Thế giới

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại

TTO - Rạng ráng 20-3-2003, không quân Mỹ bắt đầu dội bom xuống thủ đô Baghdad của Iraq, mở màn cho cuộc xâm lược một quốc gia Trung Đông khi đó đang được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo chống Mỹ.

Tổng thống George W. Bush và các cố vấn của ông quyết định gây chiến vì tin rằng Iraq, dưới tay "kẻ độc tài" Saddam Hussein, đã sở hữu hoặc đang trong quá trình xây dựng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Chiến sự bắt đầu khoảng 90 phút sau hạn chót mà Mỹ đặt ra cho Saddam Hussein, hoặc phải rời khỏi Iraq, hoặc phải đối mặt với chiến tranh. 

Những mục tiêu đầu tiên mà theo Tổng thống Bush là "có tầm quan trọng quân sự" bị tấn công bằng một loạt tên lửa Tomahawk đến từ những máy bay ném bom và tàu chiến đóng quân ở Vịnh Ba Tư. 

Trong những giờ phút ác liệt, đài phát thanh Cộng hòa Iraq ở Baghdad thông báo vẫn truyền đi những lời hiệu triệu, lên án các hành động của Mỹ. "Những tên quỷ dữ, kẻ thù của Chúa, của quê hương và nhân loại, đã ngu ngốc xâm lược tổ quốc và nhân dân chúng ta".

15 năm sau, người ta chưa bao giờ phát hiện được vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq, còn ông Saddam Hussein, người có quan điểm chống Mỹ ở Trung Đông, trở thành người thiên cổ.

Những hình ảnh dưới đây phản ánh bi kịch của một cuộc chiến khủng khiếp trong thế kỷ 21:

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 1.

Khói bụi bao phủ các tòa nhà chính phủ Iraq ở thủ đo Baghdad, Iraq ngày 20-3-2003 sau chiến dịch ném bom "gây sốc và kinh hoàng" của Mỹ. Một trong những số này có cả dinh thự của Tổng thống Iraq Saddam Hussein - Ảnh: AFP

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 2.

Khi những quả bom Mỹ đã phát nổ trên đất Iraq, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã lên phát biểu trên truyền hình tuyên bố "các lực lượng của Hoa Kỳ và đồng minh đang ở trong giai đoạn đầu của những hoạt động quân sự nhằm giải giáp Iraq, giải phóng người dân của họ, và bảo vệ thế giới khỏi hiểm nguy" và "Nhiều người dân Iraq đêm nay có thể nghe tôi nói thông qua bài phát biểu đã được biên dịch và tôi có một thông điệp cho họ: Bạo chúa sẽ sớm bị lật đổ và ngày giải phóng của quý vị đang đến gần" - Ảnh: GETTY

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 3.

Richard Barnett, lính quân y thuộc Sư đoàn thủy quân lục chiến 1 của Mỹ, ôm một bé gái người Iraq ở miền trung nước này. Trong vòng 3 tuần, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã lật đổ chính quyền Hussein và kiểm soát các thành phố lớn của Iraq. Tổng thống Bush tuyên bố kết thúc hoạt động chiến đấu quy mô lớn vào ngày 1-5- 2003 - Ảnh: REUTERS

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 4.

Hình ảnh này đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến tranh mang tính chất xâm lược do Mỹ phát động. Bức tượng của Tổng thống Saddam Hussein ở thủ đô Baghdad bị giật đổ vào ngày 9-4-2003 - Ảnh: REUTERS

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 5.

Một người đàn ông Iraq bị bắt, với chiếc túi ni lông trùm kín đầu và tay trói sau lưng, trong một cuộc bố ráp của Sư đoàn Bộ binh 4 Mỹ tại Tikrit, quê hương của ông Saddam Hussein. Dù quân đội Iraq thất bại nhanh chóng trước liên minh của Mỹ, các cuộc nổi dậy và phản công kiểu du kích vẫn tiếp diễn nhiều tháng sau đó trên khắp Iraq - Ảnh: Damir Sagolj

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 6.

