Khoa học

Tiểu hành tinh tự phân rã

Quá trình tự tan rã hiếm có của một tiểu hành tinh trong vũ trụ mới được các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện qua kính viễn vọng không gian.

heic1405b-6357-1394420834.jpg

Quá trình phân rã của thiên thạch được quan sát từ tháng 9/2013 đến tháng 1/2014. Ảnh: NASA

AFP cho hay, tiểu hành tinh có tên P/2013 R3, nằm cách Mặt Trời khoảng 480 triệu km. Quá trình tan rã của P/2013 R3 được phát hiện qua kính viễn vọng không gian Hubble từ tháng 9/2013.

P/2013 R3 được cấu thành từ 10 mảnh, mỗi mảnh có đuôi bụi giống như sao chổi, 4 mảnh lớn nhất có chiều rộng khoảng 200 m. Theo quan sát của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California, quá trình tự tan rã của tiểu hành tinh không bị gây ra bởi các vụ va chạm trong không gian hay do tiếp xúc gần với Mặt Trời. Thay vào đó, P/2013 R3 suy yếu dần theo thời gian và tách thành những mảnh nhỏ.

Nhóm nghiên cứu cho rằng tác động của ánh sáng Mặt Trời có thể đã khiến tiểu hành tinh quay nhanh hơn và tạo ra lực ly tâm đủ lớn dẫn đến quá trình tự tan rã. Tốc độ di chuyển trong không gian của các mảnh vỡ vào khoảng 1,6 km/h.

Sự tan rã của P/2013 R3 sẽ tạo ra một số lượng lớn thiên thạch nhỏ. Phần lớn trong số này sẽ lao về phía Trái Đất và có thể được quan sát dưới dạng sao băng.

Các nhà thiên văn học từng chứng kiến nhiều trường hợp sao chổi tan rã khi tiếp xúc với Mặt Trời ở khoảng cách gần. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên họ quan sát quá trình tương tự ở một tiểu hành tinh.

Thùy Linh

VNExpress

Tiểu hành tinh tự phân rã - VnExpress


      © 2021 FAP
        540,926       320