Giáo dục

Bộ trưởng Giáo dục: 'Học tập Singapore phát triển tiếng Anh'

Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là quốc gia (như Singapore) đã thành công trong việc phát triển tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức hội thảo “Định hướng chiến lược dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020”. Ngoài lãnh đạo Bộ, Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, dự hội thảo còn có các chuyên gia, giảng viên, sinh viên đến từ các trường đại học ngoại ngữ, khoa ngoại ngữ của một số trường lớn, đại diện giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý sở đào tạo...

Sau khi nghe báo cáo kết quả của Đề án Ngoại ngữ 2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh phải được đặt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, nhất là khi tham gia Hiệp định TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Hiện một trong những thách thức lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chính là khả năng sử dụng tiếng Anh. Vì thế cần sớm chuyển việc học tiếng Anh từ áp lực thành động lực và đẩy nhanh việc phổ cập tiếng Anh cho những người tham gia vào quá trình hội nhập, đặc biệt là giới trẻ.

bo-truong-giao-duc-hoc-tap-singapore-phat-trien-tieng-anh

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo.

Bộ trưởng đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên triển khai trong thời gian tới là đánh giá, đúc kết các bài học kinh nghiệm trong dạy và học ngoại ngữ thời gian qua, triển khai hiệu quả chiến lược dạy và học ngoại ngữ theo hướng kiến tạo và hội nhập. Ông nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là quốc gia (như Singapore) đã thành công trong việc phát triển tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai.

Theo ông Nhạ, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cần huy động thêm sự tham gia của các chuyên gia, giảng viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm từ trường/khoa ngoại ngữ ở Việt Nam và quốc tế; tăng cường liên kết giữa cơ quan quản lý giáo dục với các tổ chức chính trị xã hội và cơ sở đào tạo ngoại ngữ để huy động nguồn lực đảm bảo điều kiện dạy và học ngoại ngữ tốt hơn. Đặc biệt, cần tập trung bồi dưỡng năng cao năng lực người dạy, nâng cao chất lượng nguồn học liệu và phương tiện dạy học, nâng cao chất lượng công tác khảo thí nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh cho người học.

Bộ trưởng khẳng định sẽ ưu tiên trước hết cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ các cấp theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực giáo viên ngoại ngữ quốc tế và vận dụng phù hợp với năng lực, điều kiện thực tiễn của giáo viên Việt Nam. Ông cũng yêu cầu rà soát khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam cũng như khung năng lực giáo viên tiếng Anh Việt Nam (ETCF), đồng thời tăng cường trao đổi chuyên gia, giảng viên, giáo viên và tình nguyện viên với các nước bản ngữ để tạo môi trường giao tiếp.

"Chương trình, tài liệu, phương tiện dạy và học ngoại ngữ phải đảm bảo chất lượng trên cơ sở phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng người học, trong đó chú trọng hơn tới nhu cầu học ngoại ngữ rất đa dạng của giới trẻ; tăng cường sử dụng các giải pháp công nghệ (digital platform), các phương tiện phát thanh, truyền hình, để hỗ trợ tất cả người học có thể tiếp cận bình đẳng với ngoại ngữ, có thể học mọi nơi, mọi lúc và đạt được năng lực sử dụng ngoại ngữ như mong muốn", tư lệnh ngành giáo dục nhấn mạnh.

Bộ trưởng chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường xã hội hóa hoạt động đào tạo ngoại ngữ, tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa về ngoại ngữ nhằm tạo môi trường giao tiếp bằng ngoại ngữ. Các trường/khoa chuyên ngữ cần xây dựng chương trình đào tạo để khi sinh viên ra trường có thể đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế.

Về công tác khảo thí, Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng của Việt Nam cập nhật với chuẩn quốc tế, dựa vào nguồn lực chuyên môn trong nước và phối hợp với các chuyên gia, tổ chức tư vấn, trung tâm khảo thí quốc tế. Bộ Giáo dục cũng cương quyết đóng cửa các trung tâm khảo thí không đảm bảo chất lượng, có biểu hiện tiêu cực.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh, cho rằng Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với việc làm thế nào để dạy và học tiếng Anh có chất lượng. Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã kịp thời giúp Chính phủ có những quyết sách lớn về vấn đề dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam.

"Hội đồng Anh mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chia sẻ các dự án Teaching for Sucess, English Impact cũng như kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nguồn, phương pháp dạy - học và kiểm tra, đánh giá trong đào tạo tiếng Anh", bà Cherry Gough nói.

Lan Hạ

VNExpress

Bộ trưởng Giáo dục: 'Học tập Singapore phát triển tiếng Anh' - VnExpress


      © 2021 FAP
        1,092,583       784