TTO - “Chúng tôi không biết đây là phép mầu hay nhờ khoa học hay là gì nữa. Tất cả 13 thành viên của đội bóng Heo Rừng đã ra khỏi hang” - đội đặc nhiệm SEAL Hải quân Hoàng gia Thái Lan reo vui thông báo trên Facebook. Lúc này là khoảng 19h ngày 10-7.
Hình ảnh người cứu hộ dũng cảm hi sinh để mang lại sự sống cho đội bóng nhí tại quê nhà, nơi chuẩn bị tổ chức lễ tang - Ảnh: Khaosod
Tại cuộc họp báo diễn ra đêm 10-7, mọi thứ vỡ òa khi chỉ huy chiến dịch Narongsak Osatanakorn chính thức xác nhận đã giải cứu được toàn bộ đội bóng.
Sứ mệnh hoàn thành
Ngày cuối cùng của chiến dịch căng thẳng tột độ khi mọi con mắt đều dõi theo đợt cứu hộ thứ ba và cũng là cuối cùng để giải cứu 4 cầu thủ và huấn luyện viên. Cơn mưa kéo dài từ rạng sáng đến trưa 10-7 trước khi trời đổ nắng gay gắt trở lại thật sự như một trò ú tim của thời tiết.
Ông Narongsak cho biết đợt giải cứu cuối cùng diễn ra sớm hơn so với những ngày trước đó, lúc 10h08 sáng khi mưa còn chưa dứt. Đội cứu hộ gồm 19 thành viên được huy động cho đợt này và tốc độ giải cứu nhanh hơn nhờ thuận lợi lớn là đã "quen việc".
Và tin vui dồn dập bay về chỉ sau 6 giờ kể từ khi bắt đầu đợt giải cứu cuối cùng: 16h15 cậu bé thứ 9 rời hang, 16h33 thành viên thứ 10, 17h15 người thứ 11, 18h20 là thành viên nhí cuối cùng và không lâu sau đó là huấn luyện viên Ekaphol Chanthawong.
Tôi rất hạnh phúc vì những đứa trẻ đã được cứu. Chúng là những đứa trẻ rất dũng cảm. Và tôi sẽ có nhiều điều để dạy cho các học sinh của mình sau cuộc giải cứu này
Một người tình nguyện và cũng là một giáo viên địa phương
Không thể sang Nga coi World Cup
Trước đó, tại cuộc họp báo sáng 10-7 ở Bệnh viện Chiang Rai Prachanukrok, Thứ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Jetsada Chokedamrongsuk cùng bác sĩ Chaiyawet Thanapaisan - giám đốc Bệnh viện Chiang Rai Prachanukrok và bác sĩ Thongchai Lertwilairatanapong - thanh tra Bộ Y tế Thái Lan - đã thông báo cụ thể về tình trạng sức khỏe của 8 cậu bé được giải cứu trong ngày 8 và 9-7.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Jetsada Chokedamrongsuk, đến sáng 10-7, tình hình sức khỏe của cả 8 thành viên đội bóng đã ổn định. Sau khi bình phục, 4 em nhóm đầu tiên đã được gặp người thân nhưng người thân chỉ được thăm từ ngoài cửa kính để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Về nhóm 4 em được đưa ra trong đợt giải cứu đầu tiên, theo bác sĩ Jetsada Chokedamrongsuk, có 2 em có biểu hiện bệnh viêm phổi, đã được cho uống thuốc, đến nay đã hết sốt và bình thường lại. Các em cũng chưa có biểu hiện bệnh nặng về mặt tinh thần.
Trong nhóm 4 em được giải cứu đợt 2, có một em bị loạn nhịp tim và đã được bệnh viện cho uống thuốc. Sáng 10-7 các em đã nói chuyện được bình thường. Các bác sĩ đã kiểm tra mắt, tầm nhìn, tinh thần các em cũng như làm các xét nghiệm để tìm mầm bệnh.
Trước những lo ngại liệu các em có phải chịu hậu quả tâm lý về lâu dài không, các bác sĩ cho biết hiện tại các em đều vui vẻ, phấn chấn, không thấy gì các biểu hiện tâm lý bất thường nhưng "chúng tôi sẽ gửi bác sĩ đến để kiểm tra thêm".
Liên quan việc FIFA mời các cầu thủ nhí tới Nga xem trận chung kết World Cup 2018, bác sĩ Thongchai Lertwilairatanapong khẳng định: "Các cậu bé không thể đi vì phải ở lại bệnh viện một thời gian, ít nhất là một tuần để điều trị".
Không có chuyện thuốc mê
Ngay sau khi 4 em đầu tiên được đưa ra khỏi hang Tham Luang ngày 8-7, có thông tin cho rằng các em đã bị đánh thuốc mê bởi họ nhìn thấy các em nằm bất động trên cáng.
"Ai mà đưa cái thứ quỷ đó cho một đứa trẻ chứ?" - Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha bức xúc khi được hỏi về chuyện này trong ngày 10-7. Ông Prayuth khẳng định các em được các bác sĩ cho sử dụng thuốc chống lo âu nhằm hạn chế tối đa nguy cơ trong quá trình di chuyển gần 5km ra khỏi hang. Nhà lãnh đạo Thái Lan nhấn mạnh đó là thuốc chống lo âu chứ không phải thuốc mê như lời đồn.
