Giáo dục

Sứ mệnh của đề thi THPT quốc gia

"Nếu sứ mệnh của đề thi là để khuyến khích học sinh học và có khả năng sử dụng ngoại ngữ thì cấu trúc đề năm 2017 với 40 câu trắc nghiệm hoàn toàn bất hợp lý", thầy giáo tiếng Anh Nguyễn Xuân Quang nhận xét.

Khi hỏi một thầy giáo đáng kính ở Đại học Ngoại thương, tại sao hết 12 năm học mà học sinh vẫn không thể giao tiếp được tiếng Anh? Thầy trả lời đầy chua chát: "Học giao tiếp để thi trượt à? Người ta có kiểm tra khả năng giao tiếp trong kỳ thi tốt nghiệp đâu".

Đề thi, xét về bản chất, không chỉ giúp người ta đánh giá trình độ học sinh mà còn giúp định hướng học sinh về những thứ nên học và không nên học. Trong suốt hàng chục năm qua, đề thi tiếng Anh luôn chỉ bao gồm 2 nội dung: đọc và viết. Trong đó, đọc chủ yếu là ngữ pháp, một phần nhỏ đọc hiểu và phát âm. Viết chủ yếu là viết lại câu - thực ra là một dạng ngữ pháp.

Hai năm 2015-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa thêm nội dung tự luận vào để kiểm tra kỹ năng viết của học sinh. Kết quả là hơn hàng chục nghìn bài thi điểm phần tự luận là 0. Điều này thể hiện thực trạng một bộ phận không nhỏ học sinh Việt Nam thiếu kỹ năng viết tiếng Anh. Trong khi đó, 2 kỹ năng còn lại là nghe và nói thậm chí chưa bao giờ được đưa vào trong đề thi tốt nghiệp hoặc đại học.

su-menh-cua-de-thi-thpt-quoc-gia

Phổ điểm Ngoại ngữ năm 2016.

Theo dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017 Bộ Giáo dục mới công bố, thay vì bổ sung 2 kỹ năng còn thiếu trong bài thi tiếng Anh, Bộ lại rút bớt một kỹ năng viết. Dự kiến bài thi hoàn toàn trắc nghiệm và chỉ còn kỹ năng đọc. Hình thức thi trắc nghiệm và số lượng câu hỏi hạn chế (40 câu) trong đề thi có thể gây ra những hiệu ứng tiêu cực cho mục tiêu đào tạo ngoại ngữ hiện nay.

Thứ nhất, với một đề thi 100% trắc nghiệm, học sinh có thể lựa chọn phương án không học ngoại ngữ, và tick điểm xác suất để được 2,5 điểm môn này. Điều này đã lấp ló trong kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2016 với số điểm nhiều nhất môn ngoại ngữ là 2,4; và điểm trung vị là 3. 

Thứ hai, số lượng câu trắc nghiệm môn tiếng Anh giảm từ 64 câu (năm 2016) xuống còn 40 câu (năm 2017) khiến khả năng bao quát kiến thức giảm đi nhiều, làm giảm đáng kể khả năng phân loại học sinh.

Cuối cùng, đáng tiếc nhất là khả năng sử dụng tiếng Anh chủ động qua kỹ năng viết không còn nữa. Viết là kỹ năng học sinh làm chủ ngôn ngữ cao, với vốn từ vựng, ngữ pháp tốt cùng với kỹ năng sắp xếp ý tưởng. Bỏ qua phần này chắc chắn sẽ khiến năng lực ngoại ngữ của học sinh tụt lùi rất nhiều.

Tới đây, hãy quay trở về với câu hỏi sứ mệnh của bài thi tiếng Anh là gì? Nếu nó là để khuyến khích học sinh học ngoại ngữ và có khả năng sử dụng ngoại ngữ, cấu trúc đề năm 2017 hoàn toàn bất hợp lý. 

So sánh với các bài thi chuẩn hóa của thế giới, điển hình là TOEFL ibt và IELTS, chúng ta sẽ thấy một bức tranh tương phản rất rõ ràng. Trong khi 4 kỹ năng đều được kiểm tra trong các bài thi này, với thời lượng làm bài lên tới 4 tiếng (TOEFL iBT), nội dung có độ bao phủ và phức tạp cao, thì bài thi THPT quốc gia chỉ kiểm tra duy nhất một kỹ năng, và nội dung chủ yếu tập trung trong sách giáo khoa hệ 3 năm lớp 12. Như thế thì làm sao các em có thể tự tin sử dụng ngoại ngữ trong cuộc sống được.

Cánh cửa hội nhập quốc tế có thể khép lại trước mặt các thế hệ tương lai ngay từ đề thi ngoại ngữ ngày hôm nay!

Nguyễn Xuân Quang

VNExpress

sứ mệnh, đề thi, THPT quốc gia, dự thảo, thi tiếng Anh, trắc nghiệm


      © 2021 FAP
        938,733       393