Khoa học

Bàn giao hai cá thể gấu ngựa cho trung tâm cứu hộ

Ngày 7/3, hai cá thể gấu ngựa được nuôi nhốt ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa) đã được bàn giao cho cho Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam chăm sóc, chữa bệnh.

Hai con gấu ngựa nói trên được Kiểm lâm Thanh Hóa giải cứu vào giữa năm 2012 khi đang bị vận chuyển trái phép từ Lào sang Việt Nam. Khi đó, mỗi cá thể gấu chỉ nặng 6 kg và được chuyển về Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên chăm sóc, đến thời điểm này, mỗi cá thể gấu nặng hơn 70kg.

Hai-ca-the-gau-ngua-tai-khu-BT-2756-3606

Hai con gấu ngựa được nuôi nhốt trong điều kiện không đảm bảo ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nên được bàn giao cho Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng.

Tuy nhiên, do thời tiết thất thường, điều kiện nuôi nhốt chưa phù hợp với môi trường sống tự nhiên, nên gấu đực bị ốm từ đầu cuối năm 2013.

Vừa qua, Khu bảo tồn phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) mời các bác sĩ từ Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đến khám, chữa trị. Kết quả khám lâm sàng cho thấy, gấu đực bị đục thủy tinh thể hai mắt, rụng lông và bị bệnh giảm bạch cầu, không phát hiện có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm nào khác.

Đại diện Khu bảo tồn Xuân Liên cho biết, điều kiện của khu hiện nay để chữa trị gấu mắc bệnh là rất khó khăn. Cán bộ được giao chăm sóc, nuôi dưỡng gấu chưa có nhiều kinh nghiệm, không thể đáp ứng các tiêu chuẩn cứu hộ, chăm sóc thú y, nguy cơ gấu xổng chuồng là rất lớn. Mặt khác nếu thả gấu về tự nhiên là không an toàn, bởi gấu đã trưởng thành, mất tập tính tự kiếm ăn do bị nuôi nhốt lâu ngày nên khó tồn tại. Gấu rất hung dữ sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng con người.

Do đó, Khu bảo tồn Xuân Liên và UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định bàn giao hai cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam ở Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) chăm sóc, nuôi dưỡng.

Nhằm bảo đảm an toàn cho người, phương tiện vận chuyển các bác sĩ thú y của Tổ chức Động vật châu Á đã tiến hành gây mê, kiểm tra sức khỏe cho hai cá thể gấu trước khi vận chuyển từ Thanh Hóa về Tam Đảo.

Gấu ngựa có tên khoa học là Ursus thibetanus, còn được biết đến với tên gọi Gấu đen Tây Tạng, Gấu đen Himalaya, hay gấu đen châu Á, là loài gấu kích thước trung bình, vuốt sắc, màu đen. Loài động vật này có khu vực sinh sống trải rộng từ đông sang tây Á. Gấu ngựa là loài ăn tạp, chúng ăn các loại thức ăn như hoa quả, cỏ, hạt, động vật thân mềm, mật ong và thịt.

Gấu ngựa có tên trong Sách đỏ của Hiệp hội bảo tồn thế giới (IUCN). Nguy cơ tuyệt chủng của loài gấu ngựa thường do con người đốt nương làm rẫy khiến chúng không còn rừng sinh sống hoặc bị săn bắn lấy mật…

Lê Hoàng

VNExpress

Bàn giao hai cá thể gấu ngựa cho trung tâm cứu hộ - VnExpress


      © 2021 FAP
        491,293       492