Khoa học

Sếu đầu đỏ về vườn quốc gia Tràm Chim

Ngoài 20 con sếu đầu đỏ đã về vườn Tràm Chim (Đồng Tháp), còn có rất nhiều loài khác cũng quy tụ về đây sinh sống như cò ốc, le le.

Sếu đầu đỏ nhảy múa trên trảng cỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: Kim Sơn/Báo ảnh Việt Nam)

Sếu đầu đỏ trên trảng cỏ ở vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Kim Sơn/Báo ảnh Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc vườn quốc gia Tràm Chim, hơn 20 con sếu đầu đỏ sống rải rác ở các khu A1,A2, A4 và A5. Các loài chim quý hiếm khác với số lượng lớn như cò ốc, giang sen, cò trắng, cồng cọc, le le, chích, chim suốt cũng quy tụ tại đây.

Ông Hùng cho biết, những tháng mùa nước nổi làm ngập các cánh đồng trong vườn là lúc sếu bay đi trú ngụ sinh sản ở Thái Lan, Lào, Campuchia. Mùa xuân đến, chúng bắt đầu về để tìm kiếm thức ăn.

Ban Quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết, sếu đầu đỏ về vườn với số lượng vài chục con là do chúng còn thám thính kỹ lưỡng để tìm bãi ăn, bãi nghỉ yên tĩnh, môi trường tốt để gọi tổng đàn về. 

Sếu đầu đỏ còn có tên gọi là sếu cổ trụi hay sếu lớn Phương Đông (tên khoa học: Grus antigone). Loài này nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới (Sách đỏ IUCN), nên được bảo vệ nghiêm ngặt.

Sếu đầu đỏ là loài chim có màu xám bạc ánh thép; khi trưởng thành thì đầu, cổ trụi lông và có một màu đỏ rất nổi bật, đồng thời vằn trên cánh và đuôi một màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu có màu xanh sừng, chân đỏ; chim non có bộ lông màu sẫm hơn.

Vườn quốc gia Tràm Chim là khu Ramsar của thế giới với diện tích hơn 7.300 ha. Hiện môi trường ở vườn tốt, mực nước các khu vực trong vườn được đảm bảo theo chuẩn nên các loài thủy sinh, thủy sản,  thảm thực vật được phục hồi và phát triển nhanh trong mùa nước nổi là điều kiện thích hợp để các loài chim về đây quần tụ kiếm ăn sau khi nước rút.

Theo Vietnam+

VNExpress

Sếu đầu đỏ về vườn quốc gia Tràm Chim - VnExpress


      © 2021 FAP
        541,406       379