Khoa học

Hóa thạch khủng long đầu tiên ở Arab Saudi

Các nhà khoa học mới đây phát hiện những hóa thạch khủng long hiếm ở Arab Saudi, có niên đại hơn 70 triệu năm.

kl-6127-1389152317.jpg

Phần hóa thạch khủng long được phát hiện ở Arab Saudi: đốt sống đuôi khủng long titanosaur (trái), răng khủng long ăn thịt (phải). Ảnh: Live Science

Theo Live Science, các hóa thạch được tìm thấy bao gồm đốt sống đuôi của loài khủng long titanosaur ăn thực vật và răng của loài khủng long chân thú răng nhọn. Các hóa thạch khủng long được xác định có niên đại khoảng 72 triệu năm tuổi, ở cuối kỷ Phấn trắng.

Phân tích phần hóa thạch răng cho thấy đây là một loài khủng long ăn thịt sống phổ biến ở bắc Phi lúc bấy giờ. Loài khủng long này đi bằng hai chân sau giống như khủng long Tyrannosaurus rex và có chiều cao khoảng 6m.

Trong khi đó, các đốt sống đuôi thuộc về một loài khủng long chân thằn lằn thường sống ở châu Phi và Nam Mỹ. Một con khủng long trưởng thành có chiều dài khoảng 20 m.

Các nhà khoa học cho biết, hóa thạch khủng long rất hiếm có ở bán đảo Arab. Các nghiên cứu trước đây chỉ tìm thấy mảnh vỡ của xương và răng của một số loài tương tự từ Jordan, Oman, Lenanon.

Theo một nhà cổ sinh vật học của Đại học Uppsala, Thụy Điển, phát hiện này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về địa điểm phát hiện hóa thạch, mà còn bởi đây là lần đầu tiên các loài khủng long được nhận biết theo phân loại học từ bán đảo Arab.

Thùy Linh

VNExpress

Hóa thạch khủng long đầu tiên ở Arab Saudi - VnExpress


      © 2021 FAP
        492,116       953