Đây là hình ảnh mà hãng thông tấn AP có được. Nó cho thấy cảnh những người đàn ông Iraq, chắc chắn là tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib ở Baghdad, trong trạng thái trần truồng, đầu bị bị bằng túi nhựa, đang bị tra tấn. Họ được yêu cầu xếp chồng lên nhau trong trạng thái như thế, trước sự chứng kiến của các binh sĩ Mỹ. Một cuộc điều tra quân sự sau đó đã dẫn tới 11 binh sĩ Mỹ tại nhà tù Abu Ghraib bị kết tội, nhẹ thì khiển trách, nặng thì ở tù tới 10 năm - Ảnh: AP

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 7.

Những hình ảnh không đề ngày tháng và nguồn gốc này cho thấy tình trạng của ông Saddam Hussein sau khi bị lính Mỹ bắt giữ ngày 13-12-2003. Theo trang History, "sau một cuộc truy lùng gắt gao, lính Mỹ tìm thấy Saddam Hussein trốn trong một cái hố sâu, cách quê nhà Tikrit khoảng 14,5 km. Ông ta không chống cự và không bị thương trong cuộc bắt giữ. Một người lính có mặt tại hiện trường mô tả ông ta là "người đàn ông đầu hàng trước số phận" - Ảnh: GETTY

Tháng 6 - 2004, một chính phủ lâm thời được thành lập ở Iraq sau khi ông Saddam Hussein đồng ý chuyển giao quyền lực. Tháng 1-2005, cuộc bầu cử Quốc hội chọn ra 275 thành viên được tổ chức. Một hiến pháp mới cho đất nước được phê chuẩn vào tháng 10 năm đó.

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 8.

Binh sĩ Anh trong liên minh của Mỹ bị những người biểu tình ở thành phố Basra ném bom xăng ngày 22-3-2004. Anh là quốc gia đóng góp binh sĩ nhiều thứ 2 trong cuộc xâm lược Iraq, với 45.000 người, chỉ sau Mỹ - Ảnh: REUTERS

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 9.

Các quan tài phủ quốc kỳ Mỹ chuẩn bị được chuyển khỏi máy bay vận tải ở Căn cứ không quân Dover, bang Delaware (Mỹ). Đây chỉ là một trong hơn 300 bức ảnh không đề ngày chụp được Không quân Mỹ công bố ngày 14-4-2004 sau khi phải đối mặt với các yêu cầu phải công bố theo Đạo luật Tự do thông tin. Dover là nơi đầu tiên đón nhận các máy bay chở thi hài lính Mỹ từ cuộc chiến Iraq về nước. Lầu Năm Góc cấm tuyệt đối các phóng viên vào bên trong khu vực này - Ảnh: REUTERS

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 10.

Trung sĩ hải quân Kevin Downs, 21 tuổi, đang thở hơi lên sau khi tập vật lý trị liệu tại một trung tâm hồi phục chức năng ở San Antonio, Texas (Mỹ) ngày 23-8-2006. Downs bị phỏng độ 3 và độ 4, mất chân sau khi chiếc xe quân sự chở anh nổ tung vì một thiết bị nổ tự chế ở Iraq tháng 8-2005 - Ảnh: GETTY

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 11.

3 năm sau cuộc chiến, mọi thứ ở Iraq vẫn rối bời. 2006 là năm đầu tiên của giai đoạn mà sau này các nhà sử học gọi là "cao điểm bạo lực" ở Iraq, các cuộc nổi dậy bùng phát, căng thẳng sắc tộc leo thang. Hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến do Mỹ phát động tại nhiều thành phố trên khắp thế giới, từ Louisiana đến Úc - một trong 4 nước góp quân cùng Mỹ. Trong ảnh: Biểu tình phản chiến ở thành phố Portland, bang Oregon (Mỹ) ngày 19-3-2006 - Ảnh: AP

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 12.

Cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein tự bào chữa trong phiên tòa xét xử ông tại Baghdad ngày 5-4-2006. Vụ xét xử đầu tiên diễn ra vào tháng 10-2005. Ngày 05-11-2006, ông bị tuyên phạm các tội ác chống lại loài người và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Kháng cáo bất thành, một tháng sau ngày tuyên án, ông bị treo cổ - Ảnh: REUTERS

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 13.

Nhưng cái chết của ông Saddam Hussein không chấm dứt các cuộc nổi dậy chống Mỹ ở Iraq. Trong ảnh: Những người đàn ông Iraq này bị trói tay sau lưng, nằm sấp mặt trên đất vì bị tình nghi là quân nổi dậy sau một đợt truy quét của quân đội Mỹ ở Baquba, đông bắc Baghdad ngày 26-6-2006 - Ảnh: REUTERS

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 14.

Dhiya Thamer, 6 tuổi, chết trong vòng tay mẹ, sau khi chiếc xe chở gia đình em lọt vào một ổ phục kích ở Baqouba, đông bắc Baghdad tháng 9-2007. Không ai biết thủ phạm của vụ việc. Sự can dự của Mỹ đã tạo điều kiện cho những căng thẳng sắc tộc âm ỉ ở Iraq trong suốt mấy chục năm bùng nổ - Ảnh: REUTERS

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 15.

Binh sĩ Mỹ Kyle Hale mất bình tĩnh và đẩy một người đàn ông trong lúc ngăn chặn một vụ chà đạp tập thể một người đàn ông khác bên ngoài ngân hàng Al Rasheed ở chợ Jamilah, thành phố Sadr - một khu vực có đông người Shiite ngày 10-6-2008 - Ảnh: AP

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 16.

Lễ tái nhập ngũ của binh sĩ Mỹ tại Baghdad ngày 5-7-2008. Hơn 1.200 binh sĩ Mỹ đã làm lễ tái nhập ngũ, một phần trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Mỹ tại cung điện al-Faw bên trong Trại Victory - Ảnh: REUTERS

Hơn 50 quốc gia, bao gồm khối Ả rập, Liên minh châu Âu bằng cách này hay cách khác đã phản đối cuộc chiến do Mỹ dẫn dắt ở Iraq. Về lý thuyết, hành động của Mỹ đã xâm phạm chủ quyền của một quốc gia được cộng đồng quốc tế công nhận, nói cách khác, đó là hành động của kẻ xâm lược.

Ở một chừng mực nào đó, sự ra đi của Saddam Hussein là một điều tích cực. Nhưng nó có thể tạo ra những biến chuyển ở các quốc gia khác, ở những người đàn ông và phụ nữ Hồi giáo, khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn"

Ông Jacques Chirac, khi còn là Tổng thống Pháp, tuyên bố ngày 17-11-2004

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 18.

Desiree Fairooz, một nhà hoạt động phản chiến, nhảy xổ và giơ bàn tay đầy máu vào mặt Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice bên ngoài trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 24-10-2007. Trước khi bị cảnh sát lôi đi và bị bắt giữ, bà Fairooz đã kịp hét vào mặt nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ cụm từ "tội phạm chiến tranh" - Ảnh: REUTERS

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 19.

Khoảnh khắc nhà báo Iraq Muntadhar al-Zaidi cởi hai chiếc giày và ném phăng vào mặt Tổng thống Mỹ George W. Bush trong cuộc họp báo với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki ngày 14-12-2008. "Đây là lời tạm biệt của người dân Iraq, đồ chó!" và "Hành động này dành cho những góa phụ và những trẻ mồ côi, cho tất cả những người đã bị giết ở Iraq" - đó là những gì al - Zaidi hét lên trước khi bị khống chế và bị đè xuống đất. Tổng thống Mỹ né được cả hai cú ném nhưng nhà báo Iraq thì không thoát khỏi án tù 3 năm, nhưng được giảm xuống còn 1 năm và cuối cùng chỉ thụ án 9 tháng vì "tấn công nguyên thủ quốc gia nước ngoài" - Ảnh: AP

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 20.

