Trong cuộc trao đổi với VnExpress, cố vấn khoa học của Bộ Ngoại giao Anh cho rằng việc Việt Nam đón nhận các ý kiến khác nhau từ người dân cũng như từ các đối tác sẽ đảm bảo không lặp lại sai lầm của các nước trong phát triển điện hạt nhân.
“Khi mọi người lo lắng và đặt ra những câu hỏi khó về phát triển điện hạt nhân thì đó là điều tốt. Bởi nếu không chúng ta sẽ không cải thiện tình hình”, Giáo sư Robin Grimes, cố vấn trưởng về khoa học của Bộ Ngoại giao Anh trao đổi với VnExpress nhân dịp ông đến Hà Nội cuối tuần qua:
Giáo sư Robin Grimes đến Hà Nội tham dự cuộc hội thảo lần thứ hai giữa Việt Nam - Anh Quốc. Ảnh: VA |
- Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của Việt Nam để phát triển năng lượng hạt nhân?
Tôi rất mừng khi thấy sự cởi mở của Việt Nam, chào đón nhiều đối tác đến nói về an toàn và an ninh năng lượng hạt nhân. Việt Nam rất sẵn sàng lắng nghe những đối tác đã phát triển năng lượng này, những người có thể đã mắc sai lầm. Nhờ vậy Việt Nam sẽ không lặp lại những sai lầm đó. Những kinh nghiệm các bạn có được từ đối tác Nga khác với kinh nghiệm của Anh. Và nếu thấy nhiều sự khác biệt thì các bạn sẽ có được sự linh hoạt trong kiểm soát năng lượng hạt nhân.
Việc chú ý đến an toàn ngay từ giai đoạn đầu rất quan trọng, giúp đảm bảo vòng đời của lò phản ứng, xử lý các vấn đề có thể tránh được. Ở Anh, chúng tôi quan tâm đến năng lượng hạt nhân sớm không có nghĩa chúng tôi hiểu tất cả ngay từ đầu. Chúng tôi không đưa ra những lựa chọn tối ưu, không ai làm được điều đó vì đó là công nghệ mới.
- Có lẽ ông cũng biết người dân Việt Nam khá quan ngại về nhà máy hạt nhân, sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản hồi 2011?
Việc mọi người đặt câu hỏi là một điều quan trọng, người dân có quyền có sự minh bạch. Và điều đó rất quan trọng cho hệ thống quản trị năng lượng hạt nhân.
Sự cố Fukushima, về phương diện kinh tế thì đó đúng là thảm họa. Nhưng nói ảnh hưởng tới sức khỏe con người thì lại không đúng. Đến nay chúng ta vẫn chưa có thống kê nào về số người thiệt mạng do rò rỉ phóng xạ từ nhà máy Fukushima. Trong khi số người chết do sóng thần lên đến 16.000 người.
- Liệu có việc che giấu thông tin không thưa ông?
Bản thân tôi đã có mặt ở Fukushima và đứng giữa các lò phản ứng. Thời điểm xảy ra sự cố Fukushima, tôi là thành viên Nhóm Phản ứng Nhanh trong Tình huống khẩn cấp của Anh. Chúng tôi cố gắng tìm hiểu và dự báo những hệ lụy xảy ra sau đó, giúp đưa ra các quyết định sáng suốt hơn.
Tôi đến Fukushima, đứng cách lò phản ứng hạt nhân khoảng 30m, trên tay cầm thiết bị đo phóng xạ. Và mức phóng xạ lúc đó rất thấp. Mọi người cứ nghĩ ở đó vài phút sẽ nguy hại đến sức khỏe nhưng điều đó không đúng. Chỉ có điều đáng lưu ý là việc dọn sạch phóng xạ là một thách thức, vì có mức cao ở bên trong nhà chứa lò phản ứng. Do đó cộng đồng quốc tế cần hợp tác với nhau để biết cách xử lý những vấn đề tương tự.
Tôi nghĩ với xã hội phát triển kỹ thuật nhanh như Việt Nam, không nghi ngờ gì về việc các bạn có thể có năng lượng hạt nhân an toàn.
- Vì sao Việt Nam được đánh giá cao như thế?
Tôi rất ấn tượng khi tới thăm Đại học Quốc gia Hà Nội, bởi số lượng các bạn trẻ có nền tảng tốt, thông minh, lưu loát. Họ sẽ trở thành các chuyên gia an toàn hạt nhân trong 60 năm nữa. Việc xây dựng và vận hành nhà máy hạt nhân, xây đường, lắp đặt các lò phản ứng…là công việc rất phức tạp. Công trình phải có tuổi thọ đến 60 năm, hoặc 80 năm. Những chuyên gia được đào tạo bây giờ rồi cũng tới lúc nghỉ hưu, và cần thế hệ kế tiếp.
Chúng ta không nên nghĩ đến việc Việt Nam không có chuyên gia và kinh nghiệm lúc này, mà hãy nghĩ đến sự bắt kịp của các bạn. Anh Quốc cũng có điểm khởi đầu.
- Anh đồng hành với Việt Nam như thế nào?
Đến nay chúng ta đã có hội thảo thứ hai kể từ khi ký bản ghi nhớ hợp tác hạt nhân năm ngoái. Chúng tôi sẽ có thêm nhiều hội thảo để giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về ngành năng lượng này. Trong vài năm tới, chúng tôi sẽ trở thành đối tác của Việt Nam trong phát triển điện hạt nhân ở các nước khác. Chúng tôi muốn trở thành đối tác về công nghệ.
- Ông có thể nêu một số điểm chính Việt Nam cần chú ý thời điểm này, khi đang bắt đầu phát triển năng lượng hạt nhân?
Thứ nhất là các bạn cần đặt trọng tâm trong đào tạo những người trẻ, điều đó là cốt yếu. Tiếp đó là phát triển khung điều chỉnh (regulator). Phát triển chuỗi cung ứng, các công ty Việt Nam có thể tham gia vào xây dựng. Và cuối cùng là quản lý được chất lượng.
Việt Anh
Giáo sư Anh: 'Việc người Việt lo ngại về điện hạt nhân cũng tốt' - VnExpress