Giáo dục

Nữ sinh H'mông với mô hình chống xâm hại tình dục trẻ em

Biết rõ nguy cơ bị xâm hại tình dục của trẻ em vùng cao, cô bé mồ côi Chấu Thị Tảo đã đề ra giải pháp tăng cường giáo dục giới tính, giao lưu với công an, để học sinh biết cách xử lý khi gặp nguy hiểm.

Ngày 19/10, Chấu Thị Tảo (lớp 10 chuyên Văn, trường THPT chuyên Lào Cai) được vinh danh trong lễ tuyên dương nhà giáo, học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Nữ sinh dân tộc H'mông chia sẻ, đây là thành quả cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của em nhiều năm qua.

Sinh ra ở xã vùng cao của huyện Bắc Hà (Lào Cai), năm Tảo 2 tuổi, mẹ em mất vì bệnh, để lại 3 người con, em út mới tròn một tháng. Bố Tảo sau đó lấy mẹ kế, người phụ nữ này nhiều lần đánh đập con riêng của chồng. "Đó là quãng thời gian em không bao giờ muốn nhớ tới, nhưng lại chẳng thể quên", nữ sinh nói. 

Năm Tảo 8 tuổi, bố em qua đời, hai chị em phải nghỉ học ở nhà làm ruộng. Nhìn các bạn tung tăng tới lớp, cô bé không khỏi tủi lòng. 

nu-sinh-hmong-la-hoc-sinh-tieu-bieu-toan-quoc

Em Chấu Thị Tảo (lớp 10 Văn, THPT chuyên Lào Cai). Ảnh: Quỳnh Trang.

Năm 2007, Tảo và em trai được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội Lào Cai (chị gái do quá 12 tuổi nên không được nhận). Em được tới trường, học cùng các bạn kém 2 tuổi. Do quên tiếng phổ thông, khi vào lớp 1, Tảo gặp nhiều khó khăn trong học tập và giao tiếp với mọi người. Mất một kỳ học rèn luyện, nữ sinh H'mông mới hòa nhập được với các bạn ở thành phố Lào Cai.

Xác định học tập là con đường duy nhất để thay đổi số phận, Tảo tập trung đèn sách. Chuyện thức khuya dậy sớm với em rất bình thường. Những đợt ôn thi, Tảo học bài đến 3-4h sáng. 

Nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, năm lớp 8, Tảo tham gia nghiên cứu khoa học và đạt giải nhì cấp tỉnh với đề tài Thực trạng và giải pháp vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào CaiNữ sinh cho biết, là người dân tộc thiểu số, em biết rõ sự bất cập, thiếu hiểu biết về nạn xâm hại tình dục trẻ em ở vùng cao. Nhiều trẻ bị xâm hại, sau đó lại phải nhận sự kỳ thị của cộng đồng. Vì vậy, Tảo muốn đưa ra giải pháp giúp các bạn tự bảo vệ mình.

"Em đặt ra giải pháp là các trường tăng cường bài giáo dục giới tính, kỹ năng sống, giao lưu với công an..., để học sinh biết cách xử lý khi ở với người lạ hoặc có nguy cơ bị xâm hại. 3 trường trung học ở Lào Cai sau đó đã áp dụng mô hình này", Tảo cho biết.

Năm học vừa qua, Tảo đạt giải nhì thi học sinh giỏi tỉnh. Em đồng thời đỗ cấp ba chuyên Lào Cai - ngôi trường mơ ước của nhiều người học.

"Chấu Thị Tảo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng em luôn lạc quan, mạnh mẽ. Tảo ham học, tích cực xây dựng bài trên lớp, có khả năng hùng biện tốt. So với bạn cùng trang lứa, Tảo có nhận thức về cuộc sống sâu sắc hơn", giáo viên chủ nhiệm lớp 10 Văn (THPT chuyên Lào Cai) Nguyễn Thị Hạnh nói. 

Cuộc sống ở trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lào Cai mang đến cho Chấu Thị Tảo nhiều niềm vui. Em bảo đó là may mắn bởi nếu không được trung tâm đón về, có lẽ em đã thành nạn nhân của nạn tảo hôn như bao bạn cùng tuổi ở quê nhà. Thấu được nỗi vất vả của người con gái khi phải kết hôn sớm, hiểu rõ nạn phân biệt nam nữ ở vùng cao, nữ sinh H'mông mong ước được học tiếp rồi về làm cán bộ phụ nữ để tuyên truyền, giúp người dân xóa bỏ hủ tục. 

"Mồ côi cả mẹ lẫn cha là nỗi đau mà đến giờ em vẫn chưa thể vượt qua. Đôi lúc chỉ vì điều gì rất nhỏ, em cũng có thể tủi lòng. Do đó, em muốn đem sức mình, giúp đỡ được nhiều nhất có thể cho cộng đồng vùng cao, để giảm bớt những thiệt thòi của người dân nơi đây", nữ sinh 17 tuổi nói.

Ngày 19/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ tuyên dương nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016. Hơn 250 cá nhân xuất sắc ở các tỉnh thành đã được vinh danh. Trong số 126 học sinh có tên trong danh sách, 11 em là người dân tộc thiểu số. Phần lớn học sinh được tuyên dương đều đạt giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, có điểm cao tại kỳ thi THPT quốc gia.

Quỳnh Trang

VNExpress

nữ sinh Hmông, lễ tuyên dương giáo viên học sinh tiêu biểu, THPT chuyên Lào Cai, Chấu Thị Tảo


      © 2021 FAP
        905,442       134