Hóa thạch một chiếc răng khủng long hơn 70 triệu năm tuổi mới được phát hiện ở Malaysia, đánh dấu sự phát hiện hóa thạch khủng long lần đầu tiên tại quốc gia này.
Mẩu răng hóa thạch khủng long đầu tiên được tìm thấy ở Malaysia. Ảnh: AFP |
Theo AFP, hóa thạch khủng long được tìm thấy là một mẩu răng dài khoảng 23 mm. Hóa thạch răng được các nhà cổ sinh vật học Malaysia và Nhật Bản phát hiện sau hai năm tìm kiếm ở bang Pahang, bang lớn thứ ba của Malaysia.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Malaysai cho biết, đây là phần hóa thạch của một con khủng long ăn thịt được gọi là spinosaurid. Nó được phát hiện trong lớp đá trầm tích từ thời kỳ Đại Trung sinh (Mesozoic) và ước tính sống cách đây ít nhất 75 triệu năm.
Đặc trưng của khủng long spinosaurid là phần đầu hơi thon dài và có hình dáng giống đầu cá sấu, răng hình nhón, kích thước nhỏ hoặc không có đường răng cưa.
Masatoshi Sone, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết với phát hiện này, họ đã xác định được sự hiện diện của khủng long từ hàng triệu năm trước tại Malaysia. Nhóm chuyên gia cũng cho rằng các phần hóa thạch khủng long khác vẫn tồn tại ở đây.
Thùy Linh
Lần đầu phát hiện hóa thạch khủng long ở Malaysia - VnExpress