Nhận được tin tất cả thành viên đội bóng đã được giải cứu an toàn, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện đến Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai chúc mừng các lực lượng chức năng Thái Lan đã thực hiện thành công chiến dịch cứu hộ; đồng thời mong tất cả thành viên đội bóng mau chóng phục hồi sức khỏe, sớm được đoàn tụ với người thân.
* Thủ tướng Iceland, bà Katrín Jakobsdóttir, là nguyên thủ đầu tiên lên tiếng chúc mừng tin tốt lành từ Tham Luang: "Hôm nay, hi vọng, lòng trắc ẩn và sự can đảm đã chiến thắng. Xin gửi lời chúc nồng ấm nhất từ những người bạn Iceland đến tất cả các bạn - những chàng trai quả cảm".
* Ông Steffen Seibert, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho biết "có quá nhiều thứ đáng để ngưỡng mộ trong kỳ tích này": "(Đó là) sự bền chí của các chàng trai dũng cảm và huấn luyện viên của họ, và khả năng cũng như lòng quyết tâm của những chuyên gia cứu hộ".
* Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay trước khi chuẩn bị sang Bỉ để bắt đầu chuyến công du châu Âu, cũng gửi lời chúc mừng đến Hải quân Thái Lan vì nỗ lực cứu nạn thành công. "Một khoảnh khắc tuyệt đẹp - tất cả đều đã được giải cứu. Làm tốt lắm!" - ông Trump viết trên Twitter.
D.AN - TRƯỜNG SƠN
Hình ảnh người cứu hộ dũng cảm hi sinh để mang lại sự sống cho đội bóng nhí tại quê nhà, nơi chuẩn bị tổ chức lễ tang - Ảnh: Khaosod
Đầu tiên phải kể đến là ông Narongsak Osatanakorn - chỉ huy chiến dịch cứu hộ. Ông Narongsak đã chỉ huy thành công chiến dịch giải cứu trong một tình huống trớ trêu: vụ việc ở Tham Luang xảy ra khi ông đang trong những tuần làm việc cuối cùng với tư cách tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai, sau khi có quyết định thuyên chuyển sang đứng đầu tỉnh nhỏ hơn là Phayao.
Ông Narongsak Osatanakorn nhận quyết định chuyển công tác hồi tháng 4, và người kế nhiệm ông sẽ nhận nhiệm sở vào ngày 6-7. Trong khi đó, chiến dịch giải cứu đội Heo Rừng bắt đầu vào ngày 8-7. Do lẽ ông Narongsak Osatanakorn là một lãnh đạo có uy tín, người Thái đã kiến nghị lên Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, yêu cầu để ông tiếp tục giữ chức tỉnh trưởng cho đến khi các cầu thủ nhí và huấn luyện viên được giải cứu an toàn. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã từ chối kiến nghị này vì quyết định đã ký, song đồng ý cho phép ông Narongsak Osatanakorn giữ vai trò chỉ huy chiến dịch cứu hộ với đầy đủ quyền hạn như khi còn đương chức tỉnh trưởng.
Ông Narongsak đã làm hết mình trong những ngày cuối cùng còn là lãnh đạo Chiang Rai, ngay cả khi quyết định đưa ông về Phayao được xem là "giáng chức" (dù chính quyền khẳng định đây chỉ là động tác luân chuyển cán bộ thông thường). Tờ New York Post vì thế cho rằng dù không còn là tỉnh trưởng, ông "vẫn là thủ lĩnh của hang động".
Một người hùng thứ hai, người không có dịp chứng kiến giây phút vỡ òa khi 13 thành viên đội Heo Rừng được đưa ra khỏi hang, là ông Saman Gunan, cựu thành viên đặc nhiệm Seal Hải quân Thái Lan, người đã hi sinh trong chiến dịch giải cứu.
Ông Gunan, 37 tuổi, bắt đầu làm nhiệm vụ tiếp dưỡng khí trong hang từ 20h30 tối 5-7. Tuy nhiên trên đường trở ra cửa hang, ông đã thiếu dưỡng khí cho chính mình và rơi vào tình trạng hôn mê. Ông qua đời vào rạng sáng 6-7.
Lực lượng đặc nhiệm Seal Hải quân Thái Lan đã cầu chúc Gunan yên nghỉ và hứa sẽ hoàn tất nhiệm vụ giải cứu đội Heo Rừng như tâm nguyện của ông, và họ đã làm được.
Ngày 10-7, báo Khaosod cho biết đài hỏa táng đã được dựng lên tại tỉnh Roi Et, quê nhà của ông Gunan, và lễ hỏa táng sẽ diễn ra vào ngày 14-7. Gia đình Gunan cũng đã tổ chức tang lễ cho ông tại nhà, và rất nhiều người ghé qua để tiễn biệt người anh hùng vừa ngã xuống. (TR.SƠN)