấy trước đây, vì vậy rất có khả năng nó là một loài động vật mới". Theo tiến sĩ Benson, việc kiểm tra các chi tiết của hộp sọ sẽ giúp xác nhận kết luận này.
Xem thêm: Phát hiện nguồn gốc quái vật Tully 300 triệu năm trước
Phương Chu
Quái vật biển cổ dài thống trị đại dương kỷ Jura - VnExpress