6 năm sau cuộc chiến, những di sản và tư tưởng của ông Saddam Hussein vẫn còn hiện diện ở Iraq. Trong ảnh: Hai binh sĩ Mỹ đi ngang qua các bức tượng bán thân bằng đồng của ông Saddam Hussein ở "Khu Xanh" của thủ đô Baghdad ngày 20-3-2009 - Ảnh: AP

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 21.

8 năm dưới sự cầm quyền của Thủ tướng Nouri al-Maliki, Iraq nỗ lực giảm tình hình bạo động, nỗ lực hòa giải dân tộc song song với việc khôi phục nền kinh tế Iraq. Trong ảnh: Binh sĩ Iraq duyệt binh ngang qua Mộ các chiến sĩ vô danh trong Ngày quân lực ở thủ đô Baghdad ngày 6-1-2010 - Ảnh: AFP

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 22.

Một nhân viên an ninh Iraq trưng ra một khẩu súng ngắn được tìm thấy trong một đợt bố ráp ở quận Zayouna, thủ đô Baghdad ngày 26-9-2010. Các vật liệu chế tạo thuốc nổ và nhiều loại vũ khí khác được tìm thấy. Chẳng ai để ý tới lá cờ nền đen trắng trong bức ảnh, ít nhất cho tới 4 năm sau khi nó trở thành dấu hiệu của sự chết chóc của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận đông (ISIL) - Ảnh: REUTERS

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 23.

8 năm sau cuộc chiến, năm 2011, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama tuyên bố rút toàn bộ binh sĩ Mỹ tại Iraq về nước. Thực chất đây chỉ là giai đoạn cuối cùng trong kế hoach rút quân kéo dài gần 3 năm của Mỹ, bắt đầu từ năm cuối nhiệm kỳ của ông George W. Bush. Washington chọn giải pháp rút quân từ từ để đảm bảo những binh sĩ Mỹ ở lại Iraq vẫn an toàn, vừa đảm bảo không để lại khoảng trống quá lớn cho quân đội Iraq vốn đang trong giai đoạn mỏng manh. Trong ảnh: Lễ rút quân Mỹ khỏi căn cứ không quân Sather ngày 15-12-2011 - Ảnh: GETTY

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 24.

Binh sĩ Myles James được chào đón tại quê nhà Fort Hood, Texas. James là một trong những binh sĩ của đợt rút quân cuối cùng khỏi Iraq năm 2011 - Ảnh: GETTY

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 25.

Chiến tranh luôn là sự mất mát, cả bên thắng lẫn bên thua. Trong ảnh: Mary McHugh gục khóc bên mộ của vị hôn phu James Regan ở khu 60 của nghĩa trang quốc gia, ngoại ô thủ đô Washington (Mỹ) - Ảnh: GETTY

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 26.

Em Khitam Hamad, 12 tuổi, bị phỏng nửa gương mặt trong một vụ nổ bom xe ở thành phố Fallujah, đang chụp hình và chờ sự giúp đỡ của Tổ chức Bác sĩ không biên giới ngày 28-11-2011 tại Amman, Jordan. Tổ chức này bắt đầu các ca phẫu thuật thẩm mỹ giúp các nạn nhân chiến tranh ở Iraq kể từ năm 2006 - Ảnh: REUTERS

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại  - Ảnh 27.

Với người dân Iraq, người Mỹ rút quân không đồng nghĩa đất nước này đã ổn định. Bạo lực sắc tộc vẫn tiếp diễn ở Iraq và không ai ngờ rằng 3 năm sau ngày Mỹ rút quân, một tù nhân đã từng bị giam giữ trong nhà tù của Mỹ ở Iraq đã trở thành kẻ đầu lĩnh của một trong những tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới. Trong ảnh: Một người phụ nữ bế con đi ngang các bức tường chống đánh bom tự sát ở Baghdad ngày 9-12-2011. Khoảng 60.000 khối bê tông như thế này được nhìn thấy ở Baghdad vào cuối cuộc chiến - Ảnh: GETTY

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        241,296       793