Giáo dục

Phụ huynh than với Chủ tịch Hà Nội 'nhà vệ sinh trường học quá bẩn'

Năm học 2016-2017, thành phố sẽ cải tạo nhà vệ sinh của hơn 2.600 trường học, quyết chấm dứt tình trạng bức bối kéo dài nhiều năm qua.

Sáng 11/8, tham dự Hội nghị tổng kết năm học của ngành giáo dục Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, ngành giáo dục với nhiệm vụ trồng người, đào tạo 1/4 công dân của thành phố, song đầu tư cho giáo dục trong những năm qua chưa hoàn toàn xứng đáng. Thời gian tới, thành phố sẽ dành ngân sách, nâng mức đầu tư cho giáo dục từ 12% hàng năm lên 19%.

Năm học mới, Hà Nội ưu tiên giải quyết vấn đề bức bối trong các trường học là thiếu nước sạch trầm trọng và nhà vệ sinh quá bẩn. Thành phố sẽ cải tạo nhà vệ sinh của hơn 2.600 trường học trên địa bàn, đặt hàng doanh nghiệp nước ngoài sản xuất hệ thống toilet bằng inox, đảm bảo tiêu chuẩn. Khoảng một tháng nữa hàng sẽ về và phân bổ cho các trường học. Mục tiêu đến năm 2017-2018, thành phố sẽ giải quyết triệt để vấn đề nước sạch, nhà vệ sinh cho học sinh.

"Nhiều phụ huynh than thở với tôi rằng con họ đến trường phải nhịn đi tiểu từ sáng đến trưa vì nhà vệ sinh quá bẩn", ông Chung nói và cho biết, ngoài cải tạo nhà vệ sinh, Hà Nội trồng thêm khoảng 28.000 cây xanh trong các trường học. 

Thành phố đang rà soát tất cả quỹ đất hiện có, kể cả khu vực nội thành đất đai hạn chế như quận Hoàn Kiếm để xây dựng thêm khoảng 40 trường học và sẽ cố gắng hoàn thiện trước tháng 8/2017. Tuần trước, Chủ tịch Hà Nội đã ký quyết định lấy quỹ đất 3.000 m2 ở quận Hoàn Kiếm để xây dựng một trường tiểu học. 

nhieu-phu-huynh-than-tho-voi-chu-tich-ha-noi-ve-nha-ve-sinh-bn

Do quỹ đất chật hẹp, không có sân trường nên nhiều năm nay, học sinh trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) vẫn phải khai giảng năm học mới dưới lòng đường. Ảnh: Anh Tuấn.

Từ 5/9, các trường học bắt đầu quản lý khoảng 1,7 triệu học sinh bằng học bạ điện tử. Việc này vừa giảm áp lực ghi chép cho giáo viên, hạn chế việc chuyển trường, lớp hoặc học trái tuyến. Thông tin sẽ được lưu trữ lâu dài và có thể đi theo học sinh suốt đời. Thành phố nghiên cứu sau này tạo thành các trung tâm dữ liệu (Data Center), có thể trở thành nguồn cho các công ty, doanh nghiệp trong việc tuyển người. Chủ tịch Hà Nội trực tiếp chỉ đạo việc viết phần mềm và hứa đảm bảo "không bao giờ có sự việc bị hack như Vietnam Airlines".

Ngoài bồi đắp kiến thức, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng ngành giáo dục cần chăm lo sức khỏe, bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh. Trong tháng 8, Hà Nội sẽ dành ngân sách để xây dựng một trung tâm đào tạo kỹ năng sống cho học sinh. Dự kiến, học sinh THCS, THPT sẽ đến trung tâm này để học kỹ năng và đây sẽ là nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục của Hà Nội.

Ông Chung băn khoăn không biết có phải phụ huynh ép con em học nhiều quá hay thầy cô không quan tâm nhắc nhở tư thế ngồi học mà học sinh bị cận thị ngày càng nhiều. Tham dự Hội khỏe Phù Đổng học sinh các quận nội thành đeo kính rất nhiều, thậm chí có đoàn đeo kính đến 1/3 quân số. Ngành giáo dục cần đưa việc giảm tỷ lệ học sinh cận thị vào mục tiêu giáo dục trong những năm học tới.

"Một trường học mà có 1/3 học sinh tốt nghiệp đeo kính thì ngành công nghiệp sản xuất kính phát triển, nhưng lại là minh chứng sự đi xuống của sức khỏe", Chủ tịch Hà Nội ví von.

Người đứng đầu thành phố cam kết với cương vị của mình sẽ hành động với tinh thần "tiết kiệm được cái gì để dành đầu tư cho giáo dục thì sẽ quyết đầu tư". 

Phương Hòa

VNExpress

Hà Nội, xây dựng, trung tâm kỹ năng sống, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.


      © 2021 FAP
        783,728       366