Khoa học

Hộp đen liệu có thể đưa ra lời giải về MH370

Việc phát hiện chiếc hộp đen của phi cơ mất tích có thể làm sáng tỏ những gì đã xảy ra với MH370, nhưng không ai có thể chắc chắn bởi hộp đen vẫn còn những hạn chế nhất định.

hop-den-JPG-7466-1395896489.jpg

Vị trí và cấu tạo hộp đen trên một máy bay. Ảnh: BBC

Hộp đen là một thiết bị lưu trữ thông tin được gắn trên máy bay để ghi lại dữ liệu các chuyến bay. Không chỉ được dùng trên máy bay, hộp đen còn được thiết kế trên các phương tiện cơ giới khác như ôtô. Hộp đen được Tiến sĩ David Warren ở Melbourne, Australia, sáng chế vào khoảng năm 1954.

Trên mỗi máy bay có hai hộp đen gồm một chiếc ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) và một chiếc ghi âm trong buồng lái (CVR). Chúng sẽ giúp các chuyên gia tìm nguyên nhân gây tai nạn trong trường hợp máy bay bị rơi. Tuy nhiên, cả hai thiết bị này đều có những hạn chế nhất định.

Thời gian lưu dữ liệu và pin bị hạn chế

CVR là thiết bị liên tục ghi lại trao đổi của phi công trong hành trình bay. Honeywell nhà sản xuất Mỹ đã cung cấp hộp đen gắn trên chiếc máy bay mất tích MH370, cho biết CVR có thể lưu được hai giờ ghi âm cuối cùng theo quy định. Lý do chỉ ghi lại hai giờ cuối cùng bởi thông thường đây là giai đoạn có thể xác định được nguyên nhân gây tai nạn. Tuy nhiên, trong trường hợp của MH370, rất nhiều diễn biến quan trọng khác có thể đã xảy ra trước khi chiếc máy bay gặp nạn vài giờ.

Khi bị chìm trong nước, các tín hiệu "ping" sẽ được kích hoạt và gửi đi từ hộp đen. Những tín hiệu này có thể bắt được bằng microphone hoặc thiết bị phân tích tín hiệu. Thiết bị thu âm giọng nói và thu dữ liệu đều có những bộ phận phát tín hiệu riêng.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là thời gian hoạt động pin trên bộ phận phát tín hiệu "ping" của MH370 chỉ duy trì trong 30 ngày. Bộ phận phát trên một số máy bay khác có thể hoạt động trong 90 ngày.

Kể từ sau vụ tai nạn máy bay Air France năm 2009, ngành hàng không thế giới đã thay đổi một số quy định về vấn đề này. Theo đó, thời gian pin hoạt động để duy trì chức năng của các bộ phận phát tín hiệu là 90 ngày để việc tìm kiếm được tiến hành thuận lợi hơn.

Một số máy bay của các hãng hàng không thế giới đã nâng cấp tính năng này, nhưng chiếc phi cơ mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines dường như chưa được làm như vậy.

Kích thước nhỏ, không nổi

Trên một chiếc máy bay, hộp đen được thiết kế ở phần đuôi để tránh bị hư hại trong các va chạm từ phía trước.

Kích thước nhỏ là một đặc điểm khiến việc tìm kiếm hộp đen gặp nhiều hạn chế. Theo tiến sĩ Guy Gratton của Phòng Nghiên cứu An toàn Chuyến bay của Đại học Brunel, Anh, hộp đen có kích thước tương đương chiếc hộp đựng giày. Khác với tên gọi, hộp đen có màu vàng cam sáng. Tuy nhiên, một khi bị rơi xuống đại dương mênh mông, màu sắc này cũng không dễ được phát hiện.

Mục đích của các hoạt động tìm kiếm là nhằm xác định vị trí xác của máy bay, trước khi định vị hộp đen bằng cách dò tín hiệu "ping". Nếu bộ phận phát tín hiệu hết pin, đội tìm kiếm sẽ phải áp dụng các biện pháp khác như máy dò kim loại.

Việc tìm kiếm hộp đen không hề dễ dàng bởi thiết bị này không nổi. Hộp đen được làm từ nhôm và các vật liệu siêu cứng để chịu được sức va đập mạnh, sức nóng từ lửa hay áp suất lớn. Một chiếc hộp đen thường nặng khoảng 10 kg và dễ bị chìm sâu khi rơi xuống nước.

Trong khi đó, các đại dương như Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có độ sâu lớn, đặc biệt là phạm vi tìm kiếm máy bay hiện tại có độ sâu khoảng từ 1.150 đến 7.000 m. Với bất lợi này, các nhà điều tra có thể sẽ phải cân nhắc tới khả năng hộp đen nằm ngoài tầm phát hiện của nhiều thiết bị siêu âm.

Phạm vi hạn chế của bộ phận phát tín hiệu "ping"

hop-den-1-4723-1395896489.jpg

Sơ đồ mô phỏng hoạt động dò tìm tín hiệu từ hộp đen bằng tàu Towed pinger locator của Mỹ. Ảnh: US Navy

Theo Honeywell, tín hiệu thường chỉ có thể thu được trong phạm vi khoảng 1,6 km. Điều này có nghĩa rằng các máy bay tìm kiếm phải di chuyển ở khu vực ngay trên chiếc hộp đen thì mới nghe thấy các tín hiệu "ping". Trong khi đó, nhiều nhân tố khác cũng có thể làm hạ bớt tín hiệu như khi hộp đen bị vùi trong bùn hoặc các lớp trầm tích.

Tuy nhiên, nếu bộ phận phát tín hiệu nằm sâu dưới đáy đại dương, hải quân có thể sử dụng công nghệ dò tìm âm thanh dưới nước để tìm kiếm và cơ hội phát hiện được hộp đen sẽ cao hơn.

Tàu ngầm hiện đại của Hải quân Hoàng gia Anh có thể phát hiện được tín hiệu "ping" từ cách xa nhiều dặm. Mỹ, Trung Quốc và Australia cũng có các tàu ngầm tương tự và có thể sẽ đưa đến khu vực này.

Mỹ mới đây triển khai một tàu lớn kéo theo thiết bị định vị đặc biệt được gọi là Towed Pinger Locator nhằm phát hiện hộp đen dưới nước. Towed Pinger Locator được kéo từ phía sau tàu ở tốc độ chậm và có thể phát hiện âm thanh với độ nhạy cao. Nếu vị trí xác máy bay được xác định, thiết bị này có thể nghe được âm thanh từ bộ phận phát tín hiệu của hộp đen ở độ sâu khoảng 6.100 m.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn còn một vấn đề phức tạp khác. Trong trường hợp hộp đen có thể phát tín hiệu "ping" từ đáy biển nhưng tín hiệu bị cản bởi một tầng nước ấm hơn hoặc lạnh hơn ở phía trên, thì nó có thể sẽ bị khúc xạ hoặc phản xạ.

Hộp đen của chiếc máy bay thuộc hãng Air France bị rơi trên Đại Tây Dương năm 2009 được phát hiện hai năm sau đó nhờ các phương tiện không người lái di chuyển chậm dưới nước.

Thùy Linh (theo BBC)

VNExpress

Hộp đen liệu có thể đưa ra lời giải về MH370 - VnExpress


      © 2021 FAP
        540,683       377