Khoa học

Kế hoạch điện hạt nhân Việt Nam 'không quá sức'

Thời gian tới, 20% nhu cầu điện năng của Việt Nam sẽ do các nhà máy điện hạt nhân cung cấp. Kế hoạch này được chuyên gia quốc tế cho là có tham vọng nhưng "không quá sức".

Ông Sandor Miklos Tozser, chuyên gia Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra nhận định trên bên lề hội thảo quốc tế "Thiết kế, vận hành và sử dụng lò phản ứng nghiên cứu" tại Đà Lạt hôm 19/3.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: Tiến Dũng.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: Tiến Dũng.

-  Đang có ý kiến không ủng hộ địa điểm xây dựng trung tâm nghiên cứu hạt nhân mới tại Đà Lạt vì cho rằng có thể gây nguy hiểm cho dân cư, ý kiến của ông thế nào?

- Không chỉ gần các khu resort như Đà Lạt, lò phản ứng dù đặt ở bất kỳ đâu cũng phải bảo đảm nguyên tắc bắt buộc là hoạt động an toàn, bảo vệ môi trường.

Để đảm bảo điều đó, đơn vị vận hành phải tuân thủ các quy tắc và khuyến nghị quốc tế. Đây là yếu tố chủ chốt để các lò phản ứng hạt nhân hoạt động ở bất kỳ đâu. Trong trường hợp xảy ra sự cố sẽ gây tác động mang tính toàn cầu, chứ không chỉ ở quy mô địa phương, như trường hợp nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011.

Đà Lạt chính thức có lò phản ứng cách đây 30 năm. Tôi cho rằng, người dân địa phương nên được tạo cơ hội đến thăm cơ sở hạt nhân này để xem trung tâm vận hành như thế nào. Đơn vị vận hành trung tâm nên thông báo một ngày cố định mở cửa cho công chúng và tổ chức những buổi thảo luận công khai cho người dân địa phương tham gia, để giúp họ hiểu những vấn đề như nhiệm vụ của trung tâm, cách thức vận hành bảo đảm an toàn…

- Một số người cho rằng, kế hoạch phát triển điện hạt nhân hơi quá sức so với một nước như Việt Nam. Quan điểm của ông thế nào?

- Trong bài trình bày của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, 20% nhu cầu điện năng của đất nước sẽ được cung cấp từ các nhà máy điện hạt nhân. Trong khi nhiều nước có tỷ lệ điện hạt nhân chiếm tới 50% hoặc hơn, nên tôi nghĩ 20% là mức thực tế.

Đúng là dự án của Việt Nam tham vọng, nhưng tôi nghĩ Việt Nam đã xem xét kỹ và thực hiện kế hoạch xây dựng hai nhà máy hạt nhân đầu tiên theo cách thức kịp thời. Năng lượng hạt nhân là một trong những nguồn năng lượng rẻ nhất và an toàn nhất để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Mức 20% hay 40% đều là gần với thực tế. Kế hoạch là tham vọng nhưng không có gì quá sức.

- Theo ông, Việt Nam có cần lập một cơ quan giám sát an toàn hạt nhân độc lập hay không?

- Cơ quan giám sát độc lập là điều rất quan trọng, có tính bắt buộc, có quyền kiểm soát cả các nhà máy điện hạt nhân và cơ sở nghiên cứu hạt nhân. Ở nhiều nước, cơ quan này phải báo cáo trực tiếp với Quốc hội hay Thủ tướng.

Cơ quan này phải độc lập, có thể xem xét và quyết định cơ sở, hoạt động nào liên quan đến hạt nhân là an toàn và không liên quan đến vấn đề hiệu quả kinh tế. Cơ quan giám sát độc lập này có quyền cấp giấy phép cho cơ quan vận hành cơ sở hạt nhân, đưa ra các tiêu chuẩn an toàn…

Hoạt động của cơ sở giám sát độc lập phải dựa trên luật do Quốc hội đưa ra. Luật hạt nhân phải do Quốc hội đưa ra dựa trên các khuyến nghị quốc tế.

Ông Vyacheslav Pershukov, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga, phát biểu: “Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân (gồm 2 cơ sở ở Đà Lạt và Hà Nội) rất cần thiết cho việc hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia không chỉ xây dựng các nhà máy hạt nhân mà còn sở hữu những chuyên gia vận hành chúng an toàn, hiệu quả”.

Theo tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, tháng 1/2014, Việt Nam và đối tác Nga hoàn thiện điều khoản tham chiếu cho nghiên cứu khả thi dự án Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân. Dự kiến, dự án khởi động từ giữa năm nay.

Theo Tiền phong

VNExpress

Kế hoạch điện hạt nhân Việt Nam 'không quá sức' - VnExpress


      © 2021 FAP
        511,852       82