Giáo dục

Bốn hiểu nhầm về học online

Nhiều người vội vã kết luận học trực tuyến đơn điệu, thiếu sự kết nối và chỉ là một loại hàng hóa để bán, không có chiều sâu.

Số người tham gia các khóa học trực tuyến gia tăng theo thời gian, nhưng vẫn có không ít ý kiến nghi ngờ hình thức đào tạo này.

Ellen Murphy, phó khoa thiết kế và công nghệ dạy học của Đại học Luật Wake Forest đã chỉ những quan niệm sai lầm về học online trên tờ The Huffington Post.

Chỉ có một mô hình duy nhất

Có nhiều định nghĩa mâu thuẫn về việc học trực tuyến, hình thức giáo dục này cần được hiểu chính xác. Nhiều kiểu lớp học mới vẫn ra đời mỗi ngày nên khó có thể liệt kê hết nhưng có hai loại cơ bản: đồng bộ và không đồng bộ, dựa trên tiêu chí học sinh và giáo viên có xảy ra đồng thời không.

bon-hieu-nham-ve-hoc-online

Trong lớp không đồng bộ, người học làm việc độc lập, miễn là phù hợp với yêu cầu lộ trình đã được thống nhất từ trước của khóa học. Với lớp học đồng bộ, sinh viên và giảng viên tương tác trực tiếp với nhau trong một khoảng thời gian thực, theo lịch của lớp học. Điều này có thể thực hiện bằng cách giao tiếp, trao đổi qua video khi mà tất cả học sinh có thể nhìn thấy giáo viên của mình và ngược lại.

Không thể kết nối trong một lớp học trực tuyến

Kết nối, giao tiếp rất quan trọng để học sinh gắn bó với lớp, từ đó quan tâm tới việc học và có kết quả tốt hơn. Nhiều người chưa từng tham gia lớp trực tuyến nào, hoặc gặp phải một lớp chất lượng kém đã vội kết luận rằng khoảng cách vật lý tạo ra rào cản kết nối trong mô hình lớp học này.

Nhưng với trải nghiệm của bản thân, Ellen Murphy chỉ ra, các sinh viên và giáo sư đã phải sửng sốt vì không thể tưởng tượng lớp học ảo lại cho phép họ kết nối với nhau nhiều như vậy, thậm chí cơ hội trao đổi còn nhiều hơn so với những lớp học truyền thống.  

Nếu được áp dụng đúng cách, chính công nghệ làm tăng khả năng kết nối nhiều hơn lớp học truyền thống. Chúng ta có nhiều lựa chọn như lập blog và website cho khóa học, thực hiện chương trình điều tra trước khi bắt đầu khóa học để thu thập thông tin cá nhân và tập thể, sử dụng mạng xã hội, hay các dịch vụ nhắn tin của Google Hangouts, nói chuyện qua video của Skype.

Các khóa học trực tuyến là một loại hàng hóa, thiếu chặt chẽ

Một số giáo sư, sinh viên trong các trường hợp nêu trên kết luận rằng các khóa học trực tuyến chỉ là một loại hàng hóa, người học dành ít hay nhiều thời gian cũng đều hoàn thành được. Tuy nhiên, điều này không đúng bởi những chương trình chất lượng yêu cầu người học phải thực sự quan tâm, dành nhiều công sức, tương tác cao thì mới hoàn thành.

Một chương trình mà Murphy từng theo học yêu cầu sinh viên phải nộp bài hàng tuần, tuân theo các thời hạn nghiêm ngặt, thường xuyên trao đổi với giáo sư lẫn trợ giảng và còn phải chuyên cần hơn hình thức học truyền thống nhiều.

Học trực tuyến chỉ toàn là công nghệ, không phải học thật sự

Mang công nghệ vào giảng dạy không phải là ý tưởng mới khi các học sinh đã quen với việc được xem các video, học với slide và máy chiếu, có tivi trong lớp. Nhiều người cho rằng những lớp học nhiều yếu tố công nghệ khiến học viên chỉ xem các màn trình diễn mà không học, tiếp thu được gì.

Tuy nhiên, họ cần hiểu đúng là những công nghệ được sử dụng như là một phương tiện để chúng ta có thể hiểu hơn về thế giới bên ngoài. Ngày nay, công nghệ có thể làm được những điều tuyệt với hơn, những vai trò của chúng trong giáo dục không hề thay đổi.

Học tập mới là mục tiêu quyết định mọi thứ, và những yếu tố còn lại chỉ là công cụ hỗ trợ. Những bài giảng được thiết kế đẹp, các công nghệ hỗ trợ cho giáo dục luôn bắt đầu với việc lắng nghe ý kiến của giáo viên để xây dựng, xác định xem chúng giúp gì cho việc dạy và học, cải thiện kết quả như thế nào. Những phương pháp, lời giảng của các giáo viên không thể bị thay thế, lấn át bởi công nghệ và chính chúng góp phần tăng hiệu quả dạy học cho giáo viên.

Thu Ngân

VNExpress

Bốn hiểu nhầm về học online - VnExpress


      © 2021 FAP
        1,093,594       666