Giáo dục

7 cách giúp trẻ hoàn thành tốt bài tập về nhà

Tìm hiểu cách học, cho trẻ không gian học thích hợp cũng như thời gian nghỉ ngơi là một vài cách cha mẹ có thể áp dụng để giúp trẻ giảm bớt áp lực với bài tập về nhà.

Kỳ nghỉ hè sắp hết. Cha mẹ lo lắng chờ đợi năm học bắt đầu. Trẻ em cũng rất vui mừng chào đón năm học mới, trừ một thứ có tên “Bài tập về nhà”. Vấn đề bài tập về nhà là nguyên nhân lớn nhất của những xích mích, mặc cả giữa cha mẹ và con cái. Với một chút kế hoạch, cha mẹ có thể giúp xoa dịu những nỗi lo sợ trong lúc làm bài tập và cho phép trẻ đạt được một số mục tiêu phát triển cùng một lúc.

7-cach-giup-tre-hoan-thanh-tot-bai-tap-ve-nha

Với một chút kế hoạch, cha mẹ có thể giúp xoa dịu những nỗi lo sợ trong lúc làm bài tập. Ảnh: Parent Herald. 

Tại sao trẻ em có bài tập về nhà? Bài tập về nhà giúp các em xem lại, củng cố, thực hành khái niệm và kỹ năng đã học ở trường. Nó cũng giúp trẻ phát triển sự tập trung vào các chiến lược học tập để giúp việc học trong tương lai hiệu quả hơn. Bài tập về nhà có thể giúp phát triển sự tự giác, tập trung và quản lý thời gian cũng như xây dựng kỹ năng tự lập.

Cha mẹ cần trao đổi với giáo viên về các thể loại bài tập nhất định và mục đích của mỗi bài tập. Cần khuyến khích và cho trẻ em hoàn thành bài tập về nhà theo khả năng tốt nhất của trẻ và áp dụng những gì học được trong cuộc sống hàng ngày. Cha mẹ cần đảm bảo bài tập được hoàn thành chu đáo, gọn gàng, đầy đủ và kịp thời. Không nên làm hộ bài tập cho trẻ, và cũng không nên để việc làm bài tập trở thành nguyên nhân chính của những rạn nứt trong cuộc sống gia đình.

Khi trẻ gặp khó khăn trong việc học, cha mẹ cần nhận thức việc giảm bớt khối lượng công việc cho trẻ. Cần phải trao đổi với giáo viên để có những biện pháp cụ thể. Ngược lại, nếu trẻ không muốn làm bài tập, cần biết rõ kỳ vọng của cha mẹ về thành tích học tập của con nói chung và về vấn đề làm bài tập về nhà nói riêng.

Dưới đây là một số cách cha mẹ có thể áp dụng để giảm bớt gánh nặng bài tập về nhà cho trẻ em và gia đình.

1. Thiết lập không gian học tập đủ ánh sáng và tránh xa khu hoạt động chung. Chuẩn bị tất cả dụng cụ cần thiết cho việc học như bút mực, bút chì, sách vở. Trẻ cần lên lịch làm bài tập (ngắn hạn và dài hạn) dễ dàng nhìn thấy và theo dõi. Để trẻ hoàn thành bài tập khó nhất trước, như vậy các em sẽ nhận biết được những bài tập khó khác sau này. Đừng đứng kè kè trước mặt trẻ khi làm bài, cha mẹ chỉ nên quanh quẩn gần đó.

2. Quan sát cách trẻ làm bài tập về nhà. Phong cách học tập của trẻ là gì? Có phải là đọc to, viết, sử dụng hình ảnh...?

7-cach-giup-tre-hoan-thanh-tot-bai-tap-ve-nha-1

Bài tập về nhà có thể giúp phát triển sự tự giác, tập trung và quản lý thời gian cũng như xây dựng kỹ năng tự lập. Ảnh: Parent Herald.

3. Nhiều chuyên gia phản đối việc thưởng cho trẻ mỗi khi hoàn thành bài tập. Thay vào đó, cha mẹ nên dành những lời khen ngợi và các động lực tự nhiên khác. Cha mẹ có thể xem xét việc tạo ra một “hợp đồng” làm bài tập. Điểm có thể kiếm từ sự xuất sắc, khéo léo, độc lập... Những điểm này có thể đổi được cho phần thưởng mang tính hợp tác. Cha mẹ hoàn toàn tự quyết định áp dụng hệ thống khen thưởng như thế nào.

4. Hãy để trẻ đối mặt với những hậu quả của việc không hoàn thành nhiệm vụ. Để các em tự lập ra một hệ thống ghi nhớ bài tập và tài liệu cần mang về nhà (ví dụ sách bài tập hay các thiết bị điện tử). Cha mẹ có thể gợi ý trẻ tìm một “bạn cùng tiến” để thường xuyên trao đổi về bài tập về nhà. Điều này có thể giúp trẻ phát triển ý tưởng và giảm bớt lo ngại. Nếu trẻ nghỉ học (ví lý do như bị ốm), hãy nhắc trẻ lên kế hoạch để học hay làm bài tập bù, ví dụ bằng cách liên lạc với bạn cùng tiến để phụ đạo.

5. Cha mẹ có thể làm gương cho trẻ em bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến công việc của mình hoặc công việc nhà cùng với thời gian trẻ làm bài. Tốt nhất là không có những sao nhãng làm ảnh hưởng cả cha mẹ và trẻ khi đang làm việc.

6. Cha mẹ nên liên hệ với giáo viên nếu cảm thấy trẻ có quá ít bài tập về nhà hoặc không hiểu bài tập. Là do con quên bài tập hay vô tổ chức? Nếu trẻ không thể làm bài tập về nhà, cha mẹ cần phải tìm hiểu nguyên nhân. Có phải trẻ đang có vấn đề trong việc học mà chưa được phát hiện ra? Trẻ có tập trung trên lớp không? Hay trẻ có ngủ đủ giấc?

7. Hãy cho trẻ một khoảng thời gian nghỉ ngơi sau mỗi buổi học và trước khi bắt đầu thời gian làm bài tập về nhà. Trẻ cần được thư giãn và hoạt động để có thể suy nghĩ rõ ràng và hiệu quả. Một bữa ăn nhẹ lành mạnh, thời gian chơi và tập thể dục mang lại nhiều lợi ích.

Quỳnh Linh (theo Parent Herald)

VNExpress

bài tập về nhà, hoàn thành, lời khuyên cho cha mẹ


      © 2021 FAP
        631,784       95