Giáo dục

6 điều cần biết khi học đại học ở Đức

Chỉ với bằng tốt nghiệp trung học sẽ không đủ điều kiện vào đại học ở Đức; đa phần trường công lập không thu học phí cử nhân... là thông tin hữu ích với sinh viên muốn du học Đức.

Ở tuổi 18, Alex Daily đã bảo lưu việc học tại một trường đại học ở Mỹ, đóng gói hành lý và rời khỏi nhà ở New Jersey để sang Đức một năm theo chương trình giao lưu thanh thiếu niên. Nhận được học bổng của Hạ viện Quốc hội Đức, Daily sống cùng một gia đình người Đức, học trong trường trung học địa phương và trao dồi kỹ năng tiếng Đức. Anh chia sẻ: “Tôi rất thích những trải nghiệm ở đất nước này. Và tôi từng nghĩ mình đã sống ở đây rất lâu rồi”.

Daily trở về nhà sau chuyến giao lưu và sau khi thuyết phục cha mẹ mình, anh sớm trở lại Đức. Anh lấy bằng cử nhân về khoa học chính trị tại Đại học Freie Berlin, và đang chuẩn bị cho chương trình học thạc sĩ ở trường này.

Theo dự án Atlas của Viện Giáo dục quốc tế, đã có 301.350 sinh viên quốc tế học ở Đức trong năm 2013-2014. Đối với những bạn trẻ quan tâm đến du học cử nhân ở Đức, dưới đây là 6 điều cần biết.

6-dieu-can-biet-khi-hoc-dai-hoc-o-duc

Alex Daily, sinh viên quốc tế từ Mỹ, mới tốt nghiệp bằng cử nhân tại Đại học Freie Berlin gần như hoàn toàn bằng tiếng Đức. Ảnh: US. News

1. Chỉ với bằng tốt nghiệp trung học ở nước ngoài có thể không đủ điều kiện vào đại học ở Đức

Ví dụ, những sinh viên Mỹ muốn du học Đức sau tốt nghiệp trung học cần điểm trung bình (GPA) tối thiểu 3.0. Theo Cơ quan hợp tác và trao đổi khoa học Đức (DAAD), đây là một trong những điều kiện bắt buộc. DAAD có thể giúp đỡ sinh viên nước ngoài thẩm định kết quả học trung học có đạt điều kiện học ở Đức hay không.

Jay Malone, người sáng lập Eight Hours & Change, một công ty tư vấn du học Đức cho các sinh viên Mỹ và Canada, cho biết: “Bạn không thể vào học với bất kỳ tấm bằng trung học nào. Tiêu chuẩn ở Đức khá cao”.

Ngoài ra, các sinh viên Mỹ có bằng GED (kỳ thi để lấy bằng tương đương trung học ở Mỹ) hoặc học chương trình tại nhà chắc chắn không được nhận vào các trường đại học Đức, Malone nói thêm.

Alex Daily cho biết số điểm SAT của anh ở mức trung bình nhưng điểm khóa học nâng cao (AP) đã đưa anh vào trường đại học Đức. 

2. Các chương trình học bị hạn chế

Tuyển sinh giới hạn, hay còn gọi là “giới hạn đầu vào” (NCs), quy định số lượng nhập học các chương trình đại học phổ biến. Sinh viên có thể kiểm tra trên các trang web của trường đại học để xem điểm sàn GPA cho ứng viên đã được nhận vào một chương trình học hạn chế của năm trước. Theo trang web Eight Hours & Change, những sinh viên có GPA dưới nhưng sát với điểm sàn năm trước vẫn có cơ hội được nhận vào học.

Một số hạn chế do quy định của chính phủ, trong khi những yêu cầu khác do từng trường thiết lập. Các chuyên gia cho rằng nên liên hệ với văn phòng đại diện của trường đại học tại nước mình để lấy thông tin về chương trình học bị hạn chế.

Trang web Study in Germany, được tài trợ bởi Bộ Giáo dục Đức, cung cấp rất nhiều nguồn thông tin cho sinh viên tương lai, trong đó có một số chủ đề về chương trình hạn chế này.

3. Đa phần trường đại học công lập không thu học phí cử nhân

Tuy nhiên, sinh viên vẫn phải trả một số phí, ví dụ phí học kỳ dao động 113-281 USD tùy theo từng trường, theo trang web Study in Germany. Các trường tư nhân thường thu học phí cho các chương trình đại học.

4. Có những chương trình dạy bằng tiếng Anh

Trong khi hầu hết chương trình cử nhân ở Đức dạy bằng tiếng Đức, Study in Germany có danh sách hơn 100 chương trình học quốc tế ở Đức dạy toàn phần hoặc bán phần bằng tiếng Anh.

Cho dù học các chương trình bằng tiếng Anh, chuyên gia khuyên việc biết một ít tiếng Đức sẽ giúp sinh viên thu được nhiều nhất trải nghiệm quốc tế.

5. Sinh viên quốc tế có thể đi làm

Tuy nhiên, các sinh viên không đến từ các nước trong Liên minh châu Âu hay Khu vực kinh tế châu Âu sẽ bị hạn chế về số ngày làm việc - 120 ngày toàn thời gian hoặc 240 ngày bán thời gian mỗi năm, theo trang web Study in Germany.

Có một ngoại lệ là sinh viên quốc tế làm công việc trợ lý nghiên cứu tại các trường đại học không phải đối mặt với hạn chế về giờ làm.

6. Sinh viên cần độc lập

Daily chia sẻ: “Bạn sẽ có ít bài tập về nhà hơn. Bạn được tự chủ hơn. Và bạn được cho là sẽ tự làm tốt”. Malone đồng ý: “Hệ thống trường đại học Đức về cơ bản là đang ném những đứa trẻ vào vực sâu”.

Điểm số trong nhiều khóa cử nhân tại các trường đại học của Đức được dựa gần như hoàn toàn vào một bài thi hoặc dự án cuối kỳ. Các sinh viên và chuyên gia khuyên rằng cần thiết lập thói quen học tập tốt từ ngay đầu khóa học để đảm bảo chuẩn bị tốt cho trận chung kết.

Sau khi có được một số tìm hiểu ban đầu, các sinh viên tương lai nên tìm đến các văn phòng đại diện nước ngoài của trường đại học họ thích. Irmintraud Jost, Giám đốc điều hành Hiệp hội Đại học Heidelberg nói: “Chỉ khi bạn nói chuyện và hỏi trực tiếp những người này rằng: Tôi muốn học A, B, C thì cần phải làm gì?. Bạn sẽ thực sự nhận được câu trả lời đúng 100% sau đó. Không có một câu trả lời chung cho hầu hết câu hỏi liên quan đến du học Đức”.

Quỳnh Linh (theo US. News)

VNExpress

Đại học, Đức, tiếng Đức, độc lập, học phí


      © 2021 FAP
        999,